Đóng điện dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Nghệ An: Dù mưa, dù rét

Ông trời như luôn muốn thử lòng người. “Lễ đóng điện Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Nghệ An”, diễn ra vào ngày 5/12/2015, trời mưa to, rét buốt thấu xương. Nhưng dường như điều đó không làm giảm đi không khí náo nhiệt, háo hức của người dân xã miền núi Diên Lãm, huyện Quỳ Châu. Bởi Tết này, bản làng quê nghèo đã bừng sáng...

Trong cái bụng rất vui”
 
Từ Quốc lộ 1A, đi về phía Tây Nghệ An, vượt qua chặng đường đèo hiểm trở, chúng tôi có mặt tại xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu lúc 7 giờ sáng. Mưa, rét căm căm, nhưng tại Trường THCS Hoàn Lãm (xã Diên Lãm) - nơi diễn ra Lễ đóng điện Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Nghệ An, người dân đã có mặt đông đủ từ sáng sớm, mặc dù, theo kế hoạch, hơn 9h giờ buổi lễ mới bắt đầu. Với người dân Diên Lãm, hôm nay là một ngày trọng đại, ngày ngành Điện biến ước mơ ngàn đời của họ thành hiện thực. 
 
“Hôm qua còn tạnh ráo, hôm nay mưa lớn đã đổ về, kèm theo gió mùa Đông Bắc rét buốt. Dù vậy, thời tiết vẫn không thể ngăn được bước chân của bà con trong xã” - ông Võ Minh Ngọc - Chủ tịch UBND xã Diên Lãm hồ hởi cho biết.
 
Nằm cách trung tâm huyện hơn 35km, Diên Lãm là một trong những xã khó khăn nhất của huyện miền núi Quỳ Châu, với trên 80% dân số là người dân tộc Thái và 50% gia đình thuộc diện hộ nghèo. Người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, làm nương rẫy. Do địa hình hiểm trở, phần lớn là đồi núi, nên người dân chưa được sử dụng điện lưới. “Trước đây, đa số các gia đình trong xã đều dùng đèn dầu. Nhà nào có điều kiện thì mua máy phát điện diezel hoặc mua tuabin đặt ở các khe suối làm thủy điện nhỏ. Tuy nhiên, việc mua máy phát điện cũng như lắp đặt tuabin phát điện rất tốn kém và dòng điện rất yếu, không ổn định”, ông Ngọc cho biết thêm. 
 
Chị Vi Thị Lý (bản Cháo) chia sẻ: “Bình thường trời mưa, rét không phải đi nương, đi rẫy, gia đình tôi sẽ dậy muộn hơn. Nhưng ngay từ hôm qua, ai cũng hồi hộp, chỉ mong trời nhanh sáng để chúng tôi đến dự Lễ đóng điện. Do đó, ngay từ sáng sớm, tôi đã cùng con trai đến đây “tranh chỗ”.
 
Chị Lý nói “tranh chỗ” cũng không ngoa, bởi dù còn khá lâu mới đến thời điểm đóng điện, nhưng chỗ ngồi trong hội trường đã chật kín. Một số bà con phải đứng ở hành lang; thậm chí, những người đến muộn hơn, phải che ô đứng ở cánh gà Hội trường. Nhưng với họ, cái mưa, cái rét của ngày hôm nay cũng chẳng có gì đáng ngại, bởi vì “trong cái bụng của chúng tôi rất vui”-  ông Quang Văn Dần, bản Xốp Hốc chia sẻ.
 
Tranh thủ thời gian chờ lễ đóng điện chính thức diễn ra, ông Dần dẫn chúng tôi về nhà khoe cái nồi cơm điện còn mới cứng. “Tôi vừa tranh thủ xuống thị trấn mua về hôm qua đấy. Biết bao nhiêu năm nấu cơm bằng bếp củi, giờ điện về rồi, nấu cơm bằng điện sẽ tiện hơn, ngon hơn”.
 
Ông Dần cho biết thêm, trước đây, nhà tôi mua tuabin đặt ở khe suối cách nhà khoảng 1 km để phát điện. Nhưng điện yếu, chỉ thắp được bóng đèn, mùa hè thỉnh thoảng mới dùng được quạt điện. Vào mùa mưa, nước nhiều còn đỡ chứ vào mùa khô, cả gia đình lại quay về cảnh đèn dầu. Khổ lắm”.
 

