Giá điện đã đủ “kích thích” giảm hệ số đàn hồi điện/GDP?

Chính giá điện rẻ đã kích thích nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh và làm cho các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp ít quan tâm đến việc sử dụng điện một cách hiệu quả và tiết kiệm – Ông Hoàng Thái An, Chủ tịch Hiệp hội Kỹ thuật điện Việt Nam khẳng định quan điểm trên khi bàn về thực trạng và giải pháp giảm hệ số đàn hồi điện/GDP ở nước ta.

Giá bán điện còn thấp, còn sử dụng điện lãng phí

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp hiện nay tiêu thụ khoảng 47% tổng sản lượng năng lượng toàn quốc. Vì vậy có thể khẳng định nếu không giải quyết được bài toán về tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp thì khó có thể giải bài toán về tiết kiệm năng lượng, cũng như bài toán bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

“Tại các cơ sở sản xuất, tỷ trọng chi phí điện năng trong cơ cấu giá thành một đơn vị sản xuất của Việt Nam cao gấp 3- 4 lần các nước tiên tiến. Ví dụ: Chi phí điện năng để sản xuất ra 1 kg thép của Việt Nam gấp 4 lần Hàn Quốc. Như vậy, việc sử dụng năng lượng điện trong công nghiệp của Việt Nam rất lãng phí, một dạng lãng phí mà người ta ít cảm nhận được, nhưng sẽ gây ra nhiều hậu quả cho doanh nghiệp và đất nước. Nếu không xử lý tốt vấn đề này thì tốc độ tăng trưởng của điện không bao giờ đáp ứng được tốc độ tăng trưởng GDP”, ông Hoàng Thái An chia sẻ.

Tác dụng của việc giảm hệ số đàn hồi điện/GDP: Hệ số đàn hồi giảm sẽ làm gia tăng hiệu quả sử dụng điện, tăng giá trị của mỗi kWh điện đối với nền kinh tế.

Cùng quan điểm với ông An, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng nhận định: “Giá bán điện thấp cũng không tạo ra sức ép buộc các nhà sản xuất thay đổi công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiết kiệm điện, hiệu suất cao.”

Bên cạnh đó, có một sự thật là nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất sắt, thép, xi măng… những  năm qua đã tranh thủ giá bán điện thấp ở Việt Nam để đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu thụ điện năng cao.

Ông Ngãi cũng cho rằng, giá bán điện ở ta hiện nay tăng chậm và thấp hơn nhiều so với các loại nhiên liệu khác trên thị trường như xăng, dầu, khí, gas, nên nhiều hộ gia đình đã chuyển sang dùng điện để đun nấu, sinh hoạt. Điều này cũng góp phần làm cho hiệu quả sử dụng điện ở Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước khác.

Dưới góc độ của người làm công tác kiểm toán năng lượng, ông Vũ Ngọc Tuyến - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Năng lượng Systech đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đa phần mới chỉ tiếp cận đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng cục bộ. Họ chỉ hiểu tiết kiệm năng lượng là thay đổi bóng đèn tròn bằng bóng đèn compact tiết kiệm điện hoặc sử dụng biến tần… Trong khi đó, phải hiểu một cách sâu sắc là, các giải pháp tiết kiệm năng lượng hệ thống và giải pháp về quản lý năng lượng là những giải pháp mang lại hiệu quả năng lượng rõ rệt nhất và bền vững nhất.

Khi doanh nghiệp chưa nắm được giải pháp tiết kiệm năng lượng hệ thống và giải pháp về quản lý năng lượng, thì dù cho có lắp biến tần ở tất cả các động cơ, tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp vẫn chưa mang lại hiệu quả một cách cao nhất và đương nhiên sẽ còn nhiều tiềm năng về tiết kiệm năng lượng chưa được khai thác hết.

Theo công bố mới đây của Bộ Xây dựng, nếu các công trình xây dựng mới được áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế; sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng; lắp đặt và vận hành các trang thiết bị có hiệu suất năng lượng cao; có cán bộ chuyên môn quản lý năng lượng, có thể tiết kiệm 30 - 40% năng lượng tiêu thụ. Với các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo, nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, có thể tiết kiệm được 15 - 25% năng lượng tiêu thụ. Cũng như vậy, khối doanh nghiệp sản xuất thép và xi măng có thể tiết kiệm năng lượng tiêu thụ 20 - 30%.

Cần có chế tài đủ mạnh…

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có hiệu lực gần 2 năm, song nhiều chuyên gia cho rằng, công tác tuyên truyền phổ biến Luật, cũng như chế tài áp dụng chỉ mang tính răn đe, chưa có các pháp đủ mạnh buộc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tiêu dùng phải nghiêm túc thực hiện.

Theo ông  Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trước hết phải tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về chính sách, pháp luật liên quan đến sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng. Đồng thời tăng cường tư vấn để người dân và doanh nghiệp nắm vững các giải pháp để sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm nhất.

Để giải quyết tình trạng trên, ông Hoàng Thái An cho biết, hiện nay, Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật điện Việt Nam đang tiến hành điều tra các cơ sở sản xuất về hiệu suất sử dụng điện năng, từ đó có những kiến nghị thay đổi thiết bị công nghệ hay loại bỏ những thiết bị cũ, lạc hậu làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng điện năng.

Luật Điện lực đã đề cập đến vấn đề này, nhưng hiện vẫn chưa có chế tài xử lý vi phạm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiệu suất sử dụng điện năng thấp như hiện nay.

Để làm được điều này thì ngoài việc áp dụng chế tài xử lý nghiêm minh thì cần có một chính sách giá bán điện hợp lý, trong đó không thể có chuyện bù chéo giá điện và giá bán  điện thấp hơn giá thành sản xuất điện như vừa qua. Đồng thời, cần gắn mục tiêu giảm hệ số đàn hồi điện/GDP với việc kiểm tra, giám sát tiêu thụ điện ở các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh hiệu quả sử dụng điện, góp phần giảm hệ số đàn hồi, Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng cục Năng lượng và Cục Điều Điết điện lực xây dựng lại biểu giá bán điện hợp lý theo các tiêu chí: Giá điện theo giờ cao điểm, thấp điểm; giá điện theo mùa và giá điện theo nhóm đối tượng sử dụng. Đồng thời, yêu cầu áp dụng các giải pháp quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ theo từng nhóm ngành nghề sản xuất, với những biện pháp cụ thể, hữu hiệu và có chế tài xử lý mạnh mẽ hơn.

 


  • 27/08/2012 09:22
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 3607


Gửi nhận xét