EVN cán đích nhiều mục tiêu quan trọng

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng năm 2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cán đích thành công nhiều mục tiêu quan trọng, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hạn hán, mưa lũ… vẫn đủ điện 

Do chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, các hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung – Tây Nguyên liên tục thiếu nước… Có thời điểm, các nhà máy thủy điện ở khu vực này phải tạm ngừng phát điện, tập trung chủ yếu vào tích nước hồ chứa, phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho vùng hạ du. Tình trạng xâm nhập mặn cũng diễn ra gay gắt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hạn hán vừa dứt, mưa lũ lại liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền Trung và miền Nam vào các tháng cuối năm, không chỉ làm gián đoạn cung cấp điện mà còn gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho EVN và các đơn vị.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, các đơn vị phát điện, truyền tải và phân phối đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, huy động hợp lý các nguồn điện, vận hành hệ thống điện ổn định, đảm bảo an toàn hồ chứa, hạn chế thấp nhất thiệt hại và khắc phục nhanh hậu quả thiên tai. Việc điều tiết các hồ thủy điện một cách hợp lý đã đảm bảo được sản lượng điện cao, đồng thời đáp ứng các yêu cầu dân sinh khác như cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt và đẩy mặn tại nhiều địa phương ở khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước, TP.HCM...

Năm 2016, lưới điện truyền tải đã đảm bảo vận hành an toàn, liên tục

Trong năm qua, để cung ứng đủ điện cho các tỉnh, thành phía Nam, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và Vĩnh Tân 2 đã được huy động công suất tối đa. Theo ông Nguyễn Khắc Sơn – Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1), ngay từ đầu năm, Tổng công ty đã huy động nhân lực chất lượng cao từ Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, kịp thời bổ sung lực lượng sản xuất và sửa chữa cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1. Đồng thời, EVNGENCO 1 đã ký hợp đồng với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, đảm bảo cấp đủ nhiên liệu vận hành cho Nhà máy. Kết quả năm 2016, Nhiệt điện Duyên Hải 1 đã sản xuất sản lượng điện đạt khoảng 6,5 tỷ kWh, trong khi kế hoạch được giao là 6,1 tỷ kWh. Cùng với gần 7 tỷ kWh sản lượng điện sản xuất từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu phụ tải điện phía Nam.

Cũng trong năm 2016, để hệ thống điện quốc gia nói chung và hệ thống điện phía Nam nói riêng vận hành ổn định, hệ thống truyền tải điện liên tục phải truyền tải cao trên đường dây 500 kV Bắc – Nam. Bên cạnh các giải pháp về quản lý kỹ thuật, theo ông Trần Quốc Lẫm – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), việc hoàn thành và kịp thời đưa vào vận hành TBA 500 kV Pleiku 2 đã góp phần nâng cao độ tin cậy cho trục truyền tải 500 kV Bắc - Trung - Nam. Từ đây, công suất từ miền Trung vào miền Nam được truyền tải an toàn, ổn định trên 4 mạch đường dây 500 kV. Đồng thời, nhiều công trình lưới điện và trạm biến áp cũng được EVNNPT phối hợp với chính quyền địa phương tháo gỡ vướng mắc, đưa vào vận hành, đảm bảo tiến độ và chất lượng, kịp thời giải phóng công suất từ các nhà máy điện. 

Với việc điều hành linh hoạt hệ thống điện, EVN và các đơn vị đã đáp ứng đủ nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân, với sản lượng điện thương phẩm năm 2016 khoảng 160 tỷ kWh, tăng 10,9 % so với năm 2015.

Thời tiết bất lợi nhưng các nhà máy thủy điện vẫn đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước và nhân dân

Thiếu vốn… vẫn đẩy nhanh nhiều công trình

Năm 2016 được đánh giá là một năm sôi động trong lĩnh vực đầu tư - xây dựng của EVN, với tổng giá trị đầu tư khoảng 5,8 tỷ USD. Theo đó, EVN đã hoàn thành và đưa vào vận hành 9 tổ máy với tổng công suất 2.304 MW. Đáng chú ý nhất, với sự nỗ lực của chủ đầu tư là EVN và các nhà thầu, đơn vị thi công, tư vấn, giám sát đã đưa công trình Thủy điện Lai Châu về đích trước 1 năm, làm lợi khoảng 5.000 tỷ đồng. Với công suất 1.200 MW, đây là nhà máy thủy điện lớn thứ ba Việt Nam, sau Nhà máy Thủy điện Sơn La (2.400 MW) và Hòa Bình (1.904 MW).

