EVNGENCO 3 hưởng lợi lớn khi CGM và WCM đi vào vận hành

Không chỉ thực hiện IPO, Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) còn có nhiệm vụ giảm nợ công Chính phủ trong quá trình cổ phần hóa.

Vừa qua, Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) đã tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư (roadshow) vào EVNGENCO 3 tại Rex Hotel, TPHCM để chia sẻ về lộ trình cổ phần hóa cũng như giải đáp thắc mắc cho các nhà đầu tư.

Nhà đầu tư chiến lược có thể nắm quyền chi phối Tổng công ty

Phó Tổng giám đốc EVN - ông Đinh Quang Tri cho biết, với công suất phát điện 6.304 MW, chiếm 16% toàn hệ thống điện Quốc gia, EVNGENCO 3 đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đặt vấn đề hợp tác. Đến nay, Tổng công ty đã nhận được đơn đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược của 4 tổ chức đều là các đơn vị có kinh nghiệm trong ngành Điện trên thế giới.

Theo lãnh đạo EVNGENCO 3, các nhà đầu tư (NĐT) chiến lược đang hoàn thiện bản chào và sẽ gửi đến Tổng công ty sớm để thực hiện việc đấu thầu do các NĐT đều muốn mua hết 36%. Thời điểm đấu thầu dự kiến vào 15/3 và sẽ phát hành cổ phiếu cho NĐT chiến lược vào cuối năm 2018.

EVNGENCO 3 cũng cho biết NĐT chiến lược không bị hạn chế tham gia đợt IPO lần này, do vậy, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư này tối đa có thể lên hơn 48%. EVNGENCO 3 cũng sẽ tạo điều kiện để đối tác chiến lược tham gia sâu vào hệ thống quản trị của doanh nghiệp và thể hiện trách nhiệm với Tổng công ty.

Theo như lộ trình cổ phần hóa, EVN sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ EVNGENCO 3 đến hết 2019; đây là mức mà các tổ chức tín dụng yêu cầu để đảm bảo cho các khoản vay nợ. Do vậy, nếu đối tác chiến lược và Tổng công ty có thể thương lượng với các bên cho vay thì EVN sẽ giảm sở hữu xuống dưới mức chi phối.

Thậm chí EVN cũng sẵn sàng bán tiếp phần vốn cho NĐT chiến lược nếu đối tác thể hiện trách nhiệm và không gây ảnh hưởng đến anh ninh năng lượng quốc gia. Theo đó, đối tác có thể sở hữu trên 51% và EVN sẵn sàng thoái hết khoản đầu tư tại EVNGENCO 3.

Góp phần giảm nợ công Chính phủ

Đối với công tác IPO, Nhà nước sẽ bán hơn 267 triệu cổ phần ra công chúng với giá khởi điểm 24.600 đồng/cổ phần vào ngày 9/2, dự kiến giá trị thu về theo giá khỏi điểm là 25.100 tỷ đồng. Tổng công ty có kế hoạch niêm yết UPCOM dự kiến vào 21/3/2018.

Hình thức IPO là phát hành cổ phiếu và theo đó, Chính phủ chỉ thu hồi 14.900 tỷ đồng; phần còn lại 10.200 tỷ đồng (449 triệu USD) sẽ được EVNGENCO 3 giữ lại để phát triển doanh nghiệp. Trường hợp giá bán cao hơn, phần tăng thêm sẽ được phân phối cho Chính phủ và EVNGENCO 3 theo tỷ lệ 51:49.

Số tiền mà EVNGENCO 3 thu về từ IPO sẽ trích khoảng 300 triệu USD để trả nợ các khoản vay. Liên quan đến các khoản vay, đại diện EVNGENCO 3 cho biết các khoản vay 2.200 tỷ đồng và hơn 27 tỷ yên vẫn còn thời hạn đến 10 năm. Do vậy, việc trả nợ sẽ giúp giảm mạnh chi phí nợ vay; bên cạnh đó Tổng công ty cũng sẽ phát hành Trái phiếu quốc tế để tận dụng các khoản vay đang có lãi suất thấp hơn nhằm trả các khoản vay có lãi suất cao. EVN đang phối hợp với các tổ chức xếp hạng như Fitch để tiến hành xếp hạng tín nhiệm thuận lợi cho việc đi vay. Đây cũng là lộ trình giảm nợ công cho Chính Phủ.

Có chi phí thấp, EVNGENCO 3 hưởng lợi lớn khi CGM và WCM đi vào vận hành

EVNGENCO 3 cho biết thêm, các nhà máy điện khí và thủy điện của công ty có lợi thế cạnh tranh lớn trong thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) do chi phí sản xuất trung bình của các nhà máy thuộc công ty thấp hơn so với các công ty cùng ngành. Do vậy, giá bán hiện tại của EVNGENCO 3 cũng thấp hơn thị trường do bị phụ thuộc lớn vào giá cố định của Hợp đồng mua bán điện (PPA).

Do vậy, độ mở thị trường điện thời gian tới sẽ đem lại nguồn lợi lớn cho EVNGENCO 3. Theo lộ trình, độ mở thị trường hiện tại chỉ đạt 10%, năm 2018 sẽ tăng lên 15% và những năm tới có thể lên tối đa 40%, tạo ra mức giá và doanh thu cao hơn nhiều so với hiện tại.

Bên cạnh đó, thị trường bán buôn cạnh tranh (WCM) có lợi nhiều nhất cho các công ty phát điện có vị trí gần khách hàng. Hiện EVNGENCO 3 có mối quan hệ tốt với Tổng công ty điện lực TP Hồ Chí Minh và Tổng công ty Điện lực miền Nam sẽ giúp công ty hưởng lợi lớn khi WCM đi vào vận hành.

Ngoài ra, EVNGENCO 3 cũng chủ trương đầu tư tăng công suất các nhà máy từ đó giảm rủi ro trong triển khai các dự án trong tương lai. Tổng công ty cũng phát triển mô hình bảo dưỡng tập trung thông qua Công ty EPS; đồng thời đẩy mạnh các dự án sử dụng nhiên liệu tái tạo như điện mặt trời, điện gió…


  • 08/02/2018 05:19
  • Theo Chuyên mục Thông tin Tài chính - Tạp chí điện tử Nhịp Sống Số
  • 15485