EVN chủ động các giải pháp tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Thay đổi nhận thức người dân về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cả một quá trình rất dài mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nỗ lực xây đắp qua từng năm. Nhiều năm qua, EVN luôn đi đầu trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK&HQ). Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban kinh doanh EVN - xung quanh vần đề này.

Ông Trần Viết Nguyên

PV: Thưa ông, EVN được Chính phủ giao vừa đảm bảo sản xuất, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và tiêu dùng của nhân dân, vừa thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền tiết kiệm điện. Xin ông cho biết EVN đã thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng NLTK&HQ giai đoạn 2019 - 2030 như thế nào?

Ông Trần Viết Nguyên: Thứ nhất, EVN bám sát vào Chương trình, các chỉ đạo của các Bộ, ngành và Ban chỉ đạo Quốc gia về sử dụng NLTK&HQ. Xây dựng kế hoạch hành động 5 năm và hàng năm, tập trung chính và các nội dung như: Tuyên truyền tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng (trong các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng) theo lộ trình 6,5% vào năm 2025 và 6% vào năm 2030.

Thứ hai, EVN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương thực hiện các chương trình tuyên truyền sử dụng NLTK&HQ. Xây dựng các tài liệu/tư liệu tuyên truyền điện tử để phổ biến, truyền thông sâu rộng trên các trang web, mạng xã hội…

Thứ ba, Tập đoàn đã và đang thống kế, theo dõi tình hình tiêu thụ điện của tất cả các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, doanh nghiệp thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo Quyết định ban hành hàng năm của Thủ tướng Chính phủ.

EVN đã xây dựng thành công trang thông tin điện tử theo dõi tình hình sử dụng điện (sudungdien.evn.com.vn) nhằm cung cấp thông tin trực tuyến cho Bộ Công Thương, Sở Công Thương, UBND tỉnh/thành phố về tình hình sử dụng điện của các nhóm khách hàng như: Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các cơ quan hành chính sự nghiệp, phục công tác theo dõi, điều hành sử dụng NLTK&HQ trên địa bàn tỉnh/thành phố và phạm vi cả nước.

Thứ tư, EVN đã và đang xây dựng các ứng dụng, nền tảng cung cấp thông tin online về tình hình tiêu thụ điện của khách hàng, tư vấn, khuyến nghị khách hàng các giải pháp sử dụng NLTK&HQ như nền tảng: EVNSOLAR (solar.evn.com.vn) - kết nối giữa các công ty lắp đặt, chủ đầu tư và chủ mái nhà để lắp đặt và phát triển điện mặt trời mái nhà; công cụ online https://uoctinhdiennang.evn.com.vn giúp khách hàng ước được mức tiêu thụ điện của hộ gia đình; các ứng dụng quản lý năng lượng hộ gia đình (HEM), ePoint (theo dõi điện năng tiêu thụ hàng ngày)...

Thứ năm, EVN nghiên cứu và kiến nghị Bộ, ngành, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sử dụng NLTK & HQ như: chương trình quản lý phía nhu cầu tiêu thụ điện (DSM); điều chỉnh phụ tải điện (DSR), cung cấp dịch vụ năng lượng theo mô hình Công ty dịch vụ (ESCO), ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS)…

PV: Nhìn từ góc độ kinh tế, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín nghiên cứu về an ninh năng lượng cho rằng, việc đầu tư hiệu quả 1 đồng vốn cho sử dụng NLTK&HQ mang lại lợi ích tương đương với việc đầu tư 4 đồng vốn cho phát triển nguồn cung. Về phía EVN, ông có đánh giá cụ thể nào khi áp dụng thực tế tại đơn vị mình?

Ông Trần Viết Nguyên: Từ kinh nghiệm nước ngoài, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA), chi phí để thực hiện tiết kiệm điện tại Hoa Kỳ năm 2017 ước tính là 460đ/kWh, trong khi đó chi phí mua điện trung bình khoảng 2.300đ/kWh. Như vậy, chi phí vào hiệu quả sử dụng điện sẽ rẻ hơn 5 lần so với đầu tư vào sản xuất hoặc mua điện.

Đối với Việt Nam, đơn cử chi phí phát điện bằng dầu (trong trường hợp phải huy động nguồn vào giờ cao điểm hoặc khi hệ thống thiếu nguồn) khoảng 5.400đ/kWh (chi phí nhiên liệu và phân phối), trong khi đó giá bán bình quân là 1.864 đ/kWh (theo Quyết định 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019). Như vậy, có thể thấy chi phí sản xuất, truyền tải và phân phối 1kWh điện tới người sử dụng cuối cùng cao gấp 3 lần so với chi phí bán điện.

Theo tôi, việc đầu tư vào các giải pháp hiệu quả năng lượng sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất kinh doanh trong dài hạn phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường quốc gia.

Tập trung vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

PV: Thưa ông, EVN có khuyến nghị gì với cơ quan quản lý Nhà nước về những vướng mắc mà tập đoàn gặp phải trong việc thực hiện sử dụng NLTK&HQ?

Ông Trần Viết Nguyên: Chúng tôi đã chủ động tiên phong thực hiện theo chủ trương của Bộ Công Thương đó là triển khai thí điểm mô hình cung cấp năng lượng theo loại hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO). Hiện EVN cũng đang vướng mắc cụ thể: Chưa có cơ chế cho hoạt động và phát triển loại hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO, thiếu cơ chế về vốn, bàn giao tài sản nhà nước cho khách hàng và cách thức thực hiện.

Ngoài ra, cũng chưa có cơ chế cho các cơ quan hành chính sự nghiệp sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng do Công ty ESCO cung cấp.

EVN kiến nghị với Bộ Công Thương sớm nghiên cứu và ban hành quy định về hoạt động ESCO nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào loại hình hoạt động này.

Về sản xuất là lưu thông đèn tròn sợi đốt, theo Quyết định 04 năm 2017 của Chính phủ quy định về phương tiện thiết bị phải dán nhãn thì đèn sợi đốt có công suất tới 60W vẫn được lưu thông, sản xuất tại Việt Nam, trong khi đó ở nhiều nước đã cấm, không cho lưu thông sản phẩm này do hiệu suất thấp, không mang lại hiệu quả về tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, đèn LED có hiệu suất cao hơn nhiều, tiết kiệm từ 80 - 90% so với đèn sợi đốt, tuổi thọ bền hơn và thay thế được các loại hình đèn sợi đốt.

Hiện số lượng đèn tròn sợi đốt có công suất tới 60W vẫn được lưu thông dẫn tới cả nước còn khoảng hơn 4 triệu bóng đèn tròn sợi đốt loại này dùng để xông cây thanh long ra hoa trái vụ, tiêu tốn một lượng điện năng khoảng 9,6 triệu kWh/năm, rất lãng phí. EVN kiến nghị Bộ Công Thương xem xét và sớm có lộ trình điều chỉnh về việc lưu thông chủng loại đèn có hiệu suất thấp.

Kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc để khuyến khích khách hàng sử dụng các thiết bị có hiệu suất cao, tiết kiệm điện đảm bảo thực thi chương trình quốc gia về sử dụng NLTK&HQ.

PV: Xin cám ơn ông!

Link gốc


  • 24/05/2021 01:50
  • Nguồn: congthuong.vn
  • 5456