EVNCPC chủ động ứng phó với mưa lớn, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Ngày 22/10/2024, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã ban hành công điện yêu cầu các đơn vị thành viên và người đại diện ở các công ty cổ phần có vốn góp của EVNCPC khẩn trương triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với mưa lớn, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), dự báo có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào biển Đông trong 24 giờ tới.

Để bảo đảm an toàn và duy trì hoạt động ổn định, EVNCPC đã yêu cầu các đơn vị thành viên và các công ty có vốn góp thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo từ công điện của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Các biện pháp cụ thể gồm: Khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo liên quan tại Công điện số 7930/CĐ-BNN-DĐ ngày 21/10/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các đơn vị tổ chức kiểm tra các điểm xung yếu và tăng cường kiểm soát an toàn tại các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở; chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm để sẵn sàng ứng phó với mưa lớn, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, bảo đảm an toàn lao động và an toàn cung cấp điện.

EVNCPC cũng yêu cầu các đơn vị quản lý vận hành nhà máy thuỷ điện kiểm soát các điều kiện bảo đảm an toàn vận hành nhà máy, hồ đập; dự phòng đầy đủ về vật tư, trang bị, hậu cần; tuân thủ quy trình vận hành và chỉ đạo của Ban chỉ đạo PCTT&TKCN địa phương về vận hành, điều tiết; thường  xuyên  theo  dõi  diễn  biến của mưa lớn, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, đang đi vào biển Đông và các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời; kịp thời báo cáo các sự cố, bất thường về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVNCPC theo quy định.

Dự báo áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào biển Đông. Nguồn ảnh: windy, sáng 22/10/2024

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trên đất liền từ đêm qua và sáng sớm 22/10, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 21/10 đến 3h ngày 22/10 cục bộ có nơi trên 40mm như: Kỳ Hoa (Hà Tĩnh) 96,8mm, Thạch Hãn (Quảng Trị) 40,6mm, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) 47,8mm…

Từ sáng ngày 22/10 đến đêm 22/10, khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-70mm, cục bộ có nơi trên 90mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>90mm/6h).

Trên biển Đông, hồi 16 giờ ngày 21/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 131,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Philippin) khoảng 1.300km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 16 giờ ngày 22/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 127,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Philippin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-75km/giờ), giật cấp 11. Sóng biển cao từ 3.0-4.0m.

Dự báo khoảng ngày 25/10, bão có khả năng di chuyển vào Biển Đông. Từ khoảng chiều và đêm 24/10, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông (phía Đông kinh tuyến 118,5 độ Kinh Đông) có gió mạnh dần lên cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh, sóng cao từ 3.0-5.0m, mưa dông kèm theo lốc xoáy nguy hiểm.


  • 22/10/2024 06:02
  • Xuân Thái
  • 4105