Dự án Cao thế cấp điện cho Hà Nội: Gian nan giải phóng mặt bằng

Do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, sự chồng chéo, thiếu nhất quán trong quy hoạch đô thị, thủ tục cấp phép kéo dài đã khiến cho nhiều dự án cao thế cấp điện cho Thủ đô chậm tiến độ...

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có nhiều phương án tăng cường cung cấp điện, chống quá tải cho Hà Nội. Tuy nhiên, do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, sự chồng chéo, thiếu nhất quán trong quy hoạch đô thị, thủ tục cấp phép kéo dài đã khiến cho nhiều dự án cao thế cấp điện cho Thủ đô chậm tiến độ, cá biệt có dự án chậm tiến độ nhiều năm, gây ảnh hưởng lớn đến công tác cấp điện an toàn, ổn định cho Hà Nội.

Lưới điện 220 kV: Cấp điện theo giải pháp tình thế

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho Hà Nội, từ năm 2002, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai phương án tăng cường cung cấp điện, chống quá tải cho Thủ đô, với việc xây dựng đường dây 220 kV Hà Đông- Thành Công và lần đầu tiên đưa trạm 220 kV vào sâu nội thành. Các thủ tục đầu tư được triển khai theo đúng trình tự quy định và đã hoàn tất từ năm 2006, nhưng giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới công trình chưa thể thi công. Tháng 8/2008, Hà Tây và Hà Nội hợp nhất, đoạn đường dây đi qua tỉnh Hà Tây cũ đã hoàn tất thủ tục đi nổi, lại được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội yêu cầu chuyển sang ngầm hóa. Qua quá trình bàn bạc kéo dài nhiều năm, đến nay, Thành phố đã chấp nhận phương án 6,7 km đi nổi và 4,6 km đi ngầm thì Dự án 220 kV này vẫn chưa thể hoàn thành. Nguyên nhân vẫn là những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, sự phối hợp không đồng bộ giữa các ban quản lý các công trình hạ tầng khác nhau trên tuyến đường dây đi qua. Việc chậm trễ của đường dây 220 kV Hà Đông – Thành Công khiến Trạm 220 kV Thành Công đã thi công xong chưa thể đi vào vận hành.

Công trình trạm 220 kV Vân Trì, Đông Anh, Hà Nội cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Sau hơn 4 năm thi công, đến nay toàn bộ thiết bị trạm cơ bản đã hoàn thành, nhưng các tuyến đường dây đồng bộ với trạm là đường dây 220 kV Chèm - Vân Trì và Vân Trì - Sóc Sơn lại chưa được thi công do mặt bằng tuyến thay đổi, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng thay đổi sau khi Hà Nội được mở rộng.

Theo Quy hoạch điện VI thì năm 2010 các trạm và đường dây 220 kV Thành Công, Vân Trì, An Dương phải đi vào vận hành để đảm bảo cấp điện cho Hà Nội. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có dự án nào được hoàn thành theo đúng quy hoạch. Vì vậy, để đảm bảo cung cấp điện cho Hà Nội, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) đã phải triển khai các giải pháp chống quá tải như, nâng công suất các trạm 220 kV khu vực quanh Hà Nội là trạm Chèm, Mai Động, Hà Đông gấp 1,5 lần để đảm bảo cấp điện cho Hà Nội trong giai đoạn 2009 - 2011. Theo kế hoạch, quí 2 năm nay, NPT sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp đường dây 220 kV Mai Động - Thường Tín bằng dây dẫn có tiết diện lớn hơn và khả năng truyền tải cao hơn. Nhưng để ổn định cấp điện cho Hà Nội giai đoạn 2012 – 2015, theo ông Trần Quốc Lẫm - Phó Tổng giám đốc NPT, nhất thiết các dự án 220 kV Thành Công, Vân Trì, An Dương và các trạm 220kV Xuân Mai, Sơn Tây và một số dự án liên quan khác cần sớm triển khai và đi vào vận hành.

Lưới 110 kV: Cùng chậm tiến độ

Mặc dù không căng thẳng như các dự án 220 kV, nhưng tình trạng khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thỏa thuận tuyến, hành lang tuyến, xác lập chỉ giới đường đỏ cho các dự án điện cao thế 110kV trong khu vực Hà Nội do Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội triển khai cũng đáng lo ngại. Ông Nguyễn Danh Duyên - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Lưới điện Hà Nội cho biết: Thực hiện các dự án trọng điểm và chống quá tải năm 2011, Ban Quản lý Dự án Lưới điện Hà Nội đang xây dựng mới 6 công trình cấp điện áp 110 kV. Cụ thể là: TBA 110 kV Trôi và nhánh rẽ; TBA 110 kV Linh Đàm và nhánh rẽ; TBA 110 kV Cầu Diễn và nhánh rẽ; TBA Bắc An Khánh và nhánh rẽ; TBA 110 kV Quang Minh và nhánh rẽ; TBA Mỗ Lao và nhánh rẽ.

Trong quá trình triển khai các dự án, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội đã gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể là: Việc xác định chính xác vị trí trạm và đường dây trên quy hoạch, quá trình xác định tuyến và xin cấp đất thường kéo dài. Kể cả khi đã xin được đất rồi thì quá trình thi công cũng không suôn sẻ  vì vấp phải sự bất hợp tác của người dân trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Trạm 110 kV Linh Đàm là một ví dụ. Sau nhiều tháng vận động trên loa phóng thanh, cả hệ thống chính quyền địa phương vào cuộc để thuyết phục người dân nhường đất cho dự án, phương án nâng giá đền bù trên cơ sở thực tế tại địa phương đã được Thành phố chấp nhận thì cũng chỉ có 5/21 hộ dân chịu nhận tiền để di chuyển. 17 hộ dân còn lại nhất quyết không nhận tiền đền bù và bàn giao đất cho Dự án. Để Dự án được triển khai, (dự kiến vào đầu tháng 4/2011) quận Hoàng Mai buộc phải tổ chức cưỡng chế để chủ đầu tư có mặt bằng thi công. Tình trạng khó khăn này xảy ra tương tự ở dự án 220 kV Tây Hồ (An Dương), Trạm 110 kV Trôi và nhánh rẽ. Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội đã nhiều lần báo cáo UBND nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án.

Và những kiến nghị…

Theo ông Duyên, việc các dự án cấp điện không được triển khai  đúng tiến độ thực tế đã ảnh hưởng đến hiệu quả các công trình cấp điện, gây khó khăn cho công tác đảm bảo an toàn, cung cấp điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của thành phố. Điều mong mỏi của ngành Điện hiện nay là có sự chung tay chia sẻ, sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các sở, ban ngành của Thành phố và nhận  được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo thành phố Hà Nội, tạo thuận lợi tối đa cho các đơn vị triển khai các dự án cấp điện. Thành phố cần ban hành cơ chế, đền bù hợp lý để người dân chấp nhận di dời, nhường đất cho dự án. Sau khi có quyết định giao đất, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong khâu giải phóng mặt bằng giúp cho ngành Điện có đất để triển khai dự án. Trong công tác quy hoạch điện, đề nghị Thành phố ưu tiên quỹ đất sạch cho hệ thống lưới điện đồng bộ, giảm bớt các thủ tục và thời gian xin cấp đất. Như vậy, việc cung cấp điện mới ổn định, nâng cao được độ tin cậy của lưới điện Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo.


  • 15/07/2011 04:06
  • Tạp chí Điện lực số 3/2011
  • 3681


Gửi nhận xét