EVN triển khai thi công dự án truyền tải để mua điện từ 16 nhà máy thủy điện Lào

Ngày 28/11, tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban Quản lý dự án điện 1 tổ chức triển khai thi công dự án đường dây 220kV Nậm Mô (Lào) – Tương Dương (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam).

Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Tài Nguyên và Môi trường, huyện ủy, UBND huyện Kỳ Sơn và huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An).

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc Tập đoàn, ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, lãnh đạo Ban QLDA điện 1 và đại diện đơn vị tư vấn thiết kế, thi công và cung cấp thiết bị cho công trình.

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân phát biểu tại lễ triển khai thi công dự án

Dự án đường dây 220kV Nậm Mô – Tương Dương là đường dây mạch kép từ biên giới Việt Nam – Lào đến Trạm biến áp 220kV Tương Dương. Đường dây có chiều dài 74,4km, có khả năng mang tải 1.000MW, với tổng mức đầu tư 588 tỷ đồng do EVN là chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án điện 1 là đơn vị được EVN giao quản lý dự án. Tuyến đường dây ở phía Việt Nam đi qua địa bàn các huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Trên cơ sở thỏa thuận mua bán điện được kí kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, ngày 5/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1490/TTg-CN chấp thuận về chủ trương nhập khẩu điện và phương án đấu nối cụm Nhà máy Thủy điện Nậm Mô (Lào) qua dự án đường dây 220kV Nậm Mô (Lào) – Tương Dương (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam), nhằm truyền tải công suất các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Nậm Mô thuộc lãnh thổ Lào về Việt Nam (bao gồm 16 nhà máy thủy điện với tổng công suất 850MW). Hiện tại EVN đã ký kết 7 hợp đồng mua bán điện với các nhà máy điện với tổng công suất 300MW.

Các đại biểu thực hiện nghi thức triển khai thi công dự án

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện và phương án đấu nối cụm Nhà máy thủy điện Nậm Mô, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giao Ban Quản lý dự án điện 1 khẩn trương tổ chức triển khai dự án, với tiến độ đưa vào vận hành trong tháng 6/2022, đồng bộ với dự án nhà máy thủy điện phía Lào. Dự kiến sản lượng điện truyền tải hàng năm khoảng 2,5 tỷ kWh lên hệ thống điện quốc gia.

Theo thỏa thuận đã được ký kết giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, đến năm 2025 Việt Nam sẽ nhập 3.000MW nguồn điện từ Lào và đến năm 2030  lên tới 5.000MW.

Đây là công trình truyền tải điện thứ 2 phục vụ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam (sau đường dây 220kV Xekaman 1-Pleiku 2). Công trình có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu điện tăng cao ở Việt Nam, đặc biệt là đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc trong các năm tới.

Lãnh đạo EVN trao số tiền ủng hộ cho huyện Tương Dương và huyện Kỳ Sơn, mỗi huyện 200 triệu đồng

Để đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về môi trường khi đi qua khu vực rừng và dân cư thuộc hai huyện Kỳ Sơn và huyện Tương Dương, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân yêu cầu Ban Quản lý dự án điện 1 tập trung lực lượng bám sát hiện trường để quản lý giám sát chặt chẽ chất lượng cung cấp thiết bị, thi công, lắp đặt theo đúng yêu cầu kỹ thuật và các quy định hiện hành. Phối hợp tốt với UBND các huyện, UBND các xã và các phòng ban chuyên môn, Chi cục Kiểm Lâm, lực lượng biên phòng huyện Kỳ Sơn và huyện Tương Dương để thực hiện công tác BTGPMB. Phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Phongsubthavy, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia trong công tác thi công, đấu nối đồng bộ cả tuyến đường dây đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt.

Lãnh đạo EVN cũng yêu cầu các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA điện 1, nhà thầu thi công xây lắp để cung cấp vật tư thiết bị đồng bộ với tiến độ xây dựng. Các nhà thầu xây lắp tập trung đủ nhân lực, thiết bị, nguồn vốn để phục vụ thi công.

Yêu cầu các nhà thầu cử lãnh đạo của nhà thầu có mặt tại công trường để chỉ huy, điều hành thi công hoàn thành công trình theo đúng tiến độ cam kết; Phối hợp với Ban QLDA điện 1 xây dựng triển khai hệ thống quản lý dự án, kiểm soát chất lượng thi công trên công trường nhằm đáp ứng chất lượng yêu cầu; Đồng thời  thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch COVID-19 trên công trường xây dựng.

Đối với nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát thi công xây dựng cũng cần bố trí đủ cán bộ tại công trường để kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công, giám sát chất lượng, an toàn, môi trường, kịp thời nghiệm thu chuyển bước.

Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng trao quà động viên cho lực lượng thi công trên công trường

Tập đoàn Điện lực Việt Nam là Tập đoàn kinh tế nhà nước được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vai trò chính trong việc cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, phục vụ cho đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, EVN rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Nghệ An trong công tác BTGPMB của dự án, để dự án hoàn thành đúng tiến độ trong thời gian tới.

Tại lễ triển khai thi công dự án EVN đã trao tặng ủng hộ số tiền 200 triệu đồng cho huyện Kỳ Sơn và 200 triệu đồng cho huyện Tương Dương để hỗ trợ phòng chống COVID-19 và ủng hộ Quỹ Vì người nghèo của địa phương.


  • 28/11/2021 12:00
  • Bài, ảnh: Xuân Tiến
  • 11802