Du lịch không để lại “dấu chân carbon”

Nhận thức về Net Zero không phải quá mới mẻ nhưng lại mang tính thời sự trong hoạt động du lịch. Bản chất thực hành du lịch Net Zero là xoay quanh câu chuyện giảm rác thải, giảm khí thải và trung hòa carbon, tức là du lịch không để lại “dấu chân carbon”...

Theo Tạp chí khoa học Nature Climate Change, lượng khí thải carbon trong du lịch dự báo có thể đạt 6,5 tỷ tấn vào năm 2025, chiếm khoảng 13% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Do đó, vai trò quan trọng của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và lữ hành là thúc đẩy các hành động tích cực nhằm khôi phục tự nhiên; đồng thời, thông qua giải pháp giảm phát thải để đạt được mục tiêu Net Zero.

Ảnh minh họa 

Mới đây, tại tỉnh Bến Tre, 15 cuốn “hộ chiếu xanh” đã được trao cho du khách tham gia trải nghiệm sản phẩm du lịch “Net Zero Tours Bến Tre”. Ý tưởng được triển khai và thực hiện bởi Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T, phối hợp cùng Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp. Trong suốt chuyến đi, du khách sẽ được phát một quyển sổ nhỏ và một cây bút chì để ghi chép thông tin về các sản phẩm mình đã sử dụng. Họ sẽ biết rõ sản phẩm nào góp phần làm tăng hoặc giảm lượng phát thải carbon, từ đó có thể bù đắp ngay trong hành trình hoặc lựa chọn phương án bù đắp tối ưu sau chuyến đi.

Không chỉ Bến Tre, nhiều địa phương khác cũng bắt đầu triển khai một số “tour xanh”, như tour thám hiểm hang động tại Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), tour khám phá chùm đảo hoang sơ “Tứ Bình” tại Khánh Hòa, tour xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo), tour du lịch dọn sạch bãi biển tại Vân Đồn (Quảng Ninh), tour du lịch canh nông ở Trà Vinh, tour du lịch tắm rừng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Đồng Nai…

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings, cho biết chương trình Go Green được Vietravel triển khai từ năm 2013 tại khắp các tỉnh thành, bắt đầu từ những việc làm nhỏ như phát túi ni lông tự hủy cho du khách trên các hành trình tour; dọn vệ sinh, thu gom rác tại các điểm du lịch... Thời gian gần đây Công ty này cũng triển khai đo “dấu chân carbon”, tức là đo mức độ phát thải khí nhà kính của mỗi khách du lịch từ khâu vận chuyển, lưu trú, ăn uống... cho đến các hoạt động vui chơi, giải trí... Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất để giảm phát thải.

Tương tự, để giảm tác động môi trường, ông Lukasz Kozlowski, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty tour MakeYourAsia, cho biết Công ty đã tiếp cận từ những thay đổi nhỏ như việc mỗi ngày phát cho khách tối đa 2 chai nước suối. “Chúng tôi muốn giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách hạn chế cung cấp nước đóng chai và khuyến khích khách tiếp nước lại tại các điểm đến”, ông phát biểu tại phiên tọa đàm thuộc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2024 (GEFE 2024).

Gần đây, các sáng kiến mới tiếp tục ra đời. Đầu tháng 10/2024, ông Alex Schoell, Tổng quản lý Renaissance Riverside Hotel Saigon, cho hay đã hợp tác với startup tái chế rác PLASTICPeople để “tái sinh” đồ nhựa dùng một lần thành vật dụng dùng trong chính các nhà hàng và quầy bar của khách sạn như lót ly, biển báo. Trong lĩnh vực lưu trú, Mekong Riverside Boutique Resort & Spa đang tận dụng thủy triều lên để bơm nước thay vì sử dụng điện. Không dùng điện lưới vào giờ cao điểm 17h - 21h mà thay vào đó sử dụng điện năng lượng mặt trời. Hệ thống giặt của khách sạn hoạt động lúc 12h đêm để tránh quá tải...

Tại hội thảo “Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty du lịch Oxalis, nhận định: “Muốn giảm phát thải ra môi trường, bước đầu tiên cần đánh giá xem công ty, sản phẩm của mình phát thải bao nhiêu. Bước hai là đưa ra giải pháp giảm phát thải trong nội tại doanh nghiệp; bước ba là tìm cách giảm phát thải cho đối tác, nhà cung ứng rồi sau đó mới tính đến chuyện mua tín chỉ carbon để trung hòa,” ông Châu Á nói. Vị CEO này nhấn mạnh, không chỉ khách cao cấp mà cả khách du lịch bình thường cũng sẵn sàng trả tiền cao hơn nếu sản phẩm làm tốt vấn đề môi trường, giảm phát thải...

Link gốc


  • 13/11/2024 09:16
  • Theo Vneconomy
  • 1529