Đường phố thoáng nhờ ngầm hóa lưới điện

Thời gian gần đây, đi qua khu vực trung tâm TP. HCM hay một số tuyến đường ở vùng ven, chúng ta cảm nhận được sự thoáng đãng hơn bởi những bó cáp viễn thông, dây điện đã dần được ngầm hóa.

Theo kế hoạch, mỗi năm sẽ có khoảng 150 km lưới điện trung thế và 250 km lưới điện hạ thế trên địa bàn thành phố được ngầm hóa cùng với dây cáp thông tin. Dự kiến đến năm 2020, khu vực trung tâm thành phố không còn cảnh những bó cáp thông tin, dây điện nhùng nhằng trên phố.

Xóa “mạng nhện”

Đầu tháng 7/2017, nhiều người đi qua các tuyến đường Võ Thị Sáu, Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ (quận 3) không còn thấy những bó cáp thông tin ngang dọc trên cột điện, nối vào nhà dân hai bên đường do tất cả đều được ngầm hóa. 

Chị Trần Thanh Lan, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo trên đường Võ Thị Sáu, cho biết chị rất phấn khởi khi trước cửa không còn những bó dây cáp nữa. “Trước đây những bó cáp này oằn xuống che khuất biển hiệu, người vào ra mua hàng sợ bị dây rớt trúng hay vướng vào dây khi ra vào cửa hàng. Giờ đã được dọn dẹp rồi nên thấy thông thoáng, nhẹ nhõm và mỹ quan hơn”, chị Lan chia sẻ.

Anh Trần Hùng Minh, người dân cư ngụ trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), cũng hồ hởi: “Dù ở xa trung tâm thành phố nhưng lưới điện, cáp thông tin nhùng nhằng trên tuyến đường này cũng được dọn dẹp sạch trơn. Hàng ngày đi lại trên tuyến đường này, tôi cảm nhận được không gian thông thoáng, phố xá đẹp đẽ hơn”. 

Đại diện Công ty Điện lực Gò Vấp cho biết, công trình ngầm hóa trên đường Phan Văn Trị là công trình trọng điểm trên địa bàn quận. Sau khi ngầm hóa lưới điện trên đoạn tuyến từ đường Thống Nhất đến đường Nguyễn Oanh, ngành Điện đang tiếp tục thực hiện tiếp đoạn từ đường Nguyễn Oanh đến đường Phạm Văn Đồng. Tính đến nay, Công ty Điện lực Gò Vấp đã thực hiện tổng cộng 5 công trình ngầm hóa trên các tuyến đường Quang Trung, Phan Văn Trị, Nguyễn Kiệm…

“Việc ngầm hóa không chỉ làm phố xá đẹp hơn mà về quản lý, vận hành cũng dễ dàng và an toàn hơn. Ví dụ như lưới điện nổi trước đây có tình trạng cây xanh ngã đổ hay vật gì va vào mối nối là có thể gây sự cố; nay lưới điện được ngầm hóa nên không còn phải lo những sự cố như vậy nữa”, đại diện Công ty Điện lực Gò Vấp cho biết. 

Công tác ngầm hóa lưới điện tập trung nhiều nhất vẫn là khu vực trung tâm thành phố. Ông Trần Văn Toàn, Phó giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, cho biết thời gian qua, đơn vị đã thực hiện ngầm hóa hơn 40 tuyến đường trên địa bàn quận 1, quận 3. Ngoài các công trình trên, dự kiến trong năm 2017, Công ty Điện lực Sài Gòn tiếp tục hoàn thành hơn 20 công trình ngầm hóa trên các tuyến đường và khu phố: Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Công Trứ, Lê Công Kiều, Phó Đức Chính, Ký Con, Yersin… 

Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), thời gian qua, không chỉ khu vực trung tâm thành phố mà công trình ngầm hóa còn được triển khai rộng khắp trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, trong giai đoạn từ năm 2016-2020, EVNHCMC sẽ thực hiện ngầm hóa 650 km lưới điện trung thế, 1.150 km lưới điện hạ thế (tương đương mỗi năm có khoảng 100 - 150 km lưới điện trung thế, 200 - 250 km lưới điện hạ thế được ngầm hóa). Khi thực hiện kế hoạch này, không chỉ dây điện mà dây cáp thông tin cũng được ngầm hóa đồng bộ, trụ điện sẽ được thu hồi sau đó.

“Tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng ngầm hóa đã đạt trên 60% kế hoạch. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn bộ khu vực trung tâm quận 1, quận 3 sẽ ngầm hóa 100%; các khu vực khác gần trung tâm thành phố, lưới điện ngầm hóa cũng sẽ đạt trên 50%”, ông Bảo cho hay.

