Đón Tết ở Nhà máy Thủy điện Ialy

Để có nguồn điện ổn định trong dịp Tết cổ truyền cho người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhiều cán bộ, công nhân viên ngành Điện, trong đó có những người thợ điện tại Công ty Thủy điện Ialy phải đón Tết ở những nơi heo hút, thậm chí là dưới lòng đất để sản xuất ra điện, tạo nên sắc màu lung linh trong những ngày Tết đến, Xuân về...

Ông Đoàn Tiến Cường (bên trái) kiểm tra hệ thống khí nén tại Nhà máy Thủy điện Ialy

Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy, ông Đoàn Tiến Cường chia sẻ, với người Việt Nam ngày Tết rất thiêng liêng. Sau một năm làm việc vất vả, Tết là dịp để mọi người, mọi nhà sum họp, nghỉ ngơi, thăm hỏi và gửi đến nhau những lời chúc năm mới thuận lợi, may mắn… Nhưng tại Công ty Thủy điện Ialy, rất ít người được hưởng thụ những phong tục tốt đẹp này của người Việt trong những ngày Tết đến, Xuân về, vì đa số họ vẫn phải làm việc như những ngày bình thường… Cũng vì thế, năm nào, Ialy cũng tổ chức bữa cơm tất niên toàn công ty vào ngày cận Tết, để động viên, chia sẻ với người lao động, rồi sau đó, ai lại vào việc ấy, đảm nhận công việc với trách nhiệm cao nhất.

Năm 2020 là năm Ialy tròn 20 năm kể từ khi phát điện Tổ máy số 1. Trong năm Nhà máy Thủy điện Ialy và sản lượng điện của 3 nhà máy, bao gồm: Ialy, Plei Krông, Sê San 3 đạt hơn 4 tỷ 152 triệu kWh, góp phần nâng sản lượng điện trong 20 năm của Thủy điện Ialy đạt trên 90 tỷ kWh. Một con số đáng kể, góp phần với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đáp ứng tốt nhất nguồn năng lượng, thúc đẩy kinh tế-xã hội của đất nước.

Cũng trong năm 2020, Công ty Thủy điện Ialy chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tự động hóa, áp dụng Cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0, cải tiến tác nghiệp, nâng cao độ tin cậy vận hành các thiết bị. Trong đó có 6 sáng kiến cải tiến kỹ thuật của doanh nghiệp (DN) đã được EVN xét công nhận. Một số sáng kiến được đưa vào áp dụng thực tế và mang lại hiệu quả như: Điều khiển từ xa DCS các trạm bơm nước Nhà máy Thủy điện Ialy; điều khiển từ xa DCS van cung đập tràn Nhà máy Thủy điện Sê San 3 theo giá trị đặt (Setpoint); cải tạo mạch điều khiển cấp khí trong chế độ bù đồng bộ tổ máy Nhà máy Thủy điện Ialy… Vì vậy Ialy được EVN đánh giá là một trong những đơn vị có nhiều sáng kiến trong toàn ngành.

Việc ứng dụng CMCN 4.0, kế hoạch tự động hóa, kế hoạch cải tiến tác nghiệp, nâng cao độ tin cậy trong kiểm soát và vận hành máy móc, thiết bị về cơ bản cũng được hoàn thành. Ví dụ việc trích xuất dữ liệu và phần mềm PMIS; trang bị động cơ bù đồng bộ cho Nhà máy Thủy điện Ialy; xây dựng và vận hành văn phòng điện tử… đã mang lại hiệu quả tổng thể tăng năng suất lao động, năng lực quản trị DN, tạo nền móng để Ialy sẵn sàng bước vào công cuộc CMCN 4.0 và kỷ nguyên chuyển đổi số một cách chủ động…

