Giai đoạn 2012 và những năm tiếp theo: Ưu tiên tối đa lượng khí và than để sản xuất điện

Việc đảm bảo đủ điện nói riêng và năng lượng nói chung là trách nhiệm của 3 tập đoàn kinh tế là EVN, PVN và KTV trong giai đoạn 2011 – 2015. Trước mắt, phải đảm bảo ưu tiên tối đa sản lượng khí, than để sản xuất điện trong năm 2012 và những năm tiếp theo.

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Bộ Công Thương vừa qua về tình hình nhiệm vụ năm 2011, mục tiêu nhiệm vụ chủ yếu năm 2012 và 5 năm 2011-2015 của ngành Công Thương.

Với yêu cầu của Phó Thủ tướng, đại diện lãnh đạo các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại đã đề cập trực tiếp tới các vấn đề nổi cộm và giải pháp trong quá trình phát triển.

5 năm tới, nhu cầu vốn của EVN khoảng 514.000 tỷ đồng

Phát biểu tại hội nghị, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết: Để đảm bảo điện năm 2012, từ cuối năm 2011 EVN đã chỉ đạo các nhà máy thuỷ điện đảm bảo kế hoạch tích nước cuối năm, đảm bảo lưu lượng nước cho phát điện vào các tháng mùa khô năm 2012. Tiếp tục tách sửa chữa các tổ máy nhiệt điện để sẵn sàng phục vụ cấp điện mùa khô 2012, nhất là các tổ máy khu vực phía Nam. Năm 2012, EVN sẽ đưa vào vận hành thêm 2.200 MW nguồn điện mới. Dự kiến sản lượng điện năm 2012 sẽ tăng khoảng 11,72%, tương ứng với điện sản xuất và mua ngoài đạt khoảng 121,7 tỷ kWh, riêng  6 tháng mùa khô năm 2012 ước tổng sản lượng điện sẽ đạt khoảng 58 tỷ kWh.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ Công Thương ngày 7/12/2011 - Ảnh: Văn Lương

 

Năm 2012, EVN cần khoảng 6,6 tỷ m3 khí Nam Côn Sơn - Bạch Hổ và PM3 Cà Mau cho việc phát điện. Tuy nhiên theo thông báo của PVN, tổng lượng khí cung cấp năm 2012 chỉ đảm bảo khoảng 5,1 tỷ m3. Như vậy sẽ thiếu khoảng 800 triệu m3 khí, tương đương với sản lượng điện phải phát bù dầu do thiếu khí ước khoảng 4,2 tỷ kWh.

Về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015, Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh cho biết: Theo dự kiến, tăng trưởng GDP của cả nước đạt khoảng 6,5-7%. EVN xây dựng 2 phương án tăng trưởng điện là 13% (phương án thấp) và 15% (phương án cao). Với phương án 13%, dự kiến sản lượng điện thương phẩm vào năm 2015 sẽ đạt khoảng 178 tỷ kWh. EVN sẽ cơ bản đảm bảo đáp ứng đủ nguồn điện và tương đối cân bằng về năng lượng an toàn cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn này.

Trong 5 năm (2011-2015), EVN sẽ đưa vào vận hành 40 tổ máy của 20 dự án điện, với tổng công suất khoảng 11.594MW. Bên cạnh đó, sẽ khởi công 14 dự án điện, với tổng công suất 12.400MW để đáp ứng nhu cầu điện giai đoạn 2016-2020.

Tổng nhu cầu vốn của EVN để đầu tư xây dựng giai đoạn này là 514.000 tỷ đồng, trong đó EVN tự thu xếp được khoảng 298.000 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 216.000 tỷ đồng.

Để đảm bảo tkế hoạch, Tổng giám đốc EVN kiến nghị Bộ Công Thương và Chính phủ 4 vấn đề, trong đó có việc đảm bảo cung cấp khí cho phát điện trong năm 2012 và giai đoạn tiếp theo; đề nghị Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường; việc cân bằng vốn cho các dự án điện; vấn đề giải phóng mặt bằng cho các công trình điện, trong đó có các công trình đảm bảo điện cho thủ đô Hà Nội, ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ...

Thách thức cân bằng năng lượng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Việc đảm bảo đủ điện nói riêng và năng lượng nói chung là trách nhiệm của 3 tập đoàn kinh tế là EVN, PVN và KTV trong đó có nhiều thách thức trong giai đoạn 2011 – 2015. Tập đoàn Dầu khí (PVN) phải đảm bảo ưu tiên tối đa sản lượng khí cho sản xuất điện trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Phó Thủ tướng yêu cầu 3 tập đoàn năng lượng là PVN, EVN, Vinacomin phải phối hợp nhịp nhàng trong việc đảm phán cung ứng nhiên liệu và giá cả. Riêng lĩnh vực điện hạt nhân, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải tích cực đào tạo nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chuẩn bị tốt các điều kiện để từ nay đến 2015 phải khởi công xây dựng 2 dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận 1 và 2, góp phần ổn định năng lượng cho đất nước.

Phó thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, năm 2011, lần đầu tiên giảm hệ số đàn hồi tăng trưởng điện ở mức 1,62 % trên tăng trưởng 1% GDP, mọi năm con số này ở mức 2,1% tăng trưởng điện tăng trưởng 1% GPD. Tuy nhiên, hiện nay tất cả các ngành kinh tế trong nước vẫn đang tiêu thụ năng lượng ở mức độ cao, việc đổi mới công nghệ vẫn còn hạn chế. Vì vậy, thời gian tới các ngành kinh tế cần chú ý tiếp tục các giải pháp về sử dụng  năng lượng tiết kiệm hiệu quả, áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý, tăng năng suất lao động, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

 

Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 của ngành Công Thương:

- Tổng nhu cầu về vốn đầu tư: khoảng 1.851.000 tỷ đồng, trong đó cho các TĐ, TCT Nhà nước thuộc Bộ là 1.848.000 tỷ đồng, còn lại là cho khối hành chính sự nghiệp.

- Năm 2012, tập trung thực hiện các nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch. Giải quyết tình trạng thiếu điện cho miền Nam giai đoạn 2013-2015; Mục tiêu đến năm 2015 đạt 100% số xã và 98% số hộ dân ở nông thôn có điện.

- Giảm hệ số đàn hồi tăng trưởng điện/tăng trưởng GDP từ mức trên 2,0 hiện nay xuống 1,5 vào năm 2015 và 1,0 vào năm 2020.

 

 


  • 12/12/2011 02:37
  • Lương Nguyên
  • 4127


Gửi nhận xét