Đóng góp ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013

Trong phiên thảo luận tại Hội trường đóng góp ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình Kinh tế - Xã hội năm 2013, ĐBQH Phan Văn Quý đã có bài phát biểu tập trung vào 2 nội dung là Quốc phòng và đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp. evn.com.vn xin giới thiệu chi tiết bài phát biểu:

ĐBQH Phan Văn Quý phát biểu đóng góp ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình Kinh tế - Xã hội năm 2013 và Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2014

Kính thưa: Đoàn Chủ tịch

Kính thưa: Quốc hội

Tôi nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình Kinh tế - Xã hội năm 2013 và Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2014; Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đến hết năm 2015.

Sau đây, tôi xin nhấn mạnh thêm 2 nội dung:

- Về Quốc phòng
 
- Về đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp
 
1. Về Quốc phòng:
 
Đây là lĩnh vực nhiều cử tri quan tâm, có cử tri lo lắng. Nhưng theo nhiều nguồn thông tin tin cậy và ý kiến của một số vị tướng lĩnh quân đội thì tiềm lực Quốc phòng hiện nay của đất nước ta thực sự đã được tăng cường, từng bước hiện đại, có một số lĩnh vực phát triển vượt bậc. Chúng ta ấn tượng khi chứng kiến các phi đội Su hiện đại xuất kích, hàng dàn tên lửa S300 vươn mình và lữ đoàn tàu ngầm Ki lô hiện đại góp phần bảo vệ vùng biển, vùng trời, đất liền và hải đảo của đất nước.
Theo đánh giá của một số chuyên gia quân sự nước ngoài, trong một số lĩnh vực quốc phòng, chúng ta xếp ở vị trí nhất nhì của khu vực, còn về nghệ thuật quân sự thì chúng ta đứng trong tốp đầu của thế giới. Là người Việt Nam, chúng ta tự tin và tự hào về điều đó.
Đúng như Báo cáo đã khẳng định “Trong những năm qua, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố, chủ quyền an ninh chính trị của đất nước được giữ vững”. Cùng với chính sách đối ngoại rộng mở, nhiều hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trên các diễn đàn Quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế của đất nước.
 
2. Về đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp:
 
Đây là nhiệm vụ quan trọng mà Báo cáo đã nêu. Trong 5 năm qua đã xảy ra 2 cuộc khủng hoảng kinh tế lớn của thế giới, đó là cuộc khủng hoảng tài chính và nhà đất từ Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ công của Châu Âu đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta. Trước thực tế đó, Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách và nhóm giải pháp để đối phó và vực dậy nền kinh tế. Chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng và 3 đột phá chiến lược là những giải pháp đồng bộ, đang từng bước triển khai có hiệu quả.
 
Tuy vậy, sức khỏe của doanh nghiệp qua 2 cuộc khủng hoảng vẫn chưa được cải thiện nhiều, hàng tồn kho vẫn lớn, nợ xấu của các ngân hàng thương mại vẫn cao.
Tôi nhất trí với các giải pháp của Chính phủ đã đề ra, chẳng hạn như: Năm 2013, 2014 nâng bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% và từ 2015 thì giảm dần. Đây là giải pháp tình thế nhưng rất khoa học, phù hợp với thực tế. Số tiền này chỉ bằng một phần nhỏ của 2 đợt kích cầu lần trước, sẽ không thể làm tăng lạm phát, nhưng sẽ giải quyết dứt điểm được các dự án, công trình dang dở, tạo ra hiệu quả của đồng vốn đã đầu tư ban đầu, tạo thêm doanh thu cho doanh nghiệp và việc làm cho người lao động.
 
Để thực hiện các giải pháp của Chính phủ đã đề ra, theo tôi cần tăng thêm các biện pháp để đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp như:
 
(1) Cần có rào cản kỹ thuật phù hợp với quy định quốc tế để các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều điều kiện tham gia cạnh tranh trên thị trường và có nhiều cơ hội thắng thầu trong các dự án, công trình có vốn ngoại.
 
(2) Cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên danh để thực hiện các dự án, công trình lớn để từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.
 
(3) Cần thành lập Hội nội địa hóa để tạo ra sự liên kết các nhà sản xuất, chế tạo trong nước dần dần cạnh tranh ra thị trường nước ngoài, tạo nhiều việc làm cho lao động trong nước.
 
(4) Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đã có điều kiện và thế mạnh để đầu tư, xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, nhưng Nhà nước cũng cần yêu cầu một số doanh nhiệp trong nước đột phá trong các khâu mà nền kinh tế đang cần như sản xuất thiết bị phụ trợ, hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ để tiến tới làm chủ công nghệ, tự sản xuất để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
 
(5) Là một doanh nhân, tôi đề nghị các cơ quan quản lý, các đơn vị truyền thông cần chia sẻ với doanh nghiệp, doanh nhân; đặc biệt doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ khủng hoảng. Chẳng hạn, vừa qua một số báo đăng tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hạch toán chi phí xây dựng nhà ở, biệt thự, sân tennis vào giá điện. Về vấn đề này, tôi đã tìm hiểu và tham khảo ý kiến của một đồng chí lãnh đạo Ban Kinh tế của Quốc hội thì thấy rằng thông tin này thiếu tính chính xác. Nhưng rất tiếc, nó đã tạo ra dư luận không tốt về doanh nghiệp, doanh nhân.
 
Có một thời, báo chí đã từng ca ngợi: “Doanh nhân là người lính của thời bình”. Hy vọng rằng, sự thấu hiểu về doanh nghiệp, doanh nhân, thông tin minh bạch về doanh nghiệp, doanh nhân cũng là việc làm thiết thực góp phần thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát triển.
 
Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Phan Văn Quý


  • 05/11/2013 11:58
  • Theo http://www.thaibinhduong.vn/
  • 2729


Gửi nhận xét