Giải pháp cung ứng điện 2020

Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Sơn Hải, năm 2020, Tập đoàn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Vậy giải pháp nào sẽ được EVN triển khai để hóa giải những thách thức này?

Với mục tiêu tăng trưởng GPD của Việt Nam là 6,8%, Tập đoàn dự báo sản lượng điện sản xuất và mua ngoài toàn hệ thống phải đạt 265,4 tỷ kWh, tăng 9,1% so với năm 2019. Trong khi đó, nguồn cung mới năm 2020 tăng không đáng kể, chủ yếu được bổ sung từ nguồn NLTT, tuy nhiên số giờ vận hành không cao. Các hồ thuỷ điện không tích được nước đạt mực nước dâng bình thường (MNDBT) từ cuối 2019. Cùng với đó, dự báo nước về hồ chứa 6 tháng đầu năm 2020 kém hơn trung bình nhiều năm.

Trước những khó khăn thách thức trên, EVN đã và sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, Tập đoàn liên tục tính toán cân bằng cung cầu sản lượng điện năm 2020, huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than, khí, kể cả các nguồn điện chạy dầu giá cao, nỗ lực tích nước các hồ thủy điện đạt mức cao nhất vào cuối năm 2019. Tập đoàn chủ động phối hợp với PVN/PVGas, có các giải pháp cấp khí Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ ở mức cao nhất có thể, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm mùa khô. Tập đoàn cũng chỉ đạo các đơn vị khẩn trương, tập trung mọi nguồn lực, hoàn thành các dự án lưới điện phục vụ giải tỏa công suất của các nguồn năng lượng tái tạo, thuỷ điện nhỏ. 

Ca trực Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình

Tuy nhiên, theo ông Ngô Sơn Hải, giải pháp mang tính quyết định, đảm bảo điện cho năm 2020 sẽ là huy động cao các tổ máy của các nhà máy nhiệt điện than. Tập đoàn đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc thống nhất các hợp đồng mua than năm 2020, cũng như các hợp đồng dài hạn, đảm bảo đủ than cho phát điện. Đồng thời, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị chủ động tìm kiếm nguồn than và nhập khẩu than bổ sung cho các nhà máy điện. Cùng với đó, Tập đoàn đã tổ chức kiểm tra một loạt các nhà máy nhiệt điện than của EVN, chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, nhiên liệu và tăng cường giám sát, rút ngắn thời gian sửa chữa… để năm 2020 có thể huy động các máy nhiệt điện ở mức cao hơn so với thiết kế, ở mức hơn 7.000 giờ/năm/nhà máy. 

Theo ông Phạm Đình Quang - Phó Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, để đạt được kế hoạch sản xuất (hơn 12 tỷ kWh điện năm 2020 gồm NMNĐ Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng), nhà máy sẽ tập trung sửa chữa và nâng cấp thiết bị trong thời gian trung tu các tổ máy cuối năm 2019 và đầu năm 2020, nâng cao năng lực bốc dỡ than tại các cảng, đảm bảo đủ than vận hành cho 3 tổ máy, chuẩn bị vật tư dự phòng sẵn sàng thay thế khi có hư hỏng đột xuất. Theo dõi sát sao tình trạng vận hành của thiết bị, từ đó, đánh giá chính xác hiện trạng thiết bị, từng bước hoàn thiện kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch vận hành đã đề ra, đảm bảo an toàn và tin cậy của thiết bị. 

Đối với Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn, Giám đốc Võ Mạnh Hà cho biết, bên cạnh việc chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhiên liệu, Công ty đã hoàn thành lắp đặt thử nghiệm hệ thống giám sát rung đảo cho các thiết bị quay quan trọng như: Tua bin - máy phát; bơm cấp; bơm ngưng; bơm tuần hoàn; quạt gió để thu thập dữ liệu online và đánh giá tình trạng thiết bị, đưa ra kế hoạch sửa chữa bảo dưỡng phù hợp, đảm bảo vận hành đạt từ 7.000 giờ trở lên trong năm 2020.

Ngoài ra, Tập đoàn sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường tuyên truyền, phối hợp với các khách hàng lớn trong quản lý/điều chỉnh nhu cầu phụ tải khi hệ thống điện có dự phòng thấp. 


  • 06/01/2020 10:06
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 7890