Dự án truyền tải điện đầu tiên được giao cho tư nhân xây dựng

Tại Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 3/4/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy điện mặt trời (tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Đây là dự án truyền tải điện đầu tiên do tư nhân thực hiện.

 

Ảnh minh họa

Theo quyết định phê duyệt, nhà máy điện mặt trời sử dụng công nghệ pin quang điện, inverter trung tâm với quy mô công suất 450MW.

Đối với hạ tầng truyền tải: Xây dựng TBA 500kV Thuận Nam với quy mô công suất 3x900MVA. Năm 2020 lắp trước 2 máy biến áp 900MVA.

Xây dựng đường dây 500kV mạch kép từ TBA 500kV Thuận Nam đến điểm đấu nối chuyển tiếp 4 mạch trên đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, chiều dài 2 km. Xây dựng đường dây 500kV mạch kép từ điểm đấu nối đến về TBA 500kV Nhiệt điện Vĩnh Tân, chiều dài khoảng 13,5km. Mở rộng 2 ngăn lộ 500kV tại TBA 500kV Vĩnh Tân.

Xây dựng đường dây 220kV 4 mạch đấu nối thanh cái 220kV TBA 500kV Thuận Nam chuyển tiếp trên 2 mạch đường dây 220kV Vĩnh Tân - Tháp Chàm, chiều dài 2 km.

Việc đầu tư các công trình lưới điện truyền tải phải tuân thủ theo các quy định, quy chuẩn về an toàn công trình, đảm bảo chất lượng, đồng bộ, đảm bảo đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, giải phóng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong khu vực theo quy định của pháp luật.

Nhà đầu tư thực sau khi hoàn thành xây dựng dự án phải bàn giao công trình hạ tầng lưới điện truyền tải cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam/Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia quản lý, đồng thời không yêu cầu hoàn trả kinh phí đầu tư (hoặc bàn giao với chi phí 0 đồng) theo như cam kết tại văn bản của nhà đầu tư ghi ngày 20/3/2020. 

Ngoài ra, chủ đầu tư chịu trách nhiệm bồi thường chi phí cho EVN trong trường hợp không đảm bảo tiến độ hạ tầng truyền tải đúng cam kết, chi phí phải trả căn cứ theo quy định mua bán điện với chủ đầu tư dự án NMNĐ BOT Vân Phong 1.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Cường - Phó Trưởng Phòng Phát triển hệ thống điện (Viện Năng lượng), dưới góc độ làm quy hoạch điện, tư nhân có thể tham gia vào tất cả các khâu từ nguồn điện, truyền tải và đến phân phối kinh doanh điện. Nguồn điện do tư nhân đầu tư hiện nay chiếm tỷ trọng khoảng 28%. Trong tương lai, tỷ trọng này có thể cao hơn nữa nếu Chính phủ có chính sách phù hợp để tư nhân nhìn thấy lợi nhuận.

Về lưới điện truyền tải, tư nhân hoàn toàn có thể tham gia đầu tư xây dựng, bởi Nhà nước chỉ giữ độc quyền về vận hành lưới điện truyền tải. Tiềm lực của tư nhân rất mạnh, họ còn có thế mạnh là thời gian đầu tư nhanh do chủ động được về đàm phán bồi thường - giải phóng mặt bằng mà không bị ràng buộc như doanh nghiệp nhà nước.

Việc Nhà nước quản lý, giám sát vận hành hệ thống truyền tải điện sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch cho các thành phần tham gia thị trường điện. Còn việc tư nhân đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải hoàn toàn khả thi, do thiết kế hạ tầng điện truyền tải của Việt Nam hiện nay tương đối tốt; các đơn vị tư vấn, thiết kế thi công trong nước cũng đảm bảo năng lực. 

TS Nguyễn Mạnh Cường cũng cho rằng, khi tư nhân tham gia đầu tư các dự án truyền tải điện, cần lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực về vốn, con người, kinh nghiệm để dự án triển khai đúng tiến độ, chất lượng.


  • 08/04/2020 09:50
  • Huyền Thương
  • 8745