EVNNPT tổ chức hội thảo với các chủ đầu tư năng lượng tái tạo khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên

Ngày 26/3, tại Khánh Hòa, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) tổ chức Hội thảo “Phối hợp công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải đấu nối vào lưới điện do PTC 3 quản lý”.

Tham dự hội thảo có đại diện các Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và lãnh đạo các nhà máy năng lượng tái tạo trong khu vực. Về phía EVNNPT có ông Võ Hoài Nam – Thành viên HĐTV EVNNPT, ông Lưu Việt Tiến – Phó Tổng giám đốc EVNNPT, ông Đinh Văn Cường – Phó Giám đốc PTC3.

Do tốc độ phát triển rất nhanh của các nguồn điện mặt trời trong thời gian ngắn, làm cho một số đường dây (ĐD) 220kV, máy biến áp (MBA) 220kV khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai vận hành đầy tải, quá tải.

Ông Lưu Việt Tiến - Phó Tổng giám đốc EVNNPT cho biết, trong năm 2021, công suất nguồn NLTT được đưa vào vận hành sẽ tiếp tục gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu truyền tải, EVNNPT, PTC 3 đã nâng công suất và đóng điện nhiều đường dây, trạm biến áp để giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời trong khu vực. Tuy nhiên do tốc độ phát triển quá nhanh, thực tế các nhà máy vẫn phải cắt giảm sản lượng và công suất. Một trong những nguyên nhân chính là do có nguồn điện được bổ sung quy hoạch nhưng không bổ sung quy hoạch lưới điện, hoặc bổ sung quy hoạch lưới điện sau nguồn điện. Đặc biệt, do dịch bệnh COVID-19 khiến phụ tải tăng trưởng chậm, dẫn tới tình huống thừa nguồn điện. Do đó, việc phải cắt giảm công suất các nguồn điện, trong đó có NLTT trong thời gian qua là bắt buộc, để đảm bảo giữ ổn định tần số hệ thống điện. 

Phó Tổng giám đốc EVNNPT - Lưu Việt Tiến (đứng) phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Nguyễn Mạnh Tường – Trưởng phòng Điều độ của PTC 3, hiện nay, các Trung tâm Điều độ đang phải áp dụng biện pháp thay đổi kết dây, tách thanh cái, mở vòng lưới điện, để cưỡng bức công suất, tận dụng tối đa khả năng tải các ĐD 220kV còn non tải. Tuy nhiên, trong mùa khô, sau khi thay đổi kết dây vẫn còn xảy ra đầy tải, quá tải 11 đường dây 220kV, 3 máy biến áp 220kV.

Hàng năm cần phải bố trí lịch cắt điện các đường dây, máy biến áp để thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên và thí nghiệm định kỳ thiết bị. Tuy nhiên, để ưu tiên giải tỏa công suất các nguồn điện mặt trời, lịch cắt điện phải bố trí vào ban đêm, gây nhiều khó khăn cho đơn vị quản lý vận hành lưới điện. Cùng với đó, địa hình hành lang tuyến rất phức tạp, qua những lần cắt điện làm đêm cho thấy tiềm ẩn rất cao nguy cơ xảy tai nạn lao động, đặc biệt là làm việc trên cao trong điều kiện ánh sáng hạn chế. Một trong những vấn đề khó khăn nhất là việc sửa chữa phải kéo dài thời gian, làm tăng số nhân lực công tác, tăng chi phí khi phải làm đêm do phạm vi làm việc trong không gian hẹp.

Ông Nguyễn Mạnh Tường đưa ra ví dụ: “Cuối năm 2020, công ty sửa chữa lớn ĐD 220kV Nha Trang – Thiên Tân thực hiện căng dây lấy lại độ võng các khoảng néo 320-332 (dài gần 4 km) và khoảng néo 332-337 (dài 1,8km). Công ty phải bố trí cắt điện 4 ngày đêm, từ 15h30’ ngày hôm trước đến 07h00’ ngày hôm sau, mới hoàn thành công việc. Trong khi đó, nếu bố trí ban ngày thì chỉ cần 1 ngày”.

Đại diện PTC 3 kiến nghị các nhà máy điện NLTT chia sẻ với khó khăn của PTC 3 và các Trung tâm Điều độ trong công tác quản lý vận hành, điều hành lưới truyền tải. PTC 3 kiến nghị các nhà máy NLTT phối hợp cắt, giảm phát để các Trung tâm Điều độ bố trí lịch cắt điện thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên và thí nghiệm định kỳ vào ban ngày để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động, vừa đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục.

Ông Nguyễn Công Thành – Phó Giám đốc Nhà máy điện mặt trời Nhị Hà chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn PTC3 đang gặp phải hiện nay 

Tại hội thảo, ông Nguyễn Công Thành – Phó Giám đốc Nhà máy Điện mặt trời Nhị Hà (Ninh Thuận) chia sẻ với những khó khăn của đơn vị quản lý lưới điện truyền tải. Ông Thành cho biết, hai bên đã luôn có sự phối hợp nhịp nhàng, công tác bảo dưỡng sửa chữa lưới điện được đơn vị thông báo trước, bố trí thực hiện vào ban đêm và trả lưới đúng giờ để tránh ảnh hưởng đến quá trình vận hành bình thường của nhà máy. Cũng theo ông Thành, lưới điện truyền tải tại Ninh Thuận thường xuyên bị đầy tải, nhưng công tác vận hành bảo dưỡng tốt, công tác điều độ hợp lý nên lưới điện hầu như không bị sự cố làm gián đoạn việc phát điện. 

Đây là lần đầu tiên EVNNPT tổ chức hội nghị với các chủ đầu tư nhà máy NLTT để trao đổi trực tiếp, tiếp nhận ý kiến từ phía các nhà máy điện, qua đó tăng cường phối hợp để hài hòa các mục tiêu vận hành an toàn, hiệu quả lưới điện truyền tải và công suất phát của các nhà máy điện.


  • 26/03/2021 02:00
  • Trần Hiếu
  • 4128