EVN tích cực triển khai Đề án 06 của Chính phủ

Đề án 06 là tên gọi tắt của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Sau 1 năm triển khai nhiệm vụ được giao tại đề án này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt được những kết quả rất tích cực.

Sáng 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số năm 2022. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự hội nghị tại trụ sở Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số Vũ Đức Đam; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Viện KSND Tối cao; TAND Tối cao; các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực công nghệ, thông tin...

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm tham gia hội nghị tại trụ sở Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tình hình kinh tế-xã hội năm 2022 đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu thẳng thắn đánh giá rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2022 của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số và Đề án 06; đánh giá ý nghĩa, hiệu quả của chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương mình; nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn làm cản trở đến công cuộc chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06.

Thủ tướng đề nghị các ngành, địa phương chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06; xác định rõ các quan điểm, định hướng và các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thời gian tới, cũng như trong dài hạn.

Cùng với kết nối và khai thác, dữ liệu là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số. Do đó cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể. Mọi chính sách phải hướng tới người dân và người dân phải tham gia vào quá trình này.

EVN tích cực triển khai các nhiệm vụ trong Đề án 06

Tại Đề án 06, EVN được giao thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDL Dân cư) qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia để cung cấp 2 dịch vụ là: Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp và Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện.

EVN đã cùng với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an) để kết nối kỹ thuật, kiểm tra các điều kiện về an toàn, bảo mật thông tin, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ từ năm 2021. Do đó, khi Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, EVN đã ngay lập tức cùng tham gia với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ triển khai việc chuyển đổi hệ thống kết nối trên môi trường kiểm thử sang môi trường thật để sẵn sàng cho 2 dịch vụ điện này hoàn thành trước ngày Thủ tướng chính thức công bố Đề án. EVN đã hoàn thành sớm 5 tháng so với nhiệm vụ được Thủ tướng giao trong Quyết định số 06/QĐ-TTg.

Tiếp đó, sau khi Chính phủ sơ kết 6 tháng thực hiện Đề án 06 (ngày 09/8/2022), Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã mở rộng việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư cho 100% dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 của EVN đang cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Song song, ngành Điện chủ động báo cáo và làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Công An, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) kiến nghị và góp ý các quy định liên quan đến việc cung cấp điện, khi ứng dụng thông tin từ CSDL Dân cư để thay thế các giấy tờ về lưu trú (như sổ hộ khẩu, số tạm trú). Kết quả, năm 2022, EVN có 99,91% các yêu cầu dịch vụ điện được tiếp nhận qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Trung tâm Hành chính công, Tổng đài CSKH, Website CSKH, App CSKH…

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm tham gia hội nghị. Ảnh: VGP

Với các dịch vụ điện cấp độ 4 được kết nối CSDL Dân cư theo Đề án 06 thì năm 2022 đã có 440.242 lượt khai thác thông tin chia sẻ từ CSDL Dân cư và 36.832 lượt khai thác thông tin về hộ gia đình trong CSDL Dân cư.

Trong quá trình thực hiện, EVN cũng gặp một số khó khăn như: tình trạng kết nối và trả dữ liệu nhiều lúc còn chậm; các thông tin chia sẻ dữ liệu dân cư nhiều lúc thiếu các thành viên gia đình nên gây khó khăn khi xác định hộ gia đình để cấp điện mới theo quy định tại điều 8 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ.

Chuyển đổi số tại EVN mang tới nhiều lợi ích cho người dân

Với nỗ lực góp phần xây dựng Chính phủ số, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, quá trình chuyển đổi số tại EVN được thực hiện với quyết tâm rất cao. Sau 2 năm EVN triển khai Đề án tổng thể Chuyển đổi số, đến ngày 30/11/2022, kết quả thực hiện của toàn EVN đạt trên 92% kế hoạch đề ra, hết năm 2022 ước đạt 98% kế hoạch. Trong đó lĩnh vực Quản trị nội bộ hoàn thành các chỉ tiêu chuyển đổi số là 99,85%, lĩnh vực ĐTXD hoàn thành 100%, lĩnh vực Sản xuất đạt 91%, lĩnh vực KD&DVKH đạt 100%.

EVN đã đạt được một số kết quả nhất định trong chuyển đổi số. Năm 2022, đã ra mắt hệ sinh thái số EVNConnect với mục tiêu tăng cường kết nối với các nền tảng chuyển đổi số của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các đối tác để khai thác tối đa nguồn dữ liệu chung của quốc gia và cung cấp dịch vụ điện trên các nền tảng số này.

Chuyển đổi số trong EVN giúp khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ điện "mọi lúc, mọi nơi" thông qua môi trường số và đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Các dịch vụ điện được cung cấp theo phương thức điện tử đã mang lại hiệu quả thiết thực như: giúp người dân/khách hàng thuận tiện, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại; không phải in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy. Việc EVN cung cấp các dịch vụ điện qua các ứng dụng chăm sóc khách hàng (App), các trang thông tin điện tử (website) và qua các mạng xã hội đã tăng cường tiện ích, tính công khai, minh bạch trong sử dụng điện của khách hàng.

Năm 2022, tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử đạt 99,15% (vượt 1,25% so với kế hoạch), tương ứng với khoảng 13,5 triệu trang hồ sơ điện tử khi thực hiện ký 960.000 hợp đồng mua bán điện mới và khoảng gần 1,2 triệu yêu cầu thay đổi các nội dung trong hợp đồng đã ký. Trong đó, các hồ sơ trước đây khách hàng phải cung cấp CMTND/CCCD, sổ hộ khẩu, số tạm trú đã được thay thế bằng thông tin thông qua CSDL Dân cư.

Trong những năm qua, EVN đã nỗ lực giảm thời gian cung cấp điện đến khách hàng kể từ khi tiếp nhận yêu cầu. Năm 2022 bình quân thời gian cấp điện mới qua lưới trung áp là 2,79 ngày (giảm 0,27 ngày so với năm 2021), cấp điện mới qua lưới hạ áp cho khách hàng sinh hoạt khu vực thành phố, thị xã, thị trấn là 2,3 ngày; tại khu vực nông thôn là 2,62 ngày; cấp cho khách hàng ngoài sinh hoạt là 2,59 ngày.

Năng suất lao động bình quân năm 2022 của toàn EVN ước đạt 2,83 triệu kWh/người, tăng 7,15% so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Chuyển đổi số là một quá trình thay đổi của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khách hàng. Trong thời gian tới, với mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, EVN sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: triển khai diện rộng trong toàn tập đoàn các sáng kiến số đã thành công trong giai đoạn 2021 – 2022, khuyến khích CBCNV luôn "Đổi mới, sáng tạo", chủ động nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới đem lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động. EVN cũng sẽ mở rộng kết nối hệ sinh thái EVNConnect với các Bộ/ngành/địa phương và các tổ chức cung cấp dịch vụ số nhằm tăng thêm nhiều tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.

Đồng thời, EVN tham gia cung cấp chia sẻ thông tin, dữ liệu với các nền tảng số quốc gia, CSDL quốc gia trong các lĩnh vực khác như tài nguyên, môi trường. EVN cũng sẽ không ngừng học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi số thành công từ doanh nghiệp năng lượng tiên tiến trên thế giới để nghiên cứu, lựa chọn đưa vào áp dụng trong thực tiễn.


  • 25/12/2022 02:54
  • M.Hạnh (tổng hợp)
  • 6459