Giai đoạn 2013 - 2015: EVN hoàn thành nhiều mục tiêu lớn

Đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng hơn 10%/năm, phục vụ 23,68 triệu khách hàng, tập trung đưa điện về vùng sâu, vùng xa, hải đảo, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn để phát triển hệ thống điện..., đó là một số thành tựu nổi bật của EVN trong 3 năm từ 2013 - 2015.

Cung ứng đủ điện với chất lượng ngày càng cao

Giai đoạn 2013 - 2015, EVN đã hoàn thành vượt kế hoạch hàng năm Nhà nước giao, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng sản lượng EVN cung ứng lên hệ thống điện quốc gia (gồm điện sản xuất và mua) trong 3 năm là 430,7 tỷ kWh, đạt mức tăng trưởng bình quân 10,67%/năm.

Đáng chú ý, tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân giai đoạn này đạt 10,86%, gấp 1,8 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (6,03%).

Tổng sản lượng điện thương phẩm cung cấp cho đất nước giai đoạn 2013 - 2015 là 387,6 tỷ kWh. Trong đó, điện cung cấp cho Công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 53,9%, Quản lý và sinh hoạt dân cư: 35,9%, Dịch vụ thương mại: 5,0%, Nông nghiệp: 1,5%, các thành phần khác: 3,8%. Như vậy, với nỗ lực cung ứng đủ điện, EVN đã góp phần không nhỏ trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một điểm nhấn trong 3 năm qua, đó là việc EVN đã hoàn thành kế hoạch đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo giai đoạn 2013-2015, góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Tính đến cuối năm 2015, tổng số khách hàng sử dụng điện là 23,68 triệu khách hàng, tăng thêm 1,27 triệu khách hàng so với cuối năm 2014.

Trên toàn quốc, 99,8% số xã có điện và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,76% (vượt 0,76% so với chỉ tiêu được giao). 9 trong tổng số 12 huyện đảo đã được EVN đảm nhận việc cấp điện.

Bên cạnh việc liên tục tăng số lượng khách hàng, EVN và các đơn vị thành viên còn đảm bảo cung cấp đủ điện với chất lượng và dịch vụ ngày càng tốt hơn. Các chỉ tiêu về độ tin cậy cung cấp điện (SAIDI, SAIFI, MAIFI) được cải thiện rõ rệt.

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới trung áp, EVN đã bổ sung các quy định và sửa đổi quy trình kinh doanh theo hướng có lợi cho khách hàng. Kết quả, trong năm 2015 đã có 10.826 khách hàng được cấp điện với thời gian trung bình thuộc phần việc của Tập đoàn thực hiện là 8,77 ngày.

Nội dung thay đổi qui định của ngành điện Việt Nam cũng được tổ chức Doing Business (Ngân hàng Thế giới) ghi nhận trong danh sách 19 nước có cải thiện hiệu quả quy trình tiếp cận điện năng. Đây là nỗ lực của EVN nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao nâng lực cạnh tranh quốc gia.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho phát triển hệ thống điện quốc gia

Giai đoạn 2012 - 2015, công tác đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện của EVN đã đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Các dự án đầu tư của EVN phù hợp với Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt, thực hiện theo đúng các quy định quy phạm pháp luật của Nhà nước, đảm bảo chất lượng xây dựng công trình.

Trong 3 năm, EVN đã đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện với tổng số vốn là 338.378 tỷ đồng. Nhiều công trình điện hoàn thành, đưa vào vận hành kịp thời, phát huy hiệu quả cao.

Cụ thể, EVN đã đưa vào vận hành 18 tổ máy phát điện thuộc 11 dự án nguồn điện, với tổng công suất 6.434 MW. Đồng thời, hoàn thành 591 công trình lưới điện 110 kV - 500 kV với tổng chiều dài đường dây khoảng 8.000 km, tổng dung lượng trạm biến áp tăng thêm là khoảng 30.500 MVA.

Đến cuối năm 2015, tổng công suất các nguồn điện trên toàn quốc là 38.800 MW, trong đó các nguồn điện do EVN và 3 tổng công ty Phát điện thuộc EVN sở hữu là 23.580 MW (chiếm 60,8% công suất đặt của hệ thống). Quy mô hệ thống điện Việt Nam vươn lên đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 30 trên thế giới. 

Trong giai đoạn này, EVN cũng đã khởi công xây dựng 10 dự án thủy điện, nhiệt điện với tổng công suất 5.629 MW. Hiện EVN đang tập trung thi công để đáp ứng tiến độ, hoàn thành theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là các dự án đảm bảo cấp điện miền Nam đến năm 2020 như: Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3, Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng...

Cùng đó, hệ thống lưới điện truyền tải được đầu tư với khối lượng lớn, đáp ứng yêu cầu đấu nối giải tỏa công suất các dự án nguồn điện và tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống. Tiêu biểu là các công trình nâng cao năng lực hệ thống truyền tải 500 kV Bắc - Nam, kết nối khép kín mạch vòng 500 kV tại khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam và kết nối ở cấp điện áp 500 kV lưới điện Đông Nam bộ với Tây Nam bộ.

EVN cũng đã phát triển các công trình đường dây và trạm biến áp 220 kV đến hầu hết các tỉnh, thành phố để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế- xã hội tại các địa phương.  

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục được Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

EVN sẽ tiếp tục đầu tư hiệu quả hệ thống nguồn điện, lưới điện truyền tải-phân phối, nỗ lực cung cấp đủ điện trong mọi tình huống; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ điện năng, thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng. 


  • 29/07/2016 01:42
  • MH
  • 12784