EVNCPC: Triển khai 4 “tại chỗ” ứng phó với bão

Theo Trung tâm Dự báo tượng thủy văn Trung ương, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 4. Trước tình hình đó, “Tổng công ty điện lực miền Trung (EVNCPC) đã triển khai các giải pháp cần thiết và sẵn sàng ứng phó với bão” – ông Nguyễn Thành - Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) khẳng định.

Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN EVNCPC đã yêu cầu các đơn vị bố trị lực lượng và thiết bị để ứng phó với áp thấp, kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu trên lưới điện, nhanh chóng triển khai các phương án PCTT&TKCN, sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh.

"Tại Tổng công ty và tại các đơn vị, chúng tôi huy động 100% lực lượng ứng trực ngay trong đêm nay, không để bị động nếu bão đổ bộ vào ban đêm. Đặc biệt, tại các địa phương vùng núi có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão như Quảng Nam, Bình Định..., các đơn vị đều đã chuẩn bị vật tư, thiết bị dự phòng, lương thực, tăng cường thiết bị liên lạc, triển khai 4 “tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với bão, lũ". Ông Nguyễn Thành - Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban Chỉ đạo PCTT&TKCN EVNCPC cho biết.

EVNCPC cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan báo đài, cung cấp kịp thời thông tin về diễn biến áp thấp mạnh lên thành bão, cũng như thông tin về ảnh hưởng của thời tiết đến tình hình cung ứng điện.

Trong trường hợp áp thấp, bão gây thiệt hại cho hệ thống điện, các đơn vị trực thuộc EVN CPC sẽ nhanh chóng khôi phục, sớm cấp điện trở lại cho khách hàng, tạo sự đồng thuận và chia sẻ với khách hàng về công tác đảm bảo điện trong mưa bão.

Bản tin tối Trung tâm Dự báo tượng thủy văn Trung ương

Chiều tối nay (12/9), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 trên Biển Đông trong năm 2016. 
           Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão kết hợp với đới gió đông bắc, ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã có mưa với lượng mưa phổ biến 50-100mm, một số nơi  có mưa rất to như: An Chỉ (Quảng Ngãi) 200mm; Sông Vệ (Quảng Ngãi) 190mm; Hoài Ân (Bình Định) 170mm; Bồng Sơn (Bình Định) 230mm;…Tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa giông, lốc kèm gió giật mạnh. 
           Hồi 18 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Nam-Bình Định khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-11. 
           Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 24 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Quảng Nam-Bình Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-11. 
          Do ảnh hưởng bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-11; sóng biển cao 3-4 mét, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 
          Trong 6 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). 
          Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định tiếp tục có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao 3-4 mét, biển động mạnh. 
          Từ đêm nay, vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình-Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 7-8, giật cấp 9-10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 
          Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với đới gió đông bắc nên khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có khả năng cao xảy ra mưa giông kèm lốc xoáy và gió giật mạnh. 
           Ngoài ra, từ hôm nay (12/9) đến khoảng ngày 14/9, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau liên tục có mưa giông và gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1. 
           Do ảnh hưởng của bão, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên từ hôm nay (12/9) đến ngày 14/9 có mưa vừa, mưa to đến rất to (phổ biến 100-200mm). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa, khu vực Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to (50-100mm) kèm gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1. 

 


  • 12/09/2016 06:21
  • N.Hương
  • 8219