Động lực chèo lái hành vi – Tìm ra động lực phát triển đúng đắn và bền vững

Cuốn sách "Động lực chèo lái hành vi" đã tạo nên một cuộc cách mạng trong cách các công ty thúc đẩy động lực làm việc của nhân viên, cách trường học giáo dục học sinh của mình và trong cách cá nhân tìm kiếm mục đích sống.

Cuốn "Động lực chèo lái hành vi" trình bày về 3 kiểu động lực thúc đẩy hành vi của con người, được chia thành 3 cấp độ:

Hệ 1.0 – động lực sinh học: con người hành động để thỏa mãn những nhu cầu cơ bản nhất như ăn, uống, ngủ, nghỉ...

Hệ 2.0 – động lực ngoại vi: làm tốt được thưởng, làm sai bị phạt như mô hình “cây gậy và củ cà rốt”

Hệ 3.0 – động lực nội tại: xuất phát từ ba nhu cầu sâu sắc hơn của con người là quyền tự trị, quyển làm chủ và ý nghĩa cuộc sống.

Bằng việc trình bày sự tiến hóa từ 1.0 lên 2.0, những nhược điểm xung quanh hệ thống 2.0, lí do mà nó trở nên lỗi thời, tác giả giải thích những ưu điểm của hệ thống 3.0 và đưa ra những chiến thuật để áp dụng hệ 3.0 vào cuộc sống.

Cuốn sách "Động lực chèo lái hành vi"

Các bài học từ cuốn sách "Động lực chèo lái hành vi"

Từ buổi sơ khai của thế giới loài người, chúng ta hoạt động chủ yếu vì động lực 1.0, tức lao động để có thức ăn, chỗ trú ngụ và giao cấu để duy trì nòi giống. Điều duy nhất con người cần bận tâm là hôm nay anh ta có còn sống hay không, và nên làm gì để tiếp tục duy trì sự sống ấy.

Thời đại công nghiệp hóa để gây ra sự chuyển đổi trong động lực của con người. Chúng ta không còn làm việc chỉ để duy trì sự sống mà còn để nhận được phần thưởng và tránh bị xử phạt bởi người quản lý cấp trên của mình. Động lực 2.0 được coi là động lực ngoại lai bởi nó hoàn toàn dựa vào phần thưởng và sự trừng phạt của bên thứ 3 – đó là lí do hệ động lực này được gọi là cây gây và củ cà rốt.

Người sử dụng lao động áp dụng chiến lược cây gậy & cà rốt để thúc đẩy những hành vi mà họ mong muốn. Nếu muốn được tăng lương, nhân viên sẽ làm việc nhiều hơn, năng suất hơn và tốc độ hơn. Trái lại, khi không tuân theo luật lệ chung, nhân viên sẽ bị cảnh cáo, bị trừ lương. 

Loại động lực thứ ba – động lực hệ 3.0 – hay còn gọi là động lực nội tại. Khi một người tìm thấy công việc người ấy yêu thích, họ sẽ tự động làm việc mà không cần phần thưởng. Ví dụ, người ta chủ động đăng công thức nấu ăn mình yêu thích lên mạng để chia sẻ, hay dự án Wikipedia đến nay vẫn hoạt động sôi nổi bởi những tình nguyện viên tự động chia sẻ kiển thức của mình.

Những người tìm thấy động lực nội tại sẽ tự quyết định mình nên làm gì và làm vào thời điểm nào. Họ cũng rất có trách nhiệm với công việc mình làm. Không cần có một thế lực nào trao thưởng hay xử phạt họ, họ tự nguyện làm việc mà không cần đòi hỏi gì.

Tác hại của phương pháp cây gậy & cà rốt

Phương pháp cây gậy và cà rốt có thể hiệu quả với các công việc lặp đi lặp lại, giải thưởng sẽ khiến cho nhân viên làm việc hiệu quả hơn, tập trung hơn và cho ra năng suất cao hơn. Nhưng ngược lại, đối với những công việc đòi hỏi sự sáng tạo, kỹ năng chuyên môn, phương pháp này có thể dẫn đến hành vi thiếu trung thực do phần thưởng hấp dẫn, hoặc bị hình phạt che mờ đi tư duy, làm cùn sự nhanh trí.

Phương pháp cây gậy và cà rốt cũng có thể triệt tiêu động lực nội tại. Hãy nhớ lại ngày còn nhỏ, chúng ta rất thích khám phá, tìm hiểu và giúp đỡ người khác, đó là mong muốn từ bên trong của chúng ta.

Nhưng khi lớn lên, do các tác động từ bên ngoài xã hội, chúng ta đã bị lập trình thành những người hoạt động vì động lực ngoại lai: nếu muốn ta làm việc, hãy thưởng ta thật nhiều; nếu muốn ta giúp người, ta sẽ được lợi gì từ việc giúp đỡ đấy? Càng lớn, nhu cầu khám phá, làm việc và giúp đỡ người khác của chúng ta càng giảm dần.

Cách kích hoạt động lực nội tại

Nhiều người nghĩ rằng họ chỉ được sinh ra với ngần ấy kĩ năng, họ không thể cải thiện hoặc đẩy bản thân tới một nấc cao hơn của sự phát triển. Những cá nhân này hiếm khi nhận được lời khích lệ và họ làm việc giống như được lập trình. Để kích hoạt các cá nhân này, cấp trên của họ cần thể hiện nhiều hơn sự tin tưởng và khuyến khích. Được nâng đỡ bởi những lời động viên và trao cho sự tin tưởng, họ sẽ đến công ty với nhiệt huyết và đam mê vì họ có cảm giác mình được làm chủ, được tự do.

Quyền tự quyết trong công việc cũng giúp chúng ta làm việc tận tâm hơn rất nhiều. Sách "Động lực chèo lái hành vi" lấy ví dụ, tại trung tâm chăm sóc khách hàng Zappos, các nhân viên được tự do làm việc tại nhà, không có áp lực các quản lý và có thể tư vấn khách hàng theo phong cách họ thích. Kết quả là họ tìm thấy động lực làm việc sâu sắc hơn, ở lại công ty lâu hơn và chất lượng dịch vụ cũng được cải thiện đáng kể.

Việc có một mục tiêu to lớn trong đầu cũng cho con người những nguồn cảm hứng khổng lồ và thúc đẩy họ làm việc nhiệt tình, sáng tạo hơn. Thay vì chăm chăm vào kiếm tiền, những người theo đuổi ý nghĩa cuộc đời sẽ mong muốn mình làm được những điều có ích cho xã hội – họ cảm giác như được bơm năng lượng sống mỗi ngày.

Link gốc


  • 23/08/2023 06:12
  • Theo https://revisach.com/
  • 4635