EVN làm việc với các chuyên gia kinh tế cao cấp

Chiều 31/5, EVN đã làm việc với các chuyên gia kinh tế cao cấp của Việt Nam, về tình hình cung cấp điện và triển khai lộ trình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, với tinh thần cầu thị, EVN mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế cao cấp, để Tập đoàn thực hiện tốt hơn nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó. Đồng thời, Tập đoàn tiếp tục cải tiến công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và xã hội.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá cao sự chủ động, tinh thần cầu thị của EVN khi tổ chức buổi làm việc và cung cấp thông tin kịp thời về các mặt hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn; cũng như giải đáp những thắc mắc mà dư luận đang rất quan tâm.

EVN đã nhận được rất nhiều đóng góp thiết thực của các chuyên gia kinh tế 

Hoan nghênh EVN là đơn vị tiên phong trong công tác công khai, minh bạch thông tin và được các tổ chức trong nước đánh giá cao, TS Cấn Văn Lực cho rằng Tập đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để thông tin đến với đông đảo người dân và công chúng.

Do ngành Điện là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, thậm chí cả các chuyên gia cũng không thể biết hết được các vấn đề liên quan. Vì vậy, thông tin về điện, đặc biệt các nội dung chuyên sâu khá phức tạp như cơ chế, biểu giá, thị trường điện,… cần phải rất cụ thể, dễ hiểu với công chúng.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay, thời gian qua, EVN đã làm rất tốt công tác cải cách hành chính, thanh toán tiền điện trực tuyến, cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng,… Những hoạt động này cần được truyền thông rộng và sâu hơn, để người dân thấy được sự nỗ lực của EVN, qua đó chia sẻ và giảm định kiến đối với Tập đoàn.

Còn theo TS. Trần Đình Thiên, những năm qua, hoạt động sản xuất – kinh doanh của EVN đã tốt hơn rất nhiều, có thể thấy rõ ràng qua sự tăng trưởng về nguồn cung, chỉ số tổn thất điện năng, những mức xếp hạng đã được các tổ chức uy tín đánh giá,…

Thời gian tới, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng cần phải xem xét theo cả 2 phía: Cung và cầu. “Tại sao Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài rất lớn nhưng không có nhà đầu tư nào vào ngành Điện, bởi đây không phải mà “miếng bánh ngon”. Việt Nam đang sử dụng điện rất lãng phí” - TS Trần Đình Thiên khẳng định.

Chia sẻ và cảm thông với ngành Điện, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam cần quan tâm đến chiến lược về phát triển năng lượng, trong đó chú trọng đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, phải hạn chế đầu tư các ngành tiêu hao nhiều điện năng.

Góp ý cho EVN, PGS. TS Lê Dăng Doanh cho rằng, việc cung ứng điện trong thời gian tới có rất nhiều thách thức. Vì vậy, EVN cần sớm báo cáo Chính phủ để kịp thời có giải pháp. Trong những năm tới, nguồn điện sẽ không tăng nhiều, trong khi nhu cầu điện, đặc biệt là phục vụ cho sự phát triển công nghiệp ở khu vực miền Nam vẫn tăng mạnh.

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, việc tăng giá điện mà dư luận đang rất quan tâm hiện nay, EVN đã làm đúng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương. Giá điện ở Việt Nam còn có nhiệm vụ giúp Chính phủ điều tiết kinh tế vĩ mô. “EVN không được quyết định về giá. Vì vậy, Tập đoàn cần giải thích rõ ràng, rành mạch những việc thuộc trách nhiệm của mình, để cho nhân dân, xã hội hiểu” - TS. Nguyễn Đình Cung cho hay.

Các chuyên gia cũng đồng tình với việc EVN và Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ điều chỉnh giá điện bậc thang sao cho hợp lý với tình hình hiện nay.


  • 01/06/2019 09:08
  • Hồng Hoa
  • 10937