EVN trong mắt đối tác quốc tế

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế với rất nhiều cơ hội và thách thức, liệu Tập đoàn Điện lực Việt Nam có đạt được sự tin tưởng và mong muốn hợp tác lâu dài của các tổ chức tài chính, tín dụng, cơ quan quốc tế hay không? Dưới đây là ý kiến đánh giá của một số đối tác chiến lược.

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương: “WB tin tưởng vào mối quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững với EVN”
 
Từ năm 1996 đến năm 2015, WB đã tài trợ hơn 4 tỷ USD cho EVN và Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, WB còn thực hiện các dự án hợp tác hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn chính sách giá điện, tìm giải pháp nâng cao năng lực tài chính cho EVN và cổ phần hóa các tổng công ty phát điện. Có thể khẳng định, hơn 20 năm qua, EVN đã sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính, đưa điện thương phẩm bình quân đầu người tăng từ 150 kWh/người (năm 1996) lên 1.540 kWh/người (năm 2015). Tổn thất điện năng giảm từ 24% xuống còn 8% và đưa điện đến 98,76% số hộ dân nông thôn cả nước.
 
Đạt được kết quả trên là do có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy ngành Năng lượng phát triển, tăng cường năng lực lãnh đạo,quản lý và năng lực kỹ thuật của các cán bộ thuộc EVN.
 
Thời gian tới, WB mong muốn tiếp tục được hỗ trợ ngành Điện trong khâu truyền tải và phân phối điện, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp điện và chất lượng dịch vụ. Đồng thời, WB sẽ hỗ trợ trong lĩnh vực tái cơ cấu ngành Điện, cụ thể là xây dựng kết cấu hạ tầng để triển khai hiệu quả thị trường bán buôn điện cạnh tranh. 
 
Tuy nhiên, WB không chỉ dừng lại ở cấp vốn mà còn hỗ trợ kỹ thuật giúp Chính phủ Việt Nam nghiên cứu giải quyết tốt nhất những thách thức mới mà ngành Năng lượng, EVN phải đối mặt. Chúng tôi rất tin tưởng vào mối quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững giữa Ngân hàng Thế giới và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 

Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam: “ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành Điện thực hiện Chương trình điện khí hóa nông thôn”

ADB là đối tác quan trọng của EVN từ năm 1994 đến nay. ADB đã hỗ trợ khoảng 2,5 tỷ USD cho 13 dự án, chủ yếu trong lĩnh vực nguồn và lưới điện. Trong đó, nhiều dự án đã hoàn thành và phát huy hiệu quả. Điển hình là Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1. Với công suất trên 1.000 MW, việc hoàn thành phát điện thương mại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 (tháng 1/2016) đã góp phần nâng cao năng lực cung cấp điện của hệ thống điện Việt Nam.
 
Hiện nay, ADB đang xây dựng Chiến lược đối tác Quốc gia giai đoạn 5 năm (2016 – 2020) gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam. Đồng thời, ADB còn xem xét các dự án đầu tư trong Quy hoạch điện VII, nhằm cân đối nguồn vốn hỗ trợ từ ADB mà Chính phủ Việt Nam mong muốn. Cụ thể, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành Điện đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp điện.
 
Đến hết năm 2015, tuy tỷ lệ điện khí hóa nông thôn ở Việt Nam là khá cao, nhưng chưa đồng đều giữa các khu vực. Vì vậy, ADB mong muốn sẽ hỗ trợ EVN triển khai Chương trình Điện khí hóa nông thôn, đưa điện đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, nông thôn, hải đảo chưa có điện.

Ông Rémi GENEVEY - Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam: “EVN đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ AFD”

 
15 năm qua, EVN đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ AFD, đầu tư xây dựng các công trình điện. Điển hình là dự án Nhà máy Thủy điện Huội Quảng đã phát điện tổ máy 1 vào tháng 12/2015, với khoản vay trực tiếp không có bảo lãnh của Chính phủ. Công trình đường dây 500 kV Pleiku – Cầu Bông hoàn thành tháng 5/2014, tăng cường truyền tải điện cho miền Nam vốn là khu vực có nhu cầu lớn về điện năng. 
 
Với khoản tài trợ có bảo lãnh của Chính phủ, công trình này là minh chứng cho khả năng thực hiện dự án của EVN với thời gian kể từ khi hội đồng quản trị AFD phê duyệt đến khi kết thúc dự án là dưới 3 năm và nguồn vốn đã được giải ngân theo đúng điều kiện đã thỏa thuận giữa hai bên.
 
Trong tương lai, AFD sẽ tiếp tục hỗ trợ EVN sử dụng năng lượng hiệu quả. Đồng thời, AFD còn mong muốn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể là, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên cơ sở thực hiện một chiến lược hoàn toàn phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hiện tại, việc sử dụng năng lượng tái tạo của Việt Nam còn hạn chế, AFD sẽ giúp Việt Nam khắc phục điều này.
 
Ông Mori Mutsuya - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam: “EVN là một trong những đối tác thân thiết và có thời gian hợp tác lâu dài nhất của JICA tại Việt Nam”
 
Từ khi Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam vào năm 1993, EVN là đối tác chiến lược của JICA. Đến nay, tổng công suất các dự án nguồn điện của EVN do JICA tài trợ lên tới 5.000 MW, với tổng vốn vay ODA đạt khoảng 550 tỷ Yên, chiếm khoảng 25% tổng số vốn vay ODA mà Nhật Bản dành cho Việt Nam. Mối quan hệ hợp tác này đã góp phần quan trọng vào việc cung cấp điện ổn định cho Việt Nam. 
 
Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ tận dụng hiệu quả các cơ hội này. JICA dự kiến sẽ hợp tác với EVN trong 3 lĩnh vực. Trong đó có giới thiệu công nghệ mới USC – công nghệ trên siêu tới hạn tại Việt Nam. Đây là một trong những hệ thống hữu hiệu nhất áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện than. Việc sử dụng công nghệ này không chỉ giúp Việt Nam ổn định nguồn cung cấp điện mà còn giảm “gánh nặng” cho môi trường. 
 
Bên cạnh đó, Nhật Bản còn hợp tác với Việt Nam nghiên cứu công nghệ cho nhà máy thủy điện tích năng và hy vọng sẽ cung cấp công nghệ này cho EVN trong thời gian tới. Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam, và JICA luôn sẵn sàng làm việc cùng EVN để hiện thực hóa các dự án hợp tác liên quan đến phát triển các nhà máy nhiệt điện khí ở Việt Nam.
 
- 785 triệu USD: là tổng các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài EVN đã ký kết năm 2015;
 
- 2 tỷ USD: là tổng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài đã có cam kết năm 2015; 
 
- 4,8 tỷ USD: là tổng vốn vay ODA giai đoạn 2011 - 2015; 
 
- Trên 320.000 tỷ đồng: là tổng vốn vay EVN và các đơn vị đã ký hợp đồng từ các ngân hàng trong nước và nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế đa phương và song phương.
 
 


  • 11/04/2016 09:45
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 5980


Gửi nhận xét