Đón đầu thị trường điện mặt trời

Song hành cùng Việt Nam trên đường phát triển năng lượng tái tạo, GE đã giới thiệu những giải pháp công nghệ mới, tiên tiến hơn, góp phần khai phá tiềm năng điện mặt trời ở Việt Nam.

Thị trường nhiều triển vọng

Kinh tế phát triển nhanh, Việt Nam đang đứng trước sức ép về nhu cầu năng lượng. Tuy đang sử dụng các nguồn tài nguyên truyền thống như than, thủy điện và khí để sản xuất điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhưng về lâu dài, Việt Nam đang phải hướng tới xây dựng cơ cấu năng lượng cân bằng thông qua phát triển năng lượng tái tạo, trong đó, năng lượng mặt trời đang có lợi thế khi giá bán thiết bị công nghệ giảm mạnh và xu hướng chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo đang mở rộng trên thế giới.

Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng điện mặt trời rất lớn, tương đương với các nước trong khu vực có thị trường năng lượng mặt trời phát triển như, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines hay những thị trường truyền thống như: Ý và Tây Ban Nha. Cụ thể, tổng số giờ nắng của Việt Nam khoảng 1.600 - 2.700 giờ/năm và bức xạ mặt trời bình quân hàng năm đạt khoảng 4 - 5 kWh/m2/ngày. 

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) cũng xác định việc ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời, sẽ nâng công suất đặt  từ 6 - 7 MW năm 2017 lên khoảng 850 MW vào năm 2020 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030, tương đương với 1,6% và 3,3% tổng công suất nguồn điện.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời. 

Tháng 4/2017, Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ- TTg  về phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó, quy định, giá mua điện là 9.35 UScent/kWh. Đến tháng 9/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT hướng dẫn chi tiết các quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Việc ban hành giá mua điện mới và Hợp đồng mua bán điện mẫu đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút đầu tư tư nhân vào thị trường điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam. 

Với chính sách hỗ trợ, thị trường điện mặt trời tại Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang tích cực xây dựng kế hoạch phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Bước tiếp theo là lựa chọn công nghệ phù hợp để hiện thực hóa các dự án đó.

GE đón đầu thị trường điện mặt trời 

Lợi thế công nghệ 1,5 kV

Bộ nghịch lưu năng lượng (PV Inverter) là thiết bị biến đổi điện một chiều (DC) từ năng lượng mặt trời thành điện xoay chiều (AC) hòa trực tiếp với lưới điện quốc gia. 

GE đã tập trung cải tiến công nghệ của bộ nghịch lưu bằng việc tăng điện áp, từ đó, sản xuất ra nhiều điện năng hơn trên mỗi mét vuông. Nhờ đó, các trang trại điện mặt trời có thể hoạt động hiệu quả trên diện tích nhỏ hơn, với yêu cầu đầu tư về kết cấu hạ tầng thấp hơn. Bộ nghịch lưu công nghệ 1 kV được sử dụng khá phổ biến một vài năm trước đây, nay được thay thế dần bằng bộ tiêu chuẩn 1,5 kV do GE sản xuất và lần đầu tiên ra mắt vào năm 2012.

Khi kết hợp với tấm pin năng lượng mặt trời công suất 330 Wp, bộ nghịch lưu 1,5 kV sẽ giảm 3% chi phí hệ thống và 15% chi phí hoạt động. Nhờ hiệu quả rõ rệt cộng với chi phí cạnh tranh thấp, công nghệ 1,5 kV của GE được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới, dần dần thay thế bộ tiêu chuẩn 1 kV. Những dự án đầu tiên ứng dụng công nghệ 1,5 kV là các quốc gia châu Á như: Nhật Bản và Ấn Độ. Hiện nay, các nhà đầu tư sử dụng công nghệ 1,5 kV phát triển điện năng lượng mặt trời nhằm giảm chi phí và tăng lợi tức đầu tư.

Cùng với những tiến bộ phần cứng trong sản xuất điện mặt trời, cơ hội ngày càng mở rộng trong thế giới Internet kết nối vạn vật (IoT). 

