EVNHCMC: Trắng đêm vì một Thành phố mỹ quan hơn

Với chủ trương ngầm hóa lưới điện kết hợp với dây thông tin của UBND TP.HCM, tại nhiều khu vực, hình ảnh dây điện, cáp viễn thông, truyền hình chằng chịt trên các trụ điện đã không còn.

Thi công khi Thành phố đã ngủ yên

Khoảng 22 giờ, khi đường phố đã thưa thớt xe cộ, trên đoạn đường Lê Thị Hồng Gấm (quận 1), lực lượng thi công ngầm hóa bắt đầu ra quân. Hàng rào an toàn được thiết lập, hệ thống biển báo, đèn hiệu được dựng lên. Đơn vị thi công còn phối hợp với lực lượng thanh niên xung phong để phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn cho các phương tiện.

Vỉa hè bắt đầu được đào lên theo phạm vi cấp phép của Sở GTVT, chiều dài tối đa chỉ 10 m cho một lần thi công. Đất đào lên tới đâu, lực lượng thi công dọn sạch sẽ tới đó rồi chở về nơi tập kết.

Tới 1 giờ sáng, hào kỹ thuật đã được đào theo đúng quy chuẩn, phù hợp với địa hình: rộng 0,5 m, sâu 1,126 m. Lần lượt 19 ống cáp được hạ xuống, gồm năm cáp trung thế, hai cáp hạ thế và 12 ống cáp của các đơn vị viễn thông. Từng khối bê tông được đưa xuống để tạo nên hệ thống mương máng kiên cố. Ống nhựa xoắn dùng để luồn cáp được đặt xuống cuối cùng. Lúc này các xe đất được chở quay trở lại để chuẩn bị tái lập mặt đường theo đúng quy định.

Lúc 2 giờ 50 phút, từng cuộn cáp lớn gồm dây điện và cáp viễn thông được chở đến, các công nhân bắt đầu công tác kéo cáp. Họ dùng cưa để cắt những đoạn dây cáp theo chiều dài phù hợp rồi luồn theo ống nhựa từ đầu này qua đầu bên kia. Hai đầu cáp sẽ được nối vào tủ phân phối hạ thế (loại tủ xuất hiện nhiều trên các vỉa hè TP.HCM hiện nay, thay thế cho trụ điện của lưới nổi trung thế trước đây), mỗi tủ phân phối điện tối đa cho tám hộ gia đình.

Khoảng 3 giờ 30 phút, sau khi đã hoàn tất việc hạ ngầm cáp, các công nhân bắt đầu tái lập nguyên trạng vỉa hè theo đúng quy định, vệ sinh môi trường sạch sẽ để không làm ảnh hưởng đến lưu thông và sinh hoạt của người dân. Đúng 4 giờ 45 phút, toàn bộ đoạn đường đã trở lại nguyên trạng như ban đầu và cũng là thời gian kết thúc một đêm làm việc vất vả của lực lượng thi công ngầm hóa.

Anh Trần Đức Linh, cán bộ Ban Quản lý dự án lưới điện phân phối TP.HCM, cho biết: “Đây là đoạn đường không bị vướng các công trình ngầm nên việc thi công và tái lập thuận lợi. Còn những đoạn đường bị vướng các công trình ngầm khác thì việc thi công sẽ vất vả hơn, công tác tái lập phải thực hiện vào đêm hôm sau do cần một ngày để thỏa thuận với những đơn vị liên quan. Tuy nhiên, anh em vẫn phải tái lập tạm để đảm bảo an toàn cho xe cộ và không ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân”.

Bà Lê Thị Vân, sống gần khu vực thi công, cho biết: “Việc thi công cũng làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh nhưng ngủ một đêm dậy, thấy đường phố của mình thông thoáng và đẹp đẽ như thế này, chúng tôi mừng lắm. Ngày xưa dây dợ chăng ngang dọc, vừa mất thẩm mỹ vừa kém an toàn. Bây giờ thì sạch đẹp rồi, an toàn rồi. Tôi mong muốn cả TP.HCM được đẹp đẽ như thế này”.

Năm 2020: Hoàn tất ngầm hóa tại khu vực trung tâm

Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), nhằm đảm bảo kế hoạch ngầm hóa lưới điện giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của UBND Thành phố, EVNHCMC đang triển khai thực hiện các công trình ngầm hóa của giai đoạn 2018-2020 với tổng khối lượng khoảng 400 km lưới trung thế và 782 km lưới hạ thế. Trong đó, ưu tiên ngầm hóa trước các tuyến đường chính, các tuyến đường khu vực trung tâm, tuyến đường liên quận và tuyến giao thông huyết mạch. Đảm bảo ngầm hóa 100% lưới điện trung thế và khoảng 40% lưới điện hạ thế tại các quận trung tâm vào năm 2020 (đạt tỉ lệ khoảng 40% lưới điện trung thế, 20% lưới điện hạ thế trên toàn TP).

“Ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin theo hướng hiện đại hóa, phối hợp đồng bộ với công tác chỉnh trang, cải tạo vỉa hè là một chủ trương đúng đắn của TP.HCM. Điều đó không chỉ đem lại vẻ mỹ quan đô thị, nâng cao năng lực phục vụ, an toàn trong vận hành mà còn cải thiện môi trường sống cho người dân trong khu vực, thu hút sự đầu tư của các nước đối với sự phát triển của TP.HCM” - ông Phạm Quốc Bảo cho biết thêm.

Được biết, tính đến hết năm 2017 đã có 39,5% khối lượng lưới điện trung thế (tương đương 2.784/7.047 km) và 14,5% khối lượng lưới hạ thế (1.817/12.472 km) đã được EVNHCMC thực hiện ngầm hóa. Công việc ngầm hóa đồng bộ lưới điện kết hợp cáp viễn thông đã được đơn vị thực hiện từ năm 2009, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.


  • 16/05/2018 04:20
  • Theo Pháp luật TP.HCM
  • 8260