Đổi thay ở làng Ring

Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của người dân, làng Ring (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) đã từng bước thay da, đổi thịt. Những thành tựu đó có sự đóng góp không nhỏ của những người làm điện nơi đây.

Làng Ring nằm cách thành phố Pleiku gần 100 km. Làng được thành lập năm 2005 với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh trên khu vực biên giới. Cư dân của làng đều là những thanh niên tình nguyện đến từ nhiều địa phương trong tỉnh. Vì vậy, ngôi làng này còn gắn liền với tên gọi “Làng thanh niên lập nghiệp”.

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Điện lực Chư Prông (PC Gia Lai) cho hay: “Khi chính quyền địa phương triển khai các dự án thành lập “Làng thanh niên lập nghiệp”, những người làm điện chúng tôi luôn ý thức được vấn đề “điện phải đi trước một bước” để làm đòn bẩy nhằm ổn định và phát triển đời sống người dân. Do đó, cuối năm 2005, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, chúng tôi đã triển khai xây dựng 6.9 km đường dây trung áp, 02 TBA với tổng dung lượng 280 kVA và 2 km đường dây hạ áp cấp điện cho gần 70 hộ dân”.

Năm 2020, ngành Điện tiếp tục đầu tư trên 10 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng cơ bản để hoàn thiện lưới và xử lý mất an toàn các xã biên giới huyện Chư Prông với 0,35km đường dây trung áp; 5,5 km đường dây hạ áp, 06 trạm biến áp, tổng dung lượng 1.500kVA, đồng thời cải tạo nâng cấp các đường dây và trạm biến áp xuống cấp. Cuối năm 2022, Điện lực Chư Prông đã thay 100% công tơ điện tử, triển khai RF-Spider cho các hộ sử dụng điện trong vùng. Ngoài ra, cũng trong năm 2022, đơn vị đã cải tạo thay hơn 3 km đường dây hạ áp, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục.

Với gần 70 hộ dân ban đầu và 02 TBA phân phối, đến nay, Điện lực Chư Prông đã cấp điện cho gần 100 hộ và 04 doanh nghiệp trong khu vực với sản lượng hàng năm hơn 730.000kWh, doanh thu gần 1,5 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của người dân; giúp bà con phát triển ngành nghề; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, chế biến nông, lâm sản, tưới cây công nghiệp, phát triển nông nghiệp. Dự kiến đến năm 2025, dự án nhà máy tinh bột sắn với công suất 8MW sẽ đi vào họat động góp phần đổi thay cho khu vực.

Điện góp phần làm thay đổi làng Ring

Gắn bó gần 20 năm từ khi thành lập, ông Lê Văn Nương – Thôn trưởng làng Ring, xã Ia Mơr cho biết: “Trước đây, nhà cửa của người dân lụp xụp, thưa thớt, dây điện chằng chịt mất an toàn chứ không khang trang, đầy đủ như bây giờ. Sau khi được ngành Điện quan tâm, đầu tư hạ tầng thì làng đã khang trang hơn. Điện sinh hoạt, điện chiếu sáng, trạm bơm nước được đầu tư bài bản an toàn, đảm bảo mỹ quan đường làng ngõ xóm”.

Có mặt từ ngày đầu thành lập làng, gia đình anh Nguyễn Văn Hiển - Giám đốc Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp và Dịch vụ Thanh niên, một trong những hộ làm kinh tế giỏi nhất làng chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của các cấp, đến nay hệ thống đường, điện đã tới tận làng. Người dân cũng có điều kiện để trồng trọt, phát triển sản xuất. Mới đây, Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp và Dịch vụ Thanh niên đã liên kết với người dân trong làng hình thành vùng nguyên liệu lúa gạo với hơn 100 ha để hình thành chuỗi sản xuất và cung cấp ra thị trường”.

Hiện làng Ring có 115 hộ với 280 khẩu. Ngoài 54ha lúa nước 2 vụ, 60ha mía, 90ha mì, người dân còn trồng gần 10ha cây ăn quả và phát triển đàn gia súc gần 400 con. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng. Trong làng có 4 hộ dân thu nhập ở mức 400-500 triệu đồng/năm; khoảng 10 hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, 90% hộ dân có máy cày, đặc biệt là làng không còn hộ nghèo.

Có thể thấy, khi những chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng vươn lên của chính người dân, làng Ring hôm nay đã thực sự thay da, đổi thịt. Làng Thanh niên thực sự trở thành vùng đất lành để người dân yên tâm an cư, lập nghiệp.


  • 01/08/2024 09:00
  • Nhật Quang
  • 4182