EVN NPC – ưu tiên nguồn lực cho tiếp nhận, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn

Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, theo kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao, đến hết năm 2015, EVNNPC sẽ tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở 4.608 xã với hơn 5,4 triệu khách hàng. Tuy nhiên, Tổng công ty đang phấn đấu hoàn thành công tác tiếp nhận và sửa chữa tối thiểu lưới điện hạ áp nông thôn ngay trong năm 2014.

Tiếp nhận đến đâu, sửa chữa đến đó

Tính đến tháng 8/2014, EVNNPC đã tiếp nhận, thay công tơ, sửa chữa tối thiểu lưới điện hạ áp nông thôn ở 3.938/4.608 xã, với khối lượng 55.908 km đường dây hạ áp, hơn 4,1 triệu công tơ 1 pha và hơn 110.000 công tơ 3 pha. Sau khi tiếp nhận, khối lượng khách hàng của EVNNPC đã tăng từ 2,09 triệu lên 7,58 triệu (gấp 3,63 lần).

Thực tế cho thấy, lưới điện hạ áp nông thôn ở miền Bắc được xây dựng chủ yếu từ những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, nhiều năm không được đầu tư cải tạo nên đã hết khấu hao, tổn thất điện năng rất cao (từ 20-30%). Với phương châm “Tiếp nhận đến đâu, sửa chữa đến đó”, ngay sau khi tiếp nhận, các đơn vị trực thuộc EVNNPC đã tiến hành sửa chữa tối thiểu, nâng cấp lưới điện, cơ bản đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sinh hoạt và phát triển kinh tế của khu vực tiếp nhận, đồng thời giảm tổn thất điện năng trên hệ thống.

Hiện nay, sản lượng điện thương phẩm khu vực hạ áp nông thôn đã có xu hướng tăng, chất lượng điện năng phục vụ khách hàng tốt hơn, tổn thất điện năng giảm xuống còn 12% - 13%...

Ưu tiên mọi nguồn lực

Tuy nhiên, bà Ánh cũng cho biết, công tác sửa chữa lưới điện hạ áp nông thôn mới chỉ dừng lại ở mức cơ bản, bởi nguồn vốn đầu tư, cải tạo còn hạn chế. Hiện nay, Tổng Công ty đang tiếp tục cân đối nguồn lực tài chính, từng bước cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn đảm bảo đúng tiêu chuẩn, an toàn trong vận hành, an toàn cho người sử dụng, góp phần giảm tổn thất điện năng.

Hiện nay, toàn miền Bắc vẫn còn 348 xã chưa bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn sang ngành Điện. Cụ thể: PC Hòa Bình 10 xã, PC Hải Phòng 67 xã, PC Thái Bình 78 xã, PC Bắc Giang 42 xã, PC Thanh Hóa 107 xã và PC Hải Dương 44 xã.

Theo tính toán của EVNNPC, chi phí tiếp nhận, thay công tơ, sửa chữa tối thiểu ngay sau khi tiếp nhận; sửa chữa thường xuyên, quản lý vận hành tại khu vực lưới điện hạ áp nông thôn hàng năm rất lớn. Cụ thể, với khối lượng tiếp nhận 4.608 xã giai đoạn 2008-2015, tổng nhu cầu kinh phí là 9.171 tỷ đồng; riêng giai đoạn 2008- 2014 là 8.057 tỷ đồng.

Đứng trước thực trạng nhu cầu kinh phí lớn, trong khi nguồn lực tài chính có hạn, lãnh đạo EVNNPC đã chỉ đạo các đơn vị triệt để tiết kiệm chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện, tập trung ưu tiên thay thế công tơ 3 pha, công tơ 1 pha chết, cháy, kẹt; xử lý ngay những điểm có nguy cơ mất an toàn điện (không đảm bảo độ cao an toàn, đóng bổ sung tiếp địa hạ thế…).

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng lưới điện, Tổng công ty cũng tập trung nguồn vốn sửa chữa lớn cho lưới điện hạ áp nông thôn; tích cực tìm kiếm các nguồn vốn ODA phục vụ cải tạo lưới điện hạ áp.

"Không chỉ đến năm 2014 EVNNPC mới tối ưu hóa chi phí, công tác này đã được Tổng công ty thực hiện từ nhiều năm qua để phục vụ cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn như: Tận dụng chi phí trong định mức; tiết kiệm vốn đầu tư xây dựng; tận dụng các vật tư thừa…”, bà Ánh chia sẻ.

 


  • 06/11/2014 02:53
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2423


Gửi nhận xét