Giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo tỉnh Ninh Thuận

Đây là một trong những nội dung chính tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngày 10/12, tại Hà Nội.

Tham dự buổi làm việc có ông Lưu Xuân Vĩnh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.

Về phía EVN có ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn, ông Đặng Huy Cường - Thành viên HĐTV và ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Tổng giám đốc EVN.

 Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Theo ông Lưu Xuân Vĩnh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, vừa qua, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) của cả nước.

Tới nay, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 30 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.788,79 MW. Trong đó, có 19 dự án với tổng công suất 1.002,9 MW đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA). Về điện gió, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án với tổng công suất 798,75 MW.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh, một số dự án đã khởi công và dự kiến đi vào hoạt động ngay cuối năm 2018, đầu năm 2019. Tuy nhiên, hệ thống truyền tải trên địa bàn tỉnh ước tính chỉ giải phóng được 777,35 MW, chưa đáp ứng được nhu cầu giải tỏa công suất các dự án năng lượng đang triển khai.

Về vấn đề này, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết, để có thể giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa, trên cơ sở báo cáo của EVN, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng đề xuất danh mục các dự án lưới điện vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Trong đó, có kiến nghị bổ sung quy hoạch và điều chỉnh tiến độ một số dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận như: Đầu tư trạm 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Thuận Nam - Chơn Thành (năm 2025); trạm 220 kV Ninh Phước và đấu nối (năm 2021); đường dây 220 kV mạch kép Ninh Phước – Vĩnh Tân (năm 2023)…

Tuy nhiên, đặc thù thời gian đầu tư các dự án điện mặt trời ngắn, chỉ trong khoảng 6-12 tháng. Trong khi đó, cần tối thiểu 3 năm để đầu tư xây dựng các công trình lưới 220 kV và tối thiếu 5 năm đối với công trình lưới 500 kV. Do đó, việc giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời trong thời gian tới hết sức khó khăn.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai bên đã bàn bạc và đề xuất giải pháp khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Thuận Nam- Chơn Thành, thực hiện đầu tư các công trình phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo theo hình thức xã hội hóa.

EVN cũng kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận có cơ chế quản lý, giảm sát việc đầu tư các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, nhằm khai thác lợi thế của tỉnh, đồng thời đảm bảo hiệu quả đầu tư các công trình nguồn điện và lưới điện đấu nối, giải tỏa công suất.


  • 10/12/2018 07:18
  • M.Hạnh
  • 23091