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, lãnh đạo EVN cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Nghệ An

 
Hứa hẹn nhiều đổi thay
 
Ông Võ Minh Ngọc cho biết: “Có điện lưới quốc gia, bà con ở đây vui mừng và cảm ơn Đảng, Nhà nước; cảm ơn ngành Điện nhiều lắm. Điện sẽ giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Diên Lãm ”.
 
Điện về, người dân Diên Lãm ấp ủ biết bao dự định phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo. Là một trong những gia đình được coi là khá giả của xã, anh Quang Văn Lý (bản Xốp Hốc) cho biết, anh làm nghề lái xe, còn vợ ở nhà làm nương rẫy và xay xát ngô lúa cho bà con trong bản. Tuy nhiên, máy chạy bằng dầu, mỗi lần khởi động phải quay tay mệt lắm, sức phụ nữ không kham nổi. Mỗi khi anh vắng nhà, vợ cũng không thể xay xát cho khách. “Có khi tôi đi 4-5 ngày mới về, có gia đình chờ được, còn có người cần gấp, phải đi chỗ khác, dần dần mất khách. Bây giờ có điện thì thuận lợi hơn rất nhiều. Tôi sẽ mua thêm cái môtơ điện, vợ ở nhà chỉ cần cắm điện là xay xát được cho bà con”, anh Lý cho hay. 
 
Anh Bùi Văn Nghị (bản Xốp Hốc) cho biết, anh sẽ bàn bạc với các con, vay thêm vốn ngân hàng mở cửa hàng tạp hóa, bán các thiết bị điện. Có điện, Tết Bính Thân sắp đến, nhu cầu về đồ điện của người dân trong xã chắc sẽ tăng mạnh.
 
Quay sang tôi, ông Quang Văn Dần nhỏ nhẹ “Trước mắt, tôi sẽ sắm cái tivi, đầu đĩa và đèn nháy trang trí, chuẩn bị đón Tết. Về lâu dài, xem các chương trình trên tivi sẽ giúp tôi tiếp cận được với các nguồn thông tin, đặc biệt là các mô hình làm nông nghiệp, học hỏi được kinh nghiệm. Chúng tôi ở vùng cao, cán bộ nông nghiệp không thể xuống hướng dẫn thường xuyên được. Xem và học hỏi qua tivi cũng là một cách hay”. 
 
Với người dân xã Diên Lãm, có điện vào dịp này càng đặc biệt ý nghĩa, khi Tết Nguyên đán Bính Thân đang cận kề. Năm nay, các dân tộc anh em nơi đây sẽ có một cái Tết “xôm” hơn, vui hơn và nhộn nhịp hơn.
 
Tạm biệt người dân Diên Lãm trong tiếng reo hò vang dội và ánh điện bừng sáng. Trong các gia đình, tiếng nhạc, tiếng tivi cùng ánh đèn nhấp nháy , báo hiệu một sự khởi đầu mới tốt đẹp, cuộc sống người dân nơi đây bước sang thời kỳ mới... 
 

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): “EVN cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực, hoàn thành giai đoạn 1 Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Nghệ An trong tháng 12/2015, cấp điện cho các hộ dân tại 16 xã, đưa số xã có điện trên địa bàn tỉnh đạt 100%. Tiếp đó, hoàn thành giai đoạn 2 của Dự án, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con đồng bào các dân tộc tỉnh Nghệ An”.

Ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Tôi đánh giá cao và cảm ơn sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm của EVN, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Nghệ An và các bên liên quan khi vượt qua nhiều khó khăn, thách thức triển khai Dự án đúng tiến độ, chất lượng, đưa điện về với bà con các xã vùng sâu, vùng xa. Mong rằng, ngành Điện sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả giai đoạn 2 Dự án.

Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Nghệ An:
- Chủ đầu tư: Tổng công ty Điện lực miền Bắc
- Vốn đầu tư: Gần 800 tỷ đồng.
- Xây dựng 203 trạm biến áp, 682 km đường dây trung thế, 415 km đường dây hạ thế (0,4 kV).
- Lắp đặt 18.218 công tơ.
- Thực hiện trong hai giai đoạn:
+ Từ năm 2014-2016: Cấp điện đến trung tâm 16 xã (trong đó có 12 xã biên giới), với 41 thôn, bản và 4.265 hộ dân, với tổng mức đầu tư hơn 206 tỷ đồng.
+ Từ năm 2016-2020: Thực hiện các hạng mục còn lại với tổng giá trị gần 576 tỷ đồng.
 
 


  • 01/02/2016 02:22
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 5328


Gửi nhận xét