Đốt rơm rạ hại ruộng đồng, hỏng lưới điện

Đến hẹn lại lên, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, bà con ở vùng nông thôn các tỉnh phía Bắc lại đốt rơm rạ ngay tại ruộng. Không chỉ tăng nhiệt độ, gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến quy trình vận hành lưới điện.

Tràn lan và ngang nhiên

Tuyến quốc lộ 21B, chạy qua địa phận các huyện Thanh Oai, Vân Đình, Ứng Hòa (Hà Nội) những ngày này mịt mù khói bụi do tập quán đốt rơm rạ sau khi thu hoạch xong vụ mùa. Cả tuyến đường như một trận giả với hàng chục đống rơm cao chót vót, ngổn ngang, đang cháy âm ỉ, khói nghi ngút bủa vây toàn bộ tuyến đường.

Phía trên là các đường dây điện chạy qua và ngay kế bên các đống rơm là những cây cột điện phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sức nóng của đám cháy rơm rạ. Việc đốt rơm rạ ngày mùa cũng diễn ra ngày càng phổ biến ở các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng: Dọc tuyến quốc lộ 10 từ Thái Bình sang tỉnh Nam Định, tuyến quốc lộ 1 từ Thường Tín, Phú Xuyên (Hà Nội) đến Hà Nam sang Nam Định, các tuyến quốc lộ chạy qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương.

Bác Hùng, một nông dân ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai nói: “Bây giờ trâu bò không nuôi, nhà nào cũng có bếp gas, bếp than hết rồi thì đun rơm làm gì. Đốt luôn ngoài đồng còn lấy tro để phục vụ cho vụ màu, tốt cho ruộng đất”.

Rất thản nhiên khi được hỏi về việc đốt rơm rạ ngay chân cột điện, bà Nguyễn Thị Mùi ở Nam Sách, Hải Dương trả lời: “Ruộng nhà tôi, rơm nhà tôi tôi đốt, ai cấm được tôi nào. Chúng tôi đốt đã bao nhiêu năm nay có thấy ảnh hưởng gì đến điện đâu. Với lại đầy người đốt ra đấy có ai bị phạt đâu”.

Vấn nạn đốt rơm rạ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy trình vận hành lưới điện     Ảnh: Xuân Tiến

Hiểu sai - làm sai

Trao đổi với phóng viên, GS Nguyễn Lân Dũng chuyên gia cao cấp Viện vi sinh vật và sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Rơm chứa hầu hết là chất hữu cơ, nếu vùi vào đất sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất. Tuy nhiên gần đây, trâu bò ít, lại chỉ có máy cày nhỏ, việc cày vùi không dễ dàng gì.

Bên cạnh đó, do thời vụ gối đầu, nên thời gian không đủ để phân hủy rơm rạ sau khi cày vùi. Hiện nay, nhiều nông dân hiểu nhầm việc đốt rơm rạ ra tro để bón ruộng là thay được rơm rạ đã phân hủy. Đây là nhận thức cực kỳ sai lầm. Khi bị đốt thành tro, các chất hữu cơ có trong rơm rạ do nhiệt độ cao sẽ biến thành chất vô cơ, làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng. Phần tro chỉ còn sót lại chút ít Phốt pho, Kali, Canxi và Silic..., không giúp ích mấy cho cây trồng.

Mình ngành Điện không đủ

Ông Vũ Văn Minh, Trưởng ban Thanh tra – An toàn (Tổng công ty Điện lực miền Bắc) cho biết: Việc đốt rơm rạ tạo ra chất đioxit cacbon, khi gần với đường dây điện làm nhiệt độ dây tăng cao, thời gian oxy hóa diễn ra nhanh hơn, tuổi thọ và chất lượng của dây sẽ giảm nhanh chóng. Nguy hiểm hơn, còn làm giảm cường độ cách điện, từ đó, dễ dẫn tới phóng điện các pha gây ra sự cố, làm hỏng kết cấu đường dây.

Theo ông Minh, việc xử phạt đối với các trường hợp này là rất khó, bản thân ngành Điện không có thẩm quyền để phạt, mà phải phối hợp với các cơ quan chức năng như chính quyền địa phương, công an, quản lý về môi trường,… Tuy nhiên, việc phối hợp này còn rất lỏng lẻo, hạn chế, đến nay, gần như chưa xử phạt trường hợp nào.

Vì vậy, bên cạnh việc ngành Điện tuyên truyền để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, cũng cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Các đơn vị có liên quan, đúng thẩm quyền, khi nhận được báo cáo của ngành Điện về những trường hợp đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến lưới điện, cần có thái độ kiên quyết và xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm. Đồng thời, các sở Nông nghiệp, Tài nguyên – Môi trường, Khoa học và Công nghệ cần hướng dẫn, tư vấn cho bà con hiểu đúng và có những biện pháp thích hợp vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn này, mà không gây tác hại đến môi trường và sức khỏ

GS Nguyễn Lân Dũng: “Trung bình một hecta lúa cho 10 - 12 tấn rơm rạ. Việc đốt lượng phế thải nông nghiệp khổng lồ này sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO, CO2, NO2, SO2, H2O, và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện. Hơn nữa, khói rơm rạ thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, làm người ta ho, hắt hơi, lợm giọng, buồn nôn, thở khò khè, hoặc có cảm giác ngạt thở... Đặc biệt, vào những ngày trời ẩm hoặc đứng gió, khói rơm khuếch tán chậm trong không khí còn gây tác hại dài ngày”.

Khoản 9, Điều 15, Nghị định 68/2010/NĐ - CP Quy định về việc xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Điện lực  quy định:

Phạt tiền từ 7.000.000 - 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Xếp, lưu giữ các chất dễ cháy, nổ, các chất hoá học có tính ăn mòn kim loại trong khu vực hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

- Xả chất thải có tính ăn mòn kim loại vào hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm.

 

 

 


  • 05/11/2012 09:11
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới Điện
  • 5236


Gửi nhận xét