Trở lại với câu chuyện về công việc của những người trực tiếp sản xuất. Phó Quản đốc Phân xưởng Vận hành Thủy điện Ialy, ông Nguyễn Minh Tuấn - cho biết: Đã 23 năm tham gia công tác vận hành ở cả 3 nhà máy thủy điện thuộc công ty quản lý, đó là Plei Krông, Sê San 3 và nay là Ialy. Riêng Ialy là nhà máy có quy mô và công suất lớn nhất (720 MW) trên dòng sông Sê San. Ở nhà máy có rất nhiều vị trí nằm sâu trong lòng đất. Nếu lấy cao độ của trạm chuyển tiếp là 352m so với mực nước biển thì gian máy có cao độ 309m và tầng trạm bơm thấp nhất là 277m. Như vậy, tính từ điểm đặt thiết bị cao nhất với điểm đặt thiết bị sâu nhất của nhà máy là 75m. Vì lý do đó mà Nhà máy Thủy điện Ialy phải lắp đặt 2 trạm thông gió, một hút, một đẩy có công suất cực lớn để cung cấp dưỡng khí cho toàn bộ nhà máy. Nhiều vị trí của nhà máy phải có người trực, ví dụ như: Trung tâm điều khiển, trạm biến áp, cửa nhận nước, gian máy, trạm 500kV. Nơi sâu nhất của nhà máy người vận hành thiết bị đặt chân tới là 75m và phải đi cầu thang bộ sâu 32m, điều đó cho thấy những khó khăn nhất định.

Trưởng ca vận hành Nhà máy Thủy điện Ialy, ông Nguyễn Văn Trường - cho hay, vai trò của phòng điều khiển trung tâm là điều khiển tất cả thiết bị, dây chuyền của nhà máy, trong đó là điều khiển, kiểm tra thông số, phát hiện sự cố, tăng, giảm công suất, nhận lệnh. Vị trí này được ví như đầu vào của nhà máy, theo dõi các thông số chi tiết, bao gồm cả điều khiển, theo dõi, quản lý. Người vận hành tại đây phải phát huy cùng lúc nhiều cơ quan chức năng của cơ thể, bao gồm: Tai, mắt, mũi, tay để có thể phát hiện ra các sự cố của máy móc, thiết bị, đảm bảo khả năng vận hành an toàn nhất cho toàn bộ nhà máy.

Một ca trực vận hành tại Trung tâm điều khiển Nhà máy Thủy điện Plei Krông

Nếu ở Nhà máy Thủy điện Ialy, khó khăn là tại nhiều vị trí vận hành nằm sâu dưới lòng đất thì với Nhà máy Thủy điện Sê San 3 lại khác, có 2 tổ máy với tổng công suất 260 MW, mỗi năm trung bình sản xuất khoảng 990 triệu kWh điện, nhỏ hơn Ialy. Quản đốc Phân xưởng Vận hành Thủy điện Sê San 3, ông Đặng Đức Phố - chia sẻ, vị trí của nhà máy được đặt xa khu dân cư. Vì vậy mọi giao lưu, các quan hệ xã hội hàng ngày rất hạn chế. Nhà máy lại nằm gọn giữa 2 dãy núi lớn, ví như trong lòng chảo nên gần như không có đối lưu gió. Mùa nắng thì rất nóng, còn mùa lạnh thì cũng lạnh hơn do hơi nước trong núi đá tỏa ra. Thường thì nhiệt độ tại vị trí Nhà máy Thủy điện Sê San 3 chênh lệch với TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) từ 2 đến 3 độ C. Thủy điện Sê San 3 cách TP. Pleiku khoảng gần 70 km và cách tỉnh lộ 667 khoảng 30 km, nhưng đường đèo khúc khuỷu, quanh co, nhiều dốc, nên đường vào vận hành chỉ 30 km nhưng phải mất khoảng 1,5 giờ đồng hồ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Chín - kỹ sư quản lý kỹ thuật Phân xưởng Vận hành Thủy điện Sê San 3, trong quá trình công tác được về quê tại Bình Định ăn Tết 2 lần. Tất cả không có sự ưu tiên nào cả, bình quân cứ 5 năm, một lần, mỗi người làm vận hành được thay nhau về quê ăn Tết 1 lần. Nếu có trường hợp đặc biệt thì anh em tự sắp xếp.

Tết đến, mỗi gia đình đều sum vầy đón Xuân, đón Tết dưới ánh đèn điện lung linh, tỏa sáng, nhưng những người làm ở Thủy điện lại đang vào ca, âm thầm, lặng lẽ và trách nhiệm ở những nơi heo hút như Sê San 3, Plei Krông hay sâu dưới lòng đất như Ialy…

Link gốc


  • 17/02/2021 09:18
  • Theo congthuong.vn
  • 3589