Từ đường lớn vào tới hẻm

Không chỉ ngầm hóa ở các tuyến đường chính khu vực trung tâm thành phố, EVNHCMC cho biết, sắp tới sẽ tập trung ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin tại các con hẻm. Về vấn đề này, ông Trần Văn Toàn, Phó giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, cho hay đã thực hiện dự án ngầm hóa tại hẻm 611 Điện Biên Phủ. Từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ ngầm hóa 7 tuyến hẻm khác trên địa bàn quận 3. Trong năm 2018, Công ty Điện lực Sài Gòn lên kế hoạch ngầm hóa 29 tuyến hẻm khác ở khu vực trung tâm thành phố. 

Đa số người dân đồng tình với việc ngành Điện phối hợp với các đơn vị viễn thông đưa “mạng nhện” xuống đất. Nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng, việc ngầm hóa hiện nay chưa hoàn chỉnh, bởi trên vỉa hè vẫn còn hiện diện các tủ điện (tủ điện phân phối), trạm biến thế. Nhiều nơi tủ điện này có thiết kế thô, phần dưới chân đế là khối bê tông, phần trên bằng nhựa nhìn không đồng nhất. Mặt khác, ngành Điện cho rằng, việc ngầm hóa tăng tính an toàn nhưng các tủ điện này có ghi cảnh báo: “Cấm lại gần, có điện, nguy hiểm, chết người”. Vì thế, một số hộ dân chưa đồng tình khi tủ điện đặt ở vị trí sát nhà họ. Có nơi tủ điện đặt giữa lề đường, gây cản trở người đi bộ.  

Lý giải việc này, ông Phạm Quốc Bảo cho biết, theo quy chuẩn kỹ thuật ngành Điện, khi ngầm hóa bắt buộc phải có các tủ phân phối này. Tủ phân phối chính là bộ phận kết nối từ lưới điện ngầm vào điện kế đặt tại nhà khách hàng. Nếu là trung tâm hành chính hoặc trung tâm thương mại, khách sạn thì tủ phân phối đặt trong khuôn viên hoặc trong tòa nhà. Tuy nhiên, do đặc điểm đô thị thành phố hầu hết nhà mặt tiền là nhà tư nhân nên tủ phân phối phải bố trí trên vỉa hè. Thông thường, mỗi tủ điện phân phối phục vụ cho từ 8 - 10 khách hàng hoặc nhiều hơn.

Về vấn đề thẩm mỹ, ông Bảo cho biết, hiện EVNHCMC đã yêu cầu các công ty điện lực trực thuộc, trong quá trình ngầm hóa phải thực hiện sơn hoặc ốp gạch phần bê tông phía dưới cho hài hòa với phần tủ nhựa phía bên. Để tăng tính thân thiện, EVNHCMC sẽ nghiên cứu đưa thông tin tuyên truyền tiết kiệm điện bên bề ngoài tủ phân phối… Quan trọng hơn, các tủ điện này sẽ được lắp đặt ở những vị trí như gần bồn cây, thảm cỏ hoặc vị trí giáp ranh, sát vách giữa 2 hộ nhằm đảm bảo tính mỹ quan, hạn chế ảnh hưởng đến người đi bộ. Bên cạnh đó, hiện ngành điện đã phối hợp cùng các đơn vị sản xuất, nghiên cứu thiết kế các tủ phân phối điện theo hướng nhỏ gọn và đồng nhất hơn để tăng tính thẩm mỹ và phù hợp mỹ quan đô thị.

Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, đến cuối năm 2018 sẽ cơ bản ngầm hóa lưới điện và dây thông tin khu vực trung tâm thành phố. Trong giai đoạn 2019-2020, sau khi các tuyến đường chính đã ngầm hóa, sẽ tập trung mở rộng việc ngầm hóa tại các con hẻm. Tuy nhiên, việc ngầm hóa các tuyến hẻm thực hiện trên cơ sở lựa chọn những khu vực đã tương đối ổn định như quận 1, quận 3 để thí điểm, trước khi xem xét triển khai diện rộng tại các khu vực khác của thành phố. Để công tác ngầm hóa đạt kết quả cao, trong kế hoạch ngầm hóa giai đoạn 2018-2020, ngành Điện đã kiến nghị UBND TPHCM cho phép mở rộng và thu hút thêm các đơn vị đầu tư hạ tầng khác chứ không chỉ mình ngành Điện.

 


  • 18/08/2017 04:47
  • Theo Sài Gòn Giải Phóng
  • 14796