Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm: Mục tiêu đóng điện vào tháng 6/2016

Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm - Quảng Nam đang được triển khai với mục tiêu đóng điện muộn nhất vào tháng 6/2016. Ngoài sự nỗ lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Trung - chủ đầu tư, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là chính quyền và nhân dân địa phương.

Nỗ lực từng ngày
 
Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển cho đảo Cù Lao Chàm được Bộ Công Thương phê duyệt ngày 31/12/2014. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là cơ quan điều phối và Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) là chủ đầu tư.
 
Theo kế hoạch ban đầu, Dự án sẽ được hoàn thành đóng điện vào tháng 10/2015, tuy nhiên do không được bố trí vốn ngân sách trong năm 2015 nên EVN không có cơ sở để ứng vốn triển khai Dự án. Với mục tiêu phủ kín các “vùng lõm” – sớm đưa điện lưới quốc gia đến với các vùng sâu, vùng xa, các xã đảo nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn, biển đảo,  EVN và các đơn vị đã tích cực làm việc với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Ngày 1/6/2015, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có văn bản số 3388/BKHĐT-KTCN thống nhất đưa Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam bằng cáp ngầm vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 của EVN. Theo đó, EVN ưu tiên bố trí vốn trước để triển khai các công việc nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
 
Khác với các dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho đảo Cô Tô, Phú Quốc hay Lý Sơn, Dự án cấp điện cho đảo Cù Lao Chàm đi qua di tích văn hóa lịch sử, khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vì vậy, đòi hỏi các đơn vị thi công phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến đặc trưng văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên vốn có của xã đảo.
 
Hiện nay, các tuyến đường giao thông trên đảo rất hẹp, hầu hết không có vỉa hè, nhà cửa được xây dựng tập trung và nằm ngay sát mép đường. Điều này cũng gây nhiều khó khăn cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu khảo sát tuyến đường dây trung áp đấu nối từ điểm cuối tuyến cáp ngầm để cấp điện cho các trạm biến áp trên đảo, Ban Quản lý Dự án Điện nông thôn miền Trung (Ban QLDA ĐNT miền Trung) đã phối hợp với các đơn vị liên quan lựa chọn phương án thiết kế phù hợp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đất đai, cây cối hoa màu và nhà cửa của dân. Bên cạnh đó, Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng luôn quan tâm, chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng “sạch” cho nhà thầu thi công ngay sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu (dự kiến vào quý III/2015).
 

Một góc đảo Cù Lao Chàm, Quảng Nam - Nguồn: Internet

 
Đối với công trình Nhà điều hành sản xuất, Ban QLDA ĐNT miền Trung cũng đã phối hợp với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Hội An và UBND xã Tân Hiệp kiểm tra, đo đạc lập hồ sơ địa chính, cắm mốc ranh giới khu vực dự kiến xây dựng. Theo ông Lê Kim Hùng – Phó tổng giám đốc EVNCPC, hiện nay EVNCPC và Ban QLDA ĐNT miền Trung đang nỗ lực triển khai từng hạng mục của Dự án. Tuy nhiên, để Dự án được triển khai có hiệu quả rất cần sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền địa phương với mục tiêu đóng điện công trình vào tháng 6/2016. 
 
Háo hức chờ ngày đóng điện …
 
Cách TP Hội An 18 km về phía biển Đông, Cù Lao Chàm gồm 8 đảo nhỏ với tổng diện tích 15 km2. Với số dân gần 3.000 người, từ nhiều năm, đảo Cù Lao Chàm được cấp điện từ 3 tổ máy diezel (chia thành 2 trạm) với tổng công suất 660 kV, kết hợp với sử dụng năng lượng mặt trời. Mỗi ngày, người dân được sử dụng điện tổng cộng 9 tiếng, buổi trưa từ 11h – 13h và buổi chiều từ 18h – 24h. Việc cung cấp điện cho xã đảo do Tổ Quản lý điện Cù Lao Chàm (thuộc Công ty Môi trường đô thị Hội An) quản lý. Để người dân có thể sử dụng điện với 3 mức giá hỗ trợ: 2.000 đồng/kWh (cho 15 kWh đầu tiên), 2.600 đồng/kWh (cho 15 kWh tiếp theo) và 3.200 đồng/kWh (từ kWh thứ 31 trở đi), hàng năm TP Hội An phải bù lỗ trên 2 tỷ đồng. Vì vậy, người dân đảo Cù Lao Chàm luôn mong mỏi sớm được sử dụng điện lưới quốc gia, với giá thành bằng giá bán điện trên đất liền. 
 
