EVN HCMC: Tổ chức Hội thảo "Kinh nghiệm trong công tác ngầm hóa lưới điện

Nhằm thực hiện chủ trương từng bước hiện đại hóa hệ thống điện Thành phố, vừa qua, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVN HCMC) đã tổ chức Hội thảo bàn về những kinh nghiệm trong công tác ngầm hóa lưới điện.

Theo tham luận của đại điện Tổng công ty Điện lực TP.HCM, trong quá trình triển khai thực tế công tác ngầm hóa lưới điện trên địa bàn Thành phố, đơn vị đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Đó là cần phải có sự phối hợp tốt với các sở ban ngành và những đơn vị có liên quan để cùng tháo gỡ các vướng mắc và xây dựng các quy chế hợp tác. Khi ngầm hóa, cần phải có kế hoạch 5 năm và từng năm để chủ động hơn trong việc triển khai. Quá trình ngầm hóa phải từ trung tâm nội thành rồi lan ra vùng ven. Thi công trước tại các cửa ngõ thành phố, khu du lịch, các trục đường chính, sau đó mới hoàn thiện các ô phố. Ưu tiên đặt dưới vỉa hè, bất khả kháng phải đưa ra lòng đường.

Trong quá trình thực hiện công tác ngầm hóa cần phối hợp chặt chẽ giữa quy hoạch chung của Thành phố với quy hoạch điện lực. Công tác khảo sát phải khẳng định được vị trí hạ tầng ngầm chủ yếu hiện hữu, phản ánh đúng hiện trạng. Hồ sơ thiết kế phải đầy đủ tính pháp lý, đảm bảo mạch vòng vận hành hở.

Thi công phải đảm bảo sợi cáp không bị trầy xước, kéo dãn, bẻ cong quá mức độ cho phép của nhà sản xuất. Đoạn cáp vào trạm, thiết bị đóng cắt (RMU), tủ phân phối, lên đầu trụ phải đặc biệt lưu ý bán kính cong cho phép. Đơn vị vận hành phải vận hành linh hoạt lưới điện ngầm, luôn giám sát khống chế các thông số trong giới hạn cho phép nhằm tránh mất điện, quá tải hoặc gây tổn thất điện năng lớn; phát hiện và xử lý sự cố nhanh chóng, kịp thời…

Nhiều giải pháp được đưa ra tại hội thảo lần này được đánh giá cao - Ảnh: PV


Theo kinh nghiệm của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội, trong quá trình triển khai dự án cáp ngầm hạ thế, cần phải có khảo sát thiết kế chi tiết chính xác, phù hợp từng địa hình. Có giải pháp dự phòng và ngăn ngừa trong quá trình vận hành nhằm sử lý sự cố một cách linh động và nhanh nhất, giảm số giờ mất điện. Khi thiết kế nên bố trí các đoạn cáp dự phòng từ các trạm lân cận nhau để có thể san tải trong trường hợp 1 trạm bị quá tải, không có nguồn cấp.

Tại Tổng công ty Điện lực miền Nam, thực tiễn trong công tác ngầm hóa lưới điện cho thấy, trong công tác khảo sát thiết kế, đơn vị tư vấn thiết kế có trách nhiệm liên hệ với các đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm để đề nghị cung cấp các bản đồ, bản vẽ hoàn công và cung cấp thông tin về công trình ngầm để đưa ra các giải pháp thiết kế mương cáp cho phù hợp. Cáp ngầm sử dụng tại các khu vực trung tâm có tiết diện cáp được chọn ở chế độ làm việc bình thường chỉ mang tải từ 50% - 60% công suất so với công suất mang tải cực đại cho phép để đảm bảo dự phòng và an toàn cấp điện khi có sự cố.


  • 17/11/2012 05:16
  • Theo hcmc.com.vn
  • 3285


Gửi nhận xét