Giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải: Vướng ở đơn giá đền bù

Đơn giá bồi thường, hỗ trợ có lẽ là khâu vướng nhất trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án truyền tải điện.

Theo điều 74 của Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/07/2014 thì “việc bồi thường được thực hiện bằng cách giao đất có cùng mục đích sử dụng với đất bị thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể, do UBND tỉnh quyết định”. Đây là chủ trương đúng đắn, mang tính nhân văn cao và hợp lòng dân.

Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) cho biết, để xác định giá cụ thể, UBND các huyện phối hợp với các Sở chuyên ngành của tỉnh thực hiện hay thuê đơn vị độc lập chuyên ngành thực hiện và được xác lập theo điều 4 & 5 của Nghị định 44/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 quy định về giá đất. Vì vậy, các đơn vị thực hiện đều căn cứ vào các giao dịch đã thành công được lưu tại Văn phòng công chứng, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất để tính toán. 

Tuy nhiên, trên thực tế, khi chuyển nhượng đất đai các bên (mua-bán) chỉ khai để tính thuế, với mức tối đa bằng giá quy định của UBND tỉnh, mức này thường khoảng từ 40-50% giá thực tế các bên mua bán (tại các vị trí đất đẹp hay thời điểm sốt đất, mức này có khi chỉ chiếm ở mức 30%). 

Theo CPMB, chủ trương và cơ sở về mặt pháp lý là chuẩn mực nhưng khi triển khai trên thực tế, nó không mang đầy đủ ý nghĩa của giá thay thế hay giá cụ thể nên các hộ dân đều không hài lòng vì giá bồi thường bao giờ cũng thấp hơn giá chuyển nhượng rất nhiều. 

Ngoài ra, các địa phương cũng thường xác định giá đất bồi thường theo Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (phương pháp tính hệ số k). Cách này mang tính “chủ quan” rất nhiều. Thông thường với k=1 là dễ thông qua nhất và không giải trình cơ sở pháp lý với cấp thẩm định, phê duyệt. Sau khi UBND tỉnh đã duyệt, các khiếu nại được xử lý xoay quanh việc đã áp dụng đúng đơn giá quy định của cấp có thẩm quyền nên không có cơ sở giải quyết.

 “Chính sách về mức hỗ trợ đất và tài sản trên đất do bị ảnh hưởng hạn chế khả năng sử dụng đất tại Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện chỉ quy định mức cao nhất không quá 30% mà không quy định cụ thể ở một mức cũng dẫn đến kéo dài quá trình lập phương án bồi thường”, Trưởng ban Quản lý xây dựng EVNNPT, ông Châu Anh Tuấn cho hay. 

Với mức hỗ trợ 30% theo CPMB là chưa phù hợp với điều kiện thực tế, các địa phương và hộ dân đều không đồng tình, vì cây cối của hộ dân trong hành lang phải giải tỏa, chặt bỏ (kể cả những cây chỉ cần 6 tháng đến 1 năm nữa thu hoạch với giá rất cao).Họ không thể trồng lại giống cây nào khác do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tưới tiêu không cho phép. Vô hình chung, họ nhận tiền hỗ trợ xong là gần như phải bỏ đất hoang. 

Đơn giá và cách tính bồi thường cây cối cũng là vấn đề bất cập. CPMB cho biết, tại một số địa phương quy định mật độ cây/ha để tính bồi thường. Cụ thể cây tràm/bạch đàn/keo lá tràm là 2.000 cây- 2.500 cây/ha.Trên thực tế, hộ dân trồng ngay hàng thẳng lối, cây phát triển rất tốt, đường kính từ 8-10 cm và đang phát triển. Khi tính bồi thường chỉ tính đúng mật độ, phần ngoài mật độ không xem xét hay xem xét ở mức độ thấp hơn, bồi thường khoảng 50-70% đơn giá. 

Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB cho rằng đây là thiệt thòi lớn và gây bức xúc trong dân. Việc xác định mật độ cây trồng thực chất bắt nguồn từ việc giao khoán trước đây, với đất của Nhà nước (HTX, Nông trường, rừng phòng hộ) và vốn Nhà nước, còn người trồng chỉ là người làm khoán, làm thuê. 

Trên thực tế, cây cối với mật độ 3.500 cây/ha vẫn phát triển tốt và người dân thu hoạch được nhiều năm. Vì vậy, các hộ dân chỉ thống nhất cho chặt đủ số cây tính bồi thường, chủ dự án nếu muốn chặt thêm số lượng cây chưa tính bồi thường, phải thỏa thuận với giá rất cao khi gia đình yêu cầu. 

Khi địa phương các cấp đối thoại với các hộ dân để vận động đều không có tính thuyết phục và đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công tìm mọi cách vận dụng cho dân, nếu muốn đẩy nhanh tiến độ GPMB cho dự án. Một thực tế nữa cũng diễn ra trong công tác GPMB là đối với đường dây có cấp điện áp từ 220kV trở xuống, các hộ dân và kể cả địa phương không yên tâm khi nhà ở trong hành lang điện. 

CPMB cho biết, từ trước đến nay, khi áp dụng Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17/08/2005 hay Nghị định 14/2014/NĐ-CP thường áp dụng điều 8 (đối với Nghị định 106) hay điều 18 (đối với Nghị định 14) không cho các nhà đã thỏa mãn các điều kiện an toàn điện di dời ra khỏi hành lang điện mà chỉ tính hỗ trợ cho phần Diện tích nhà trong hành lang tuyến. 

Tuy nhiên, với quy định: “Nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang bảo vệ đường dây có cấp điện áp đến 220 kV thỏa mãn các điều kiện....” này, một số địa phương hiểu là: không bắt buộc các hộ dân có nhà đủ điều kiện tồn tại phải nằm trong hành lang điện, không cho di dời. Khi xây mới nhà trong hành lang tuyến thì các hộ dân phải thỏa mãn các điều kiện trong Nghị định, mới được làm. Do vậy, quá trình thực hiện cũng gây khó khăn làm chậm tiến độ. 

Trên thực tế, trong hành lang an toàn đường dây tồn tại chính các dạng nhà, công trình cần cải tạo như nhà mái tôn/ngói; vách/tường gỗ nguyên tấm, trụ gỗ tròn lớn vừa chịu lực vừa để trang trí, sườn/khung gỗ, nền đất/xi măng; nhà mái pibroximăng; nhà mái tranh; nhà sàn bằng gỗ hoặc có mái bằng tranh tre... Vậy, cách thức cải tạo lại nhà, công trình để đáp ứng an toàn điện và an sinh xã hội của mỗi loại nêu trên cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.


  • 01/12/2016 08:48
  • Theo TTXVN
  • 12921