Giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành hồ chứa thủy điện

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực, ông Hà Ngọc Tuấn - Phó giám đốc Công ty TNHH Kyuden Innovatech VietNam thuộc Tập đoàn Điện lực Kyushu Nhật Bản cho rằng, Việt Nam có thể nâng cao hơn nữa hiệu quả vận hành hồ chứa thủy điện nếu sử dụng hệ thống tích hợp các yếu tố.

Ông Hà Ngọc Tuấn

PV: Xin ông cho biết, kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc tính toán, vận hành hồ, đập thủy điện theo thời gian thực? 

Ông Hà Ngọc Tuấn: Ngay từ năm 1996, Tập đoàn Điện lực Kyushu Nhật Bản đã xây dựng và đưa hệ thống tích hợp vào vận hành hồ, đập thủy điện. Hệ thống này có các thông tin về dự báo, thông tin khí tượng thủy văn lưu vực và hồ chứa cùng điều kiện vận hành của nhà máy theo thời gian thực, góp phần sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý, vận hành an toàn và phát điện hiệu quả hơn so với các nhà máy trên cùng lưu vực. 

Ở Việt Nam, theo chúng tôi biết, việc vận hành của các nhà máy thủy điện được tính toán một cách thủ công, xác định lưu lượng nước về hồ theo các mốc thời gian định sẵn, cùng với đó khâu dự báo mưa và dòng chảy đến hồ còn hạn chế, do chưa có đủ điều kiện kỹ thuật dự báo cho từng đơn vị tại lưu vực hồ chứa. 

PV: Được biết, Tập đoàn Điện lực Kyushu đã có hỗ trợ và thử nghiệm mô hình tính toán này tại một số nhà máy thủy điện của Việt Nam. Xin ông cho biết kết quả thử nghiệm? 

Ông Hà Ngọc Tuấn: Chúng tôi đã ký hợp đồng với 5 hồ chứa, thử nghiệm dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ vận hành. Theo các điều khoản ghi trong hợp đồng, chúng tôi không được phép công bố các kết quả thử nghiệm khi chưa có sự đồng ý của đối tác Việt Nam. 

Tuy nhiên, một hồ chứa thủy điện được thử nghiệm tại tỉnh Lạng Sơn (nơi được phép công bố một phần kết quả) cho thấy, nhà máy đã tăng đáng kể doanh thu do tiết kiệm nước trong mùa khô và đón các đợt lũ sớm vì được dự báo trước. Hơn nữa, công tác vận hành hồ chứa khi lũ về được thực hiện rất hiệu quả theo đúng quy trình, kịp thời thông báo xả lũ và xả đúng nguyên tắc.

PV: Nhiều nhà máy thủy điện (NMTĐ) trên sông Đà có công suất, hồ chứa lớn, nhưng phía thượng lưu lại thuộc địa phận Trung Quốc, Việt Nam khó có thể chủ động và kịp thời tính toán, cập nhật đầy đủ số liệu. Vậy, mô hình của Tập đoàn Điện lực Kyushu có khắc phục được hạn chế này không?

Ông Hà Ngọc Tuấn: Hệ thống sông Đà của Việt Nam với diện tích lưu vực cho đến đập Thủy điện Hòa Bình là rất lớn, trong đó, khoảng 46,6% diện tích lưu vực lại thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Việt Nam sẽ bị động trong việc dự báo mưa ở vùng lưu vực thuộc Trung Quốc, đồng thời thiếu thông tin vận hành của các hồ đập ở nước bạn. 

Về việc dự báo mưa, theo đơn vị đối tác của chúng tôi, mô hình thời tiết của họ bao phủ cả lãnh thổ Trung Quốc và hơn thế nữa, họ có những mối quan hệ hợp tác trong việc thu thập số liệu quan trắc mưa, từ đó có thể hiệu chỉnh mô hình tính toán và dự báo được lượng mưa trên lưu vực thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, cái khó ở đây là hiệu chỉnh mô hình dự báo dòng chảy. Việc này đòi hỏi phải có số liệu thống kê mang tính lịch sử, bao gồm cả lượng nước mưa và lưu lượng dòng chảy cũng như thông tin hình thái sông ngòi. Vì thế, rất cần có sự hợp tác quốc tế để thu thập được các số liệu chính xác, nếu không, chúng ta chỉ có thể dùng các mô hình dự báo tương đối để cung cấp thông tin dòng chảy.

Ngoài ra, chúng tôi cho rằng những thông tin về hồ đập trên lãnh thổ Trung Quốc cũng rất cần thiết cho quá trình vận hành các nhà máy thủy điện bậc thang trên sông Đà. 

PV: Nhiều lưu vực sông ở miền Trung, Tây Nguyên rất ngắn, dốc, lũ về nhanh và rút cũng rất nhanh, liệu có gây khó khăn gì trong việc tính toán không, thưa ông?

Ông Hà Ngọc Tuấn: Địa hình sông ngòi ở Nhật Bản giống với các lưu vực sông ở miền Trung, Tây Nguyên Việt Nam. Không có khó khăn gì để tính toán vận hành ngoài điều kiện có đủ số liệu thống kê lũ (cần số liệu 8-10 cơn lũ lớn, nhỏ trong quá khứ). Vì vậy, ở những lưu vực chưa có số liệu đầy đủ, cần sớm bắt tay vào thực hiện việc quan trắc. Chúng tôi có lực lượng chuyên gia rất giàu kinh nghiệm trong hiệu chỉnh mô hình, có thể hỗ trợ đắc lực cho Việt Nam.

PV: Được biết, mô hình tính toán này của Tập đoàn Điện lực Kyushu có chi phí khá cao, không phải NMTĐ nào cũng có thể đầu tư?

Ông Hà Ngọc Tuấn: Một hệ thống tích hợp vận hành hồ đập hoàn hảo của Nhật Bản như hệ thống đang được áp dụng ở Thừa Thiên Huế có giá 18,2 triệu USD do JICA tài trợ. Đúng là với giá cao như vậy, trong tương lai gần, rất khó có thể đưa vào áp dụng trong các hệ thống hồ đập của Việt Nam.

Vì vậy, ý tưởng của chúng tôi là ứng dụng những chức năng cơ bản của hệ thống tích hợp vận hành của Nhật Bản cho các hồ đập của Việt Nam. Có thể giảm chi phí bằng cách vận dụng những tiến bộ KHCN gần đây như, công nghệ IoT, huy động nguồn lực thông tin sẵn có từ ngành Khí tượng - thủy văn Việt Nam... Mong muốn của chúng tôi là đưa hệ thống vào áp dụng tại các hồ đập thủy điện của Việt Nam với chi phí ban đầu nhỏ, sau đó sử dụng một phần giá trị kinh tế tăng thêm (nhờ hiệu quả về kinh tế của hệ thống) để chi trả cho phí dịch vụ mà chúng tôi cung cấp. Nếu tính đến hiệu quả kinh tế tăng thêm do sử dụng hệ thống của chúng tôi và khả năng giảm thiệt hại do sự cố hồ đập có thể xảy ra, chúng tôi cho rằng, hệ thống này hoàn toàn không quá đắt.   

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 24/09/2019 08:00
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 42511