Đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống: Còn nhiều vướng mắc mặt bằng

Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống được đầu tư xây dựng với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An từ mùa nắng nóng năm nay. Tuy nhiên, dự án khó có thể hoàn thành trong tháng 6/2023 do còn nhiều vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng.

Dự án do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là chủ đầu tư, khởi công từ tháng 12/2021. Ban QLDA các công trình điện miền Bắc (NPMB) đại diện chủ đầu tư quản lý điều hành dự án.

Dự án có quy mô xây dựng 2 mạch cấp điện áp 220kV dài khoảng 130km với 299 vị trí móng cột và 99 khoảng néo. Điểm đầu G1 nằm sát biên giới Việt Nam - Lào trên lãnh thổ Việt Nam, điểm cuối là TBA 220kV Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa).

Trong đó, đoạn tuyến đi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều dài là 51,9km, bao gồm 125 vị trí móng cột và 47 khoảng néo. Tuyến đường dây đi qua địa bàn các huyện Như Thanh, Như Xuân và Nông Cống.

Đoạn tuyến đi trên địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều dài là 77,81 km, bao gồm 174 vị trí móng cột và 52 khoảng néo. Tuyến đường dây đi qua địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Châu.

Theo ông Hoàng Văn Tuyên – Giám đốc NPMB, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, công tác chuyển mục đích sử dụng rừng (CMĐSDR) cho dự án chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt. Bộ NN&PTNT yêu cầu tỉnh có ý kiến giải trình làm rõ thêm một số nội dung. Về CMĐSDR đối với rừng trồng, NPMB cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hoá đề nghị cho phép triển khai thi công các vị trí trên diện tích đất rừng trồng song song với quá trình thực hiện phương án trồng rừng thay thế.

Về công tác GPMB, huyện Như Thanh chưa phê duyệt phương án bồi thường đối với các vị trí móng cột và hành lang tuyến. Huyện Như Xuân chưa ban hành quyết định phê duyệt giá đất cụ thể do đó chưa lập, công khai và phê duyệt được phương án bồi thường cho các vị trí móng cột và hành lang tuyến.

CMĐSDR cho phần diện tích nằm trong rừng tự nhiên cũng là khó khăn vướng mắc lớn nhất của dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ngoài ra, trong hành lang an toàn đường điện còn tồn tại 22 hộ gia đình có nhà, công trình làm bằng vật liệu dễ cháy, phải cải tạo để đảm bảo đủ điều kiện tồn tại trong hành lang an toàn. Các trường hợp này rất cần có chính sách hỗ trợ cải tạo nhà từ vật liệu dễ cháy sang loại vật liệu khác của UBND 2 tỉnh.

Ngày 16/6, lãnh đạo EVNNPT đã có chương trình làm việc với UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An để tháo gỡ khó khăn cho dự án. Trong ảnh, buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa.

Làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An vào ngày 16/6, Chủ tịch HĐTV EVNNPT – ông Nguyễn Tuấn Tùng cho biết: Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo cung cấp điện cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An nói riêng và miền Bắc nói chung. Để dự án hoàn thành trong năm 2023, Chủ tịch HĐTV EVNNPT đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, cùng các sở, ngành, địa phương trong tỉnh vào cuộc quyết liệt nhằm tháo gỡ các vướng mắc về bồi thường, GPMB để nhà thầu triển khai thi công.

Lãnh đạo UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đều khẳng định, đối với những vướng mắc mặt bằng thuộc thẩm quyền của tỉnh, tỉnh cam kết sẽ xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất, đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương chung sức cùng EVNNPT để hoàn thành dự án.


  • 20/06/2023 10:52
  • Xuân Tiến
  • 4235