EVN sở hữu hơn 63% tổng công suất đặt toàn hệ thống

Tính đến hết năm 2016, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam là 41.424 MW. Trong đó, công suất nguồn điện do EVN và các tổng công ty phát điện trực thuộc sở hữu là 26.164 MW (chiếm tỷ lệ 63,16% toàn hệ thống), công suất các nguồn ngoài EVN là 15.260 MW (chiếm 36,84%).

Ngày 21/4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến với các đơn vị phát điện trong Tập đoàn về công tác quản lý kỹ thuật nguồn điện. Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN chủ trì Hội nghị. 

Quy mô hệ thống điện Việt Nam hiện đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 30 trên thế giới, với đa dạng loại hình nguồn điện như: Thủy điện, nhiệt điện đốt than, nhiệt điện đốt dầu FO, tua bin khí chu trình hỗn hợp đốt khí, tua bin khí chu trình đơn đốt dầu DO, diesel.

Ông Nguyễn Hải Hà, Trưởng ban Kỹ thuật – Sản xuất (EVN) cho biết: Năm 2016, các nhà máy điện của EVN đã thực hiện được các chỉ tiêu quản lý kỹ thuật được giao. Về nhân lực vận hành, tất cả được đào tạo đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chuyên môn, chức danh cho từng vị trí công việc; luôn tuân thủ các quy trình, quy phạm, quy định về vận hành, chấp hành mệnh lệnh của điều độ cấp trên; thực hiện nghiêm chế độ phiếu thao tác, phiếu, lệnh công tác theo quy định.

Bên cạnh đó, các đơn vị đã thực hiện đầy đủ công tác báo cáo, thống kê, điều tra sự cố theo quy định hiện hành của EVN. Đồng thời, tổ chức theo dõi, giám sát thường xuyên, chặt chẽ các thông số kỹ thuật trong vận hành để phát hiện và có biện pháp kịp thời nhằm giữ và giảm các chỉ tiêu điện tự dùng, suất tiêu hao nhiên liệu,...

Việc ứng dụng công nghệ mới, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất cũng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Các kỹ sư vận hành Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 - Ảnh: Vũ Chang

Năm 2017 và các năm tiếp theo, mục tiêu của EVN là sản xuất điện đảm bảo an toàn cao nhất đối với người và thiết bị, với sản lượng cao, đáp ứng phương thức huy động và thực hiện cạnh tranh trong phát điện; các tổ máy vận hành duy trì được các thông số thiết kế ban đầu về công suất, sản lượng; các chỉ số môi trường đạt hoặc tốt hơn quy định của cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, nâng cao chất lượng sửa chữa, bảo dưỡng, áp dụng chính sách sửa chữa bảo dưỡng thiết bị theo điều kiện thực tế để tối ưu hiệu quả đầu tư và nâng cao độ tin cậy các nhà máy điện.

Đánh giá công tác quản lý kỹ thuật nguồn điện của EVN đã đảm bảo cung cấp điện theo yêu cầu, nhưng vẫn còn những tồn tại cần giải quyết, Phó Tổng giám đốc Ngô Sơn Hải yêu cầu các đơn vị cần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, vận hành nhà máy thông qua các khóa bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo; nâng cao chất lượng bảo dưỡng, sửa chữa để các tổ máy vận hành tin cậy và độ khả dụng cao.

Lãnh đạo Tập đoàn cũng yêu cầu củng cố, thành lập các đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng tập trung theo hướng chuyên nghiệp. “Đặc biệt, các nhà máy điện phải tập trung mọi nguồn lực để làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, nhất là các nhà máy nhiệt điện than, tuyệt đối không được để xảy ra sự cố môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy”, Phó Tổng giám đốc Ngô Sơn Hải chỉ đạo. 


  • 21/04/2017 06:01
  • Xuân Tiến
  • 21158