Đến nay, hệ thống điện Việt Nam đang ngày càng mở rộng với tổng công suất thiết kế hơn 42.000 MW - đứng thứ 2 trong khu vực các nước ASEAN và thứ 30 thế giới. Với việc hoàn thành trên 300 công trình lưới điện từ 110 – 500 kV, hệ thống lưới điện truyền tải cũng được xây dựng đồng bộ với tổng chiều dài đường dây ở các cấp điện áp 500 – 220 – 110 kV đạt hơn 41.100 km. Đường dây trung và hạ thế dài hơn 440.000 km.

Vượt qua những trở ngại về thời tiết, EVN và các đơn vị đã hoàn thành Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và xã đảo Lại Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang). Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, nhưng do linh hoạt, chủ động bố trí vốn đối ứng và kinh nghiệm từ thực tiễn, hàng loạt các dự án cấp điện nông thôn cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc Khmer của EVN đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu Chính phủ giao. Tính đến cuối năm 2016, 99,96% số xã và 98,95% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cuối tháng 11/2016, Nhà máy điện gió Phú Lạc – giai đoạn 1 do Công ty CP Phong điện Thuận Bình quản lý cũng đã được đưa vào hoạt động. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên nắm giữ 75% số vốn điều lệ. Nhà máy có công suất 24 MW, tổng mức đầu tư là 1.089 tỷ đồng, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ 35 triệu EUR, còn lại là vốn đối ứng từ chủ đầu tư. Triển khai Dự án này phù hợp với định hướng và mục tiêu của EVN trong việc đẩy mạnh phát triển các dự án năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.

Năm 2016, lần đầu tiên HĐTV EVN ban hành nghị quyết về việc định hướng nghiên cứu phát triển điện mặt trời, bổ sung nguồn điện xanh, sạch cho đất nước. Theo đó, EVN yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, khảo sát, phát triển các dự án điện mặt trời. Trước mắt, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất chủ trương và địa điểm thực hiện Nhà máy điện mặt trời tại khu vực thôn Thủy Ba và thôn Tân An, xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm do Tổng công ty Điện lực miền Trung làm chủ đầu tư, với diện tích khoảng 70 ha, công suất 50 MW. Thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà máy điện mặt trời Trị An (130 MW), Sê San 4 (50 MW)... đưa các nhà máy này vào vận hành trong giai đoạn 2018 - 2019.

Vượt qua trở ngại về thời tiết, EVN đã hoàn thành nhiều dự án cấp điện nông thôn, hải đảo năm 2016

Tập trung cân bằng tài chính

Thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, đến cuối năm 2016, EVN đã thoái vốn đầu tư khỏi các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản... và thu về hơn 2.000 tỷ đồng. Đồng thời, tái cơ cấu lại các khoản vay, tập trung đầu tư vào các dự án điện. 

Theo chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, EVN là một trong những tập đoàn đi đầu trong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành; chủ động giảm vốn tại các công ty cổ phần, tập trung mọi nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp. “Cách giải quyết các vấn đề của EVN còn là bài học kinh nghiệm cho các ngành kinh tế khác. Bởi lẽ, hoạt động điện lực liên quan trực tiếp đến các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống nhân dân. Vì vậy, sau khi thực hiện tái cơ cấu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ thúc đẩy các ngành kinh tế khác hoạt động hiệu quả hơn, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế đất nước và đời sống nhân dân với chất lượng ngày càng cao và dịch vụ ngày càng hoàn hảo”, ông Kiêm khẳng định. 

Ngoài ra, Tập đoàn còn đẩy mạnh các hoạt động, chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện năng, đầu tư xây dựng; kiểm soát chặt chẽ các chi phí sản xuất điện; xây dựng thang bảng lương phù hợp và từng bước gắn kết quả lao động với chế độ lương – thưởng... Việc kết hợp đồng bộ các giải pháp nhằm từng bước đảm bảo cân bằng tài chính của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, đã góp phần giúp EVN thực hiện thành công chủ đề của năm 2016 là “Nâng cao năng lực quản trị trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”. 

Ông Christian Berger - Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam: “Thời gian qua, Chính phủ Đức đã cam kết cấp hơn 1 tỷ USD vốn ODA đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao năng lực của EVN trong việc thực hiện các dự án nhanh chóng và hiệu quả. Điển hình như Dự án điện gió Phú Lạc khánh thành sau đúng 1 năm xây dựng. Dự án đường dây 500 kV Sơn La - Lai Châu đấu nối với Nhà máy Thủy điện Lai Châu là một trong những dự án thực hiện nhanh nhất trong hợp tác phát triển mà chúng tôi từng tài trợ trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tiếp tục duy trì sự hợp tác chặt chẽ này, nhằm thúc đẩy hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng tại Việt Nam”.


 


  • 03/01/2017 03:40
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 8875