Nhờ vào những tri thức kỹ thuật số và các phân tích Big Data theo thời gian thực, năng suất và hiệu năng điện mặt trời trong tương lai sẽ được định hình rõ ràng hơn, từ tự động hóa, tối ưu việc bảo trì được tiên đoán trước cho đến giám sát tất cả các phần cứng trong nhà máy năng lượng mặt trời. Từ đó, chi phí và thời gian mất điện sẽ được giảm đi, đồng thời tăng hiệu suất hoạt động. Đây chính là lợi thế bởi trong ngành này, chỉ cần một bộ phận bị hư sẽ kéo theo nhiều ngày trì trệ, giảm sản lượng điện.

Thị trường điện mặt trời phát triển nhanh đi kèm với sự phức tạp của các nhà máy do quy mô ngày càng lớn và thách thức về sự ổn định của lưới điện. Các nhà khai thác, chủ sở hữu, nhà đầu tư và nhà phát triển dự án đang tìm cách để giảm thiểu rủi ro và đem lại lợi nhuận cao nhất. 

Đó là lý do vì sao ngành năng lượng mặt trời đang phát triển các hệ thống tích hợp và đây cũng là cách tiếp cận chính của GE đối với toàn bộ hệ sinh thái nhà máy điện nối lưới. 

Hiện nay, GE đang đàm phán với khách hàng, thực hiện hợp đồng theo phương thức “chìa khóa trao tay” tối ưu cho dự án, từ các tấm pin năng lượng mặt trời đến trạm biến áp HV, bao gồm các tấm pin PV, bộ nghịch lưu, hệ thống cân bằng, hệ thống giám sát điều khiển SCADA, tuân thủ tiêu chuẩn kết nối lưới điện và kết nối trạm biến áp. GE cũng làm việc với các công ty trong nước để cung cấp hợp đồng tổng thầu EPC hoàn thiện cho các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam. GE còn cung cấp thêm dịch vụ dịch vụ kỹ thuật số linh hoạt cho phép đảm bảo hiệu suất lâu dài.

 Mở ra cơ hội mới

Tương tự Việt Nam, Dubai thuộc Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là một trong những nơi phát triển điện năng lượng mặt trời hiệu quả nhất, với nguồn ánh sáng năng lượng mặt trời dồi dào. GE đang giúp Cơ quan Nước và Năng lượng Dubai xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời khổng lồ tại sa mạc Dubai.

Nhà máy Mohammed bin Rashid Al Maktoum Solar Park được phát triển với 3 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2030. Đây là dự án lớn nhất trong vùng, với công suất điện lên đến 5.000 MW. Giai đoạn II của Dự án sử dụng công nghệ của GE cho công suất điện lên đến 200 MW, đủ chiếu sáng cho hơn 30.000 hộ dân và giảm 250.000 tấn CO2 mỗi năm.

Tuy nhiên, nhiệt độ môi trường xung quanh tại Dubai có thể lên đến 50 độ C. Đây là trở ngại cho việc thiết kế sản phẩm chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy. Với thế mạnh của mình, GE đã nghiên cứu và cho ra đời bộ nghịch lưu hoạt động hiệu quả trong môi trường nhiệt độ cao.

Bộ nghịch lưu 1,5 kV còn cho phép nhà máy điện mặt trời thiết kế đơn giản hơn, yêu cầu về cơ sở hạ tầng thấp hơn so với các nhà máy ứng dụng công nghệ 1 kV. Nhờ vậy, nhà máy mặt trời giai đoạn ba sử dụng bộ nghịch lưu tiên tiến của GE dự kiến sẽ sản xuất điện với mức giá 2,99 cent/kWh, vượt qua các loại nhiên liệu truyền thống, trở thành năng lượng rẻ nhất ở Dubai.

Với công nghệ mặt trời tiên tiến và đáng tin cậy, GE đang giúp Dubai mở rộng năng lượng mặt trời hướng đến cơ cấu năng lượng cân bằng. GE cũng cam kết đưa công nghệ mới nhất và các giải pháp hay nhất để thúc đẩy thị trường năng lượng mặt trời Việt Nam trong thời gian sắp tới.


  • 14/02/2018 11:39
  • Theo TCDL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 22721