Đổ ải vụ Đông Xuân 2019 - 2020: EVN không để thiếu nước, thiếu điện

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Trưởng ban Kỹ thuật – Sản xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi trao đổi với evn.com.vn về công tác chuẩn bị của Tập đoàn trong đợt cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân 2019-2020 các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

PV: Tình hình nguồn nước các hồ chứa thủy điện phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân năm nay cho các tính Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Chính - Phó Trưởng ban KTSX (Tập đoàn Điện lực Việt Nam)

Ông Nguyễn