Cụ Nguyễn Tấn Cả - một ngư dân trên đảo chia sẻ: “Từ khi Nhà nước có chủ trương, các cơ quan chức năng và ngành Điện không quản nắng mưa hàng ngày kiểm tra, đo đạc, xác định các vị trí để đưa điện ra xã đảo. Tôi hiểu rằng, ước mơ bao đời nay của người dân Cù Lao Chàm sắp trở thành hiện thực. Có điện, chắc chắn cư dân chúng tôi sẽ thoát nghèo”.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn An – Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết: “Là một di tích văn hóa lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An, Cù Lao Chàm quanh năm có khí hậu mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và tài nguyên yến sào. Tuy nhiên, do thiếu điện và nguồn điện hiện có không ổn định, người dân chưa khai thác hết các tiềm năng vốn có của xã đảo. Việc đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cù Lao Chàm được xem là động lực thúc đẩy các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển, từng bước cải thiện cuộc sống người dân trên đảo. Vì vậy, mọi người đang háo hức mong chờ từng ngày đóng điện”. Cũng theo ông Hiệp, chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện để ngành Điện triển khai các hạng mục của Dự án, sớm đưa điện lưới quốc gia ra xã đảo để người dân được sử dụng điện 24/24 giờ. 
 
 
Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm:
 
- Cơ quan chủ quản: Bộ Công Thương
- Cơ quan điều phối Dự án: Tập đoàn Điện lực Việt Nam
- Chủ đầu tư: Tổng công ty Điện lực miền Trung
- Đơn vị quản lý Dự án: Ban Quản lý Dự án Điện nông thôn miền Trung
- Tổng mức đầu tư: 484,8 tỷ đồng, trong đó:
+ Vốn ngân sách Trung ương: 85%
+ Vốn của Tổng công ty Điện lực miền Trung: 15% 
- Phạm vi và quy mô đầu tư:
+ Ngăn xuất tuyến 22 kV tại TBA 110 kV Hội An và đường dây 22 kV trên đất liền (TP Hội An).
+ Cáp ngầm 22 kV xuyên biển, chiều dài 15,48 km. 
+ Trên đảo Cù Lao Chàm: Xây dựng mới 7,685 km đường dây trên không 22 kV, 1 trạm cắt 22 kV, 6 TBA 22/0,4 kV và 11 km đường dây hạ áp 0,4 kV.
+ Xây dựng Nhà điều hành sản xuất trên đảo Cù Lao Chàm (diện tích 350 m2)
 
Một số mốc tiến độ của Dự án:
 
1. Phần ngăn xuất tuyến và đường dây trên không:
- Lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng vật tư thiết bị: tháng 11/2015
- Lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng xây lắp: tháng 12/2015
- Thi công, hoàn thành, nghiệm thu đóng điện: từ tháng 12/2015 – 5/2016
2. Phần cáp ngầm 22 kV xuyên biển:
- Lựa chọn nhà thầu EPC và ký hợp đồng: tháng 11/2015
- Chế tạo cáp, vận chuyển và bàn giao: tháng 4/2016
- Thi công lắp đặt cáp ngầm, đóng điện và nghiệm thu bàn giao: tháng 6/2016
3. Toàn bộ dự án: hoàn thành trong tháng 6/2016.
 
 


  • 13/10/2015 09:19
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 5509


Gửi nhận xét