Giảm tổn thất điện năng: Nguyên nhân và giải pháp

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có nhiều nỗ lực giảm tổn thất điện (TTĐN) từ 10,15% năm 2010 xuống còn 7,57% năm 2016, đưa Việt Nam từ nước có tỷ lệ TTĐN cao trở thành nước có TTĐN trung bình trên thế giới. Vậy đâu là nguyên nhân gây TTĐN và EVN cần làm gì để giảm TTĐN trong thời gian tới?

Sử dụng MBA Amorphous là giải pháp hiệu quả giảm TTĐN

evn.com.vn trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả bài viết của GS. Viện sỹ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đăng trên Tạp chí Điện lực, số 6, kỳ 2 tháng 3/2017 xoay quanh vấn đề này. 

Nguyên nhân nào gây tổn thất điện năng?

Tổn thất điện năng trên hệ thống điện là lượng điện năng tiêu hao cho quá trình truyền tải và phân phối điện từ thanh cái các nhà máy điện qua hệ thống lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối đến các hộ sử dụng điện. Theo phân loại, TTĐN gồm hai loại, tổn thất kỹ thuật và tổn thất thương mại. 

Tổn thất kĩ thuật chỉ có thể giảm đến ngưỡng nhất định. Vì vậy, cần tập trung nghiên cứu các giải pháp giảm tổn thất thương mại xuống mức hợp lý là mục tiêu của ngành Điện các nước trên thế giới, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, giảm áp lực đầu tư nguồn điện, là cơ sở tính đúng, tính đủ giá thành sản xuất điện. 

Hệ thống điện Việt Nam do điều kiện địa lý tự nhiên kéo dài từ Bắc vào Nam, phụ tải phân bố rải rác, tỉ trọng công nghiệp chưa cao, tỉ trọng tiêu dùng dân cư lớn là các yếu tố không thuận lợi khi giảm TTĐN. Tuy vậy, EVN và các đơn vị đã nỗ lực giảm TTĐN xuống 7,57% năm 2016 và mục tiêu đến năm 2020, TTĐN sẽ giảm xuống còn 6,5%. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành Điện Việt Nam, khi lưới điện Việt Nam có kết cấu hết sức phức tạp, mang tính đặc thù cao. 

Cần đầu tư xây dựng lớn

Với hệ thống điện có tính đặc thù cao như Việt Nam, việc giảm TTĐN đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó cần rà soát lại năng lực truyền tải của các đường dây, xử lý triệt để tình trạng quá tải, hoàn thiện các sơ đồ đấu nối, bổ sung thiết bị đóng cắt, tăng cường liên kết giữa các TBA 110 kV, từ đó nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, nâng cao độ linh hoạt trong vận hành. Rà soát, thống kê thiết bị lưới điện chất lượng thấp, tổn thất điện năng cao, có nguy cơ xảy ra sự cố để tăng cường theo dõi và lập kế hoạch thay thế.  

Tăng cường công tác quản lý vận hành, bảo dưỡng, ngăn ngừa sự cố lưới điện. Trong đó lưu ý kiểm tra, xử lý triệt để vấn đề xâm phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, tiếp địa, các điểm tiếp xúc, cách điện của đường dây, thiết bị... không để các mối nối, tiếp xúc không tốt dẫn đến phát nhiệt (trên dây dẫn, cáp, đầu cực thiết bị...) gây  sự cố và làm tăng TTĐN. 

Các đơn vị cần mạnh dạn thử nghiệm sử dụng các loại vật tư, thiết bị công nghệ tiên tiến, độ tin cậy cao, tổn thất thấp; Đẩy mạnh trang bị và thực hiện vệ sinh cách điện hotline (không cắt điện); Hoàn thiện và tăng cường khai thác hệ thống SCADA ở các cấp điều độ, đẩy nhanh các dự án SCADA lưới điện phân phối.

Tăng cường quản lý TTĐN các tuyến dây, TBA. Thực hiện kiểm định, thay thế định kỳ công tơ, BU, BI theo quy định. Tăng cường sử dụng công tơ điện tử có khả năng đọc chỉ số từ xa, có độ chính xác cao. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm tra xử lý nghiêm và tuyên truyền ngăn ngừa vi phạm sử dụng điện.

Đặc biệt, để giảm TTĐN, việc hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thực hiện bám theo phụ tải, đảm bảo tiến độ, chất lượng và đồng bộ giữa các cấp điện áp. Thực hiện cải tạo, nâng cấp các đường dây, trạm biến áp đang mang tải cao, xây dựng thêm các công trình mới theo mục tiêu đến năm 2020 các đường dây tải điện không quá 50% công suất định mức, các trạm biến áp mang tải không quá 75% định mức, lưới điện đáp ứng tiêu chí N-1.

Theo tính toán, trong giai đoạn 2016 - 2020, để phục vụ tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5 - 7%/năm, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm có thể lên đến hơn 11%. Điều này đòi hỏi yêu cầu đầu tư rất lớn về nguồn và lưới điện. Dự kiến trong giai đoạn 2016 - 2020, EVN sẽ đầu tư hơn 440.000 tỉ đồng. Trong đó, riêng phần lưới điện phân phối chiếm gần 180.000 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư này nhằm mục tiêu đảm bảo cung cấp điện phát triển kinh tế xã hội trên đất nước và phục vụ đời sống của nhân dân. Quá trình đầu tư sẽ củng cố, phát triển lưới điện thông minh, góp phần giảm TTĐN. 

Tuy vậy, chúng ta không giảm tổn thất điện năng bằng mọi giá mà phải cân đối, dựa trên cơ sở hiệu quả đầu tư và khả năng cung cấp điện ổn định trên lưới. Đầu tư phát triển hệ thống điện với mục tiêu đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội phục vụ đời sống nhân dân, ngày càng nâng cao chất lượng, độ tin cậy cấp điện. Trong đó, lưới điện sẽ được tăng cường hiện đại hơn, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy và góp phần giảm TTĐN. 


  • 21/04/2017 10:38
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 71252