EVN chủ động ứng phó với bão số 8 và mưa lũ tại miền Trung

Chiều 21/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) họp trực tuyến với các đơn vị thành viên về công tác ứng phó với cơn bão số 8 (tên quốc tế là Saudel) và tình hình mưa lũ tại miền Trung. Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải chủ trì cuộc họp.

 

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Ban An toàn EVN cho biết, thực hiện chỉ đạo của các cấp, Tập đoàn đã ban hành Công điện số 6998/CĐ-EVN ngày 21/10/2020 về việc ứng phó với bão số 8 và mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung.

Hiện nay, tại khu vực miền Trung, các hồ thủy điện thuộc EVN đang xả điều tiết bao gồm: Khe Bố, Quảng Trị, A Lưới, A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Tranh 2, Vĩnh Sơn A, Sông Ba Hạ, Đơn Dương.

Bên cạnh đó, có 34 vị trí đường dây 220/500kV đã được Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) rà soát, kiểm tra gia cố để đảm bảo an toàn.

Theo thống kê của các đơn vị trực thuộc, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ lớn tiếp tục diễn ra, hiện tại còn khoảng 199 xã đang mất điện; trong đó Hà Tĩnh còn 78 xã, Quảng Bình 92 xã, Quảng Trị 23 xã, Thừa Thiên Huế 02 xã, Quảng Nam 04 xã. Các đơn vị đã chuẩn bị khôi phục cấp điện trở lại cho khách hàng ngay sau khi nước rút.

Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải (ngồi giữa) chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN EVN.

Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN về việc tập trung ứng phó với cơn bão số 8; tập trung toàn bộ lực lượng để thực hiện tốt công tác ứng phó với bão; theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia để chủ động có các biện pháp ứng phó kịp thời; cập nhật, thực hiện đầy đủ các nội dung trong công điện, văn bản chỉ đạo của các cấp; thực hiện nghiêm túc phương châm "Bốn tại chỗ".

Các đơn vị tích cực triển khai, rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại đơn vị, địa phương; đảm bảo cung cấp điện an toàn, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng; bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình điện lực; chuẩn bị mọi nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố do thiên tai gây ra.

Đối với các nhà máy thủy điện, ông Ngô Sơn Hải yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN địa phương, vận hành đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du. Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, có phương án xử lý kịp thời các sự cố điện trên đường dây, móng cột. 

Các Tổng công ty Điện lực tiếp tục chỉ đạo củng cố lưới điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, sớm khôi phục điện cho các phụ tải quan trọng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn, theo phương châm "nước rút đến đâu, khôi phục điện đến đấy". Phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cung cấp điện dự phòng cho các phụ tải quan trọng khi mất nguồn điện lưới và hỗ trợ bà con nhân dân trong việc tuyên truyền an toàn điện sau khi lũ rút.

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia lập phương án vận hành tối ưu hệ thống điện, tận dụng tối đa các nhà máy thủy điện đang xả nước nhằm đảm bảo nguồn cung điện; đồng thời lập phương án xử lý sự cố lưới điện đối với các đường dây huyết mạch...

Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ Thông tin đảm bảo tiếp tục hoàn thiện phần mềm về phòng chống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố phần mềm về hồ chứa thủy điện và phòng chống thiên tai.

Ban Truyền thông, Trung tâm Thông tin Điện lực tăng cường thời lượng tuyên truyền cập nhật thông tin, đưa tin bài, hình ảnh về công tác khắc phục hậu quả thiên tai; đặc biệt về vai trò của các hồ thủy điện trong việc cắt, giảm lũ nhằm tránh các thông tin sai lệch trên một số phương tiện truyền thông như trong thời gian qua.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, dự báo, tâm bão số 8 sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực tỉnh Hà Tĩnh vào khoảng 5h sáng ngày 26/10.


  • 21/10/2020 02:33
  • Huy P.
  • 3802