EVNNPT: Giải pháp nào đảm bảo truyền tải điện an toàn mùa nắng nóng?

Để đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải an toàn, ổn định trong mùa nắng nóng năm nay, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã có sự chuẩn bị như thế nào? evn.com.vn có cuộc trao đổi với ông Lưu Việt Tiến – Phó Tổng giám đốc EVNNPT.

PV: EVNNPT đã chuẩn bị như thế nào cho mùa nắng nóng năm nay, thưa ông?

Ông Lưu Việt Tiến – Phó Tổng giám đốc EVNNPT

Ông Lưu Việt Tiến: Theo tính toán của cơ quan điều độ, phương án tăng trưởng phụ tải năm 2022 ở mức thấp là khoảng 7,9% và mức cao khoảng 12,1%. Trong khi đó, miền Bắc gặp khó khăn về nguồn và đường dây 500kV Bắc - Trung tại cung đoạn Nho Quan - Hà Tĩnh bị hạn chế do giới hạn truyền tải. 

Tuy mới vào đầu mùa nắng nóng, nhiệt độ trung bình 5 tháng đầu năm 2022 thấp hơn 2021, nhưng đến thời điểm hiện tại đã có 10/63 MBA 500kV, 41/287 MBA 220kV, 33/458 đường dây 220kV vận hành trong chế độ đầy tải (trên 90% tải định mức). Số lượng máy biến áp và đường dây vận hành trong chế độ đầy tải, quá tải sẽ tiếp tục tăng cao khi bước vào những đợt nắng nóng cao điểm thời gian tới.

Trong tình hình đó, EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị lập phương án ngăn ngừa sự cố cho từng trạm biến áp (TBA), từng đường dây. Bên cạnh đó, công tác thí nghiệm định kỳ thiết bị là một nội dung quan trọng. Đến nay, EVNNPT đã thực hiện được gần 19.000 hạng mục thí nghiệm tại 166 TBA, đạt 92,45% khối lượng, trong đó 68 TBA đã hoàn thành 100% khối lượng thí nghiệm định kỳ.

Tổng công ty cũng hoàn thành lắp đặt và thí nghiệm các mạch sa thải theo công suất trên đường dây 500kV, mạch sa thải mất liên kết lưới 500kV theo chỉ đạo của EVN. Các đơn vị bố trí tăng cường lực lượng ứng trực, sẵn sàng phương tiện, vật tư, thiết bị dự phòng để kịp thời xử lý sự cố.

Về công tác sửa chữa bảo dưỡng, EVNNPT và các đơn vị đã thực hiện tốt công tác này. EVNNPT đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong khâu quản lý nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo, đánh giá chất lượng thiết bị, xây dựng kế hoạch sửa chữa lớn đảm bảo sát với thực tiễn. Trong đó, EVNNPT đang triển khai áp dụng quy trình bảo trì theo điều kiện hay bảo trì dựa trên tình trạng thiết bị (CBM) cho máy biến áp và máy cắt. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai áp dụng CBM cho các thiết bị khác theo lộ trình EVN giao.

Trong đầu tư xây dựng, EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị tập trung tối đa nguồn lực để hoàn thành các dự án trọng điểm, cấp bách nhất là các dự án góp phần ổn định điện áp lưới điện, các dự án giải tỏa nguồn NLTT, các dự án đảm bảo an toàn cung cấp điện nhất là cho khu vực Hà Nội, TP.HCM và các trung tâm phụ tải.

EVNNPT ứng dụng vệ sinh hotline cho thiết bị đang mang điện

PV: Hiện nay, EVNNPT đã áp dụng những ứng dụng khoa học công nghệ nào để nâng cao hiệu quả quản lý vận hành lưới điện truyền tải, đặc biệt trong những thời điểm thời tiết khắc nghiệt như mùa nắng nóng, mưa lũ?

Ông Lưu Việt Tiến: EVNNPT đã và đang triển khai áp dụng một số ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý vận hành. Trong đó trang bị định vị sự cố cho khoảng 160 đường dây chủ yếu ở cấp điện áp 500kV và một số đường dây 220kV đi qua địa hình hiểm trở. Với độ chính xác cao (sai số khoảng 200m), các thiết bị định vị sự cố đã phát huy hiệu quả rất tích cực, làm giảm thời gian tìm kiếm vị trí và nhanh chóng khôi phục vận hành lưới điện sau sự cố.

EVNNPT cũng trang bị thiết bị giám sát online dầu cho máy biến áp và kháng điện 500kV nhằm giám sát trực tuyến thiết bị. Hiện đã trang bị 233 bộ thiết bị trên toàn lưới, trong quá trình vận hành đã phát hiện một số máy biến áp có hàm lượng tăng cao và đã kịp thời khắc phục nhằm ngăn ngừa sự cố.

Tổng công ty thực hiện giám sát hành lang một số vị trí nguy cơ vi phạm cao bằng camera, dữ liệu được theo dõi và cảnh báo đến đơn vị quản lý vận hành. Hiện đã trang bị 349 camera và 49 camera tích hợp AI kịp thời phát hiện các nguy cơ cháy hoặc phương tiện vận tải vi phạm hành lang,…

Đặc biệt, EVNNPT ứng dụng UAV trong công tác kiểm tra đường dây truyền tải. Chúng tôi đã trang bị được 110 UAV cho các truyền tải điện. Thiết bị UAV gắn camera có thể quay, chụp ảnh để kiểm tra, đánh giá tình trạng thiết bị lưới điện khi đường dây đang mang điện mà người công nhân không cần trực tiếp phải trèo lên cột, ra dây (cần cắt điện) để kiểm tra, giúp giảm công sức, nguy cơ rủi ro mất an toàn đối với người công nhân.

Ngoài ra, EVNNPT trang bị hệ thống quan trắc cảnh báo sét. Dữ liệu quan trắc giúp cho công tác quản lý vận hành trong việc đánh giá nguyên nhân sự cố để có giải pháp khắc phục phù hợp...

Sử dụng Ipad kiểm tra thông số thiết bị Trạm biến áp 220kV Vân Phong (Khánh Hòa)

PV: Để góp phần đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định trong mùa nắng nóng năm nay, EVNNPT có đề xuất kiến nghị gì với các bộ, ngành, địa phương và người dân khu vực hành lang lưới điện truyền tải?

Ông Lưu Việt Tiến: Giải phóng mặt bằng luôn là trở ngại lớn nhất đối với tiến độ các dự án truyền tải điện, trong khi các dự án này lại có vai trò đặc biệt quan trọng để nâng cao khả năng truyền tải điện cũng như khai thác tối đa các nguồn điện hiện có. Trong thời gian qua, EVNNPT đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, địa phương nên công tác BTGPMB có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, với từng dự án, từng địa phương cụ thể thì mặt bằng thi công, mặt bằng kéo dây vẫn đang là những điểm nghẽn rất cần được các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ.

Đối với người dân, thì ngoài việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, EVNNPT cũng rất mong nhận được sự đồng hành, chia sẻ, tạo điều kiện để triển khai các dự án truyền tải điện. Không những vậy, mùa nắng nóng sẽ kèm theo nguy cơ cháy trong hành lang lưới điện làm sự cố đường dây truyền tải, nhất là đối với khu vực miền Trung. Ngoài việc EVNNPT và các đơn vị quản lý vận hành chủ động thực hiện các giải pháp ngăn ngừa cháy nổ, thì cũng rất mong nhận được sự hợp tác tích cực của từng địa phương, từng người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy trong và gần hành lang lưới điện truyền tải.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 08/06/2022 03:00
  • Chiến Thắng (thực hiện)
  • 5833