Giải phóng mặt bằng dự án truyền tải điện: Nhiều thách thức cần sự vào cuộc từ các bộ, ngành, địa phương

Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã hoàn thành tốt công tác đầu tư xây dựng các dự án truyền tải điện, qua đó góp phần cùng EVN đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án truyền tải điện càng ngày càng khó khăn, trong đó bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn là “bài toán” khó khăn nhất.

Thách thức lớn

Đầu tiên phải kể đến là công tác thỏa thuận tuyến đường dây và vị trí trạm biến áp với địa phương gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, kéo dài thời gian lập và phê duyệt dự án đầu tư. Thực tế hiện nay tại một số địa phương có sự quản lý chồng chéo quy hoạch, dẫn đến tình trạng mặc dù đã có thỏa thuận hướng tuyến nhưng sau đó lại cấp phép xây dựng cho các công trình khác, dẫn đến nhiều khó khăn trở ngại khi bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB).

Trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối hoàn thành đóng điện tháng 11/2022. Ảnh: Trần Hiếu

Trong công tác BTGPMB, theo quy định của pháp luật, nhà nước chỉ thu hồi đất và bồi thường tài sản thiệt hại liên quan đến thu hồi đất nhưng chưa quy định về bồi thường tài sản bị hư hại để phục vụ quá trình thi công gây ra như đường vận chuyển, đào đất, bãi tập kết vật liệu, tiếp địa... Hiện nay, rất nhiều công trình gặp vướng mắc liên quan đến bồi thường phục vụ thi công nhưng chưa có quy định nào để giải quyết nội dung này.

Đối với thu hồi đất, khi các hộ dân không chấp hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, không nhận tiền, không bàn giao mặt bằng thì UBND cấp quận, huyện, thị, thành lập hồ sơ để cưỡng chế thu hồi đất. Tuy nhiên, đối với việc thi công kéo dây (kể cả phục vụ thi công) các hộ dân không nhận tiền và bàn giao mặt bằng thì chưa có quy định nào cụ thể để chính quyền tổ chức lực lượng để bảo vệ thi công. Hiện nay, các nhà thầu thi công phải tự thỏa thuận với các hộ dân nên gặp khó khăn do các hộ dân yêu cầu đơn giá bồi thường quá cao so với các quy định của nhà nước dẫn đến tiến độ thực hiện các dự án thường kéo dài.

Một vấn đề nan giải trong thời gian qua khi thực hiện dự án truyền tải điện là thủ tục xin chủ trương và xin chuyển mục đích sử dụng rừng quy định tại Điều 41 của Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020, đặc biệt, chuyển đổi rừng tự nhiên sang đất xây dựng dự án rất phức tạp. Phạm vi công việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng liên quan đến nhiều bộ, ngành, nhiều cấp để kiểm tra rà soát với thời gian kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt dự án. Vướng mắc lớn nhất của việc này là thời điểm thực hiện các thủ tục xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng ngay khi dự án đang giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Giai đoạn này chỉ xác định được các vị trí góc, còn các vị trí trung gian chưa được thể hiện trên hiện trường.

Ngoài ra, các dự án thường không được UBND tỉnh cập nhật đầy đủ diện tích đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Vì vậy, số liệu liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi rừng chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương và cần bổ sung hiệu chỉnh nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ xin chủ trương và xin chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng dự án truyền tải điện.

Một số địa phương do lực lượng cán bộ làm công tác BTGPMB ít, phải thực hiện nhiều dự án trên địa bàn nên chưa thực sự quyết liệt trong việc giải quyết công việc cũng như phối hợp, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác BTGPMB. Hơn nữa công tác này chưa có các quy định gắn liền trách nhiệm của địa phương nên khi triển khai công tác này thường gặp nhiều khó khăn vướng mắc và kéo dài.

Trạm biến áp 500kV Lào Cai và đường dây 220kV đấu nối hiện còn vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng. Ảnh: Trần Hiếu

Nỗ lực của EVNNPT

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong EVN và EVNNPT, năm 2022, EVNNPT khởi công được 28 dự án, trong đó có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và đảm bảo cung cấp điện. Về công trình đóng điện, EVNNPT đã nỗ lực hoàn thành đóng điện 42 dự án. Trong đó, có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, năng lượng tái tạo, thủy điện và các dự án phục vụ đảm bảo cung cấp điện.

Để có được kết quả trên, trong thời gian qua EVNNPT tổ chức bộ máy 4 Ban QLDA trực thuộc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thí điểm thành lập Ban Điều hành dự án tại các Ban QLDA các công trình điện miền Bắc, miền Trung, miền Nam theo các nguyên tắc chỉ đạo của EVN và EVNNPT. Tổ chức phân tích, đánh giá ưu, nhược điểm để từng bước đề xuất với EVN thống nhất mô hình quản lý dự án.

Trong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, để rút ngắn thời gian thực hiện các dự án, EVNNPT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chung cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên để triển khai các dự án truyền tải điện mà không phải trình phê duyệt chủ trương cho từng dự án. EVNNPT sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, các dự án đường dây truyền tải điện chỉ chuyển mục đích sử dụng rừng tại các vị trí móng cột điện, phần hành lang sẽ được thiết kế chiều cao cột đảm bảo khoảng cách an toàn để không ảnh hưởng và phải chặt hạ cây rừng tự nhiên trong hành lang tuyến. Chỉ sử dụng tạm (trong thời gian thi công) diện tích rừng tự nhiên để làm đường tạm thi công đối với các vị trí đặc biệt khó khăn và sẽ hoàn trả diện tích đất rừng sau khi thi công hoàn thành.  

EVNNPT cũng đã có ý kiến với EVN kiến nghị Bộ Công Thương khi lập, phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và địa phương cần tính toán xác định quỹ đất cho từng công trình theo từng đơn vị hành chính cấp huyện (bao gồm cả lưới truyền tải điện 220kV và 500kV) để làm căn cứ cho địa phương lập quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất chung của địa phương.

Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, EVNNPT quyết liệt bám sát các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp từ Đảng ủy, chính quyền để cùng phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đề xuất các biện pháp giải quyết, cần tiếp cận cùng chính quyền từ cấp xã/huyện để tuyên truyền, vận động, giải thích,... cho người dân và tổ chức bị ảnh hưởng.

Về công tác trong thi công, EVNNPT xây dựng tổng tiến độ, tiến độ chi tiết và thường xuyên rà soát, kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện các khâu từ giai đoạn chuẩn bị xây dựng, thi công xây dựng, nghiệm thu đóng điện bàn giao đưa công trình vào vận hành đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Có thể khẳng định, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức trong vướng mắc mặt bằng các dự án truyền tải điện, tuy nhiên với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn của EVNNPT, EVNNPT đã hoàn thành nhiều dự án trọng điểm mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao. Tuy nhiên, để tiến độ các dự án đảm bảo tiến độ, tránh lãng phí vốn đầu tư công, EVNNPT mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để các dự án về đích đúng tiến độ.


  • 30/01/2023 10:00
  • Trương Hữu Thành - Phó Tổng giám đốc EVNNPT
  • 4135