Đường điện 500 kV quá tải, cấp bách dự án 12.000 tỷ

Sau hàng chục năm tải điện từ Bắc vào Nam, đường dây 500 kV Bắc Nam mạch 1 và mạch 2 đã quá tải. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng việc đầu tư đường dây 500 kV mạch 3 là “hết sức cấp bách”, “không thể chần chừ”.

Gấp rút thi công đường dây 500 kV mạch 3

Một ngày tháng 5 nắng như đổ lửa, những kỹ sư, công nhân của Công ty CP Lắp máy Việt Nam đang hối hả đúc phần móng để dựng cột cho hệ thống đường dây 500 kV mạch 3.

Ông Nguyễn Văn Chiểu, Phó Tổng giám đốc Công ty cho hay: Đây là gói thầu số 9, lô 97, thi công từ vị trí 400-497, bao gồm 98 vị trí, đi qua địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị gồm thành phố Đông Hà, Cam Lộ, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị…

Xuyên qua những cánh rừng thông, những con đường dốc thẳng đứng mới tiếp cận được vị trí này, nhưng ông Nguyễn Văn Chiểu cho biết: Vị trí này chưa phải khó khăn nhất, nhiều vị trí khó khăn hơn rất nhiều. Có vị trí xe trộn bê tông không thể vào được, không mở được đường vào nên chúng tôi phải vận chuyển cát, đá, xi măng vào để trộn bê tông để đảm bảo chất lượng bê tông. Những vị trí khó khăn thì quãng đường trung chuyển phải dài 5-7 km.

Đường dây 500 kV mạch 3 là công trình thuộc diện cấp bách, thi công sau hàng chục năm đường dây 500 kV mạch 1 và mạch 2 vận hành và có dấu hiệu quá tải.

Cách đây 25 năm, đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 chính thức vận hành (27/5/1994 – 27/5/2019). Đường dây ấy được ví như trục xương sống đưa điện từ Bắc vào Nam. Đến tháng 10/2005, đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 2 tiếp tục được đưa vào vận hành, đảm bảo hệ thống truyền tải điện 500 kV có hai mạch song song. Nhưng đến nay, đường dây cũng đã quá tải.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc Truyền tải điện Quảng Bình cho hay: Vào mùa khô, công suất điện truyền tải từ miền Bắc vào miền Nam rất lớn. Xác định điều đó nên thời gian qua tổng công ty cũng như các công ty truyền tải đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hệ thống vận hành thông suất.

Chỉ lên đường dây 500kV, ông Nguyễn Ngọc Lâm cho biết: Những ngày vừa qua, tải trên đường dây này lên đến 2.200-2.500MW, công suất truyền tải trên đường dây rất lớn. Trong bối cảnh nhu cầu phát triển và tăng công suất tiêu thụ của đất nước ngày càng lớn, thời gian tới nếu đường dây 500KV mạch 3 không đưa vào vận hành sớm thì khả năng truyền tải sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

“Ngoài ra, lưới truyền tải giống như con người, phải có duy tu bảo dưỡng hàng năm, lượng công suất truyền trên lưới rất lớn, nên để cắt điện phục vụ duy tu bảo dưỡng mỗi lần đều rất khó. Do đó, để đường dây được ở chế độ vận hành an toàn thì việc đưa đường dây 500KV mạch 3 vào vô cùng quan trọng”, ông Nguyễn Ngọc Lâm chia sẻ.

Đường dây cấp bách

Trước tình hình đó, ngày 18/12/2018 dự án đường dây 500 kV mạch 3 được khởi công. Tổng mức đầu tư toàn bộ các dự án là gần 12.000 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thi công của tất cả các dự án là khoảng 20 tháng và phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành vào khoảng tháng 5-6/2020.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đây là các công trình điện cấp bách trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với mục tiêu truyền tải điện từ Trung tâm Điện lực Quảng Trạch lên hệ thống điện quốc gia.

EVN cho biết trong thời gian tới, khu vực miền Nam sẽ không thể tự cân đối cung cầu điện nội vùng, mà cần phải có sự hỗ trợ nguồn điện từ các khu vực khác. Nguyên nhân do một số dự án điện tại khu vực phía Nam bị chậm tiến độ so với dự kiến.

Phát biểu tại lễ khởi công khi đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng việc đầu tư dự án đường dây 500 kV mạch 3 là “hết sức cấp bách”, “không thể chần chừ”.

Cập nhật tiến độ dự án, ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung cho hay: Cụm dự án này có chiều dài khoảng 750 km, gồm 1.608 vị trí móng. Hiện nay, trên tổng số 1.608 vị trí móng, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã tiến hành đo đạc 1.494.

Chia sẻ khó khăn trong triển khai dự án, ông Nguyễn Đức Tuyển cho biết: Khó nhất vẫn là câu chuyện bồi thường giải phóng mặt bằng. Chế độ chính sách của từng địa phương có sự khác nhau, vì thế các vùng giáp ranh người dân có sự so sánh về mức hỗ trợ, gây khó khăn cho chúng tôi. Đơn giá các địa phương không theo sát thực tế. Một số địa phương giá bồi thường cây cối cách đây vài năm nhưng hiện tại vẫn áp dụng; việc điều chỉnh giá đất không kịp thời, làm chậm tiến độ.

Ngoài ra, địa bàn duyên hải miền Trung cũng như vùng giáp ranh Tây Nguyên thời tiết khắc nghiệt. Thời gian thi công chỉ được mùa khô. “Vùng duyên hải này mưa bão cuối năm. Tây Nguyên bắt đầu có mưa rồi. Nội dung này cũng ảnh hưởng đến công tác điều hành thi công của chúng tôi. Đại bộ phận vị trí móng gần triền núi, nên thời tiết ảnh hưởng tiến độ dự án”, ông Tuyển chia sẻ.


  • 04/06/2019 04:34
  • Theo vietnamnet.vn
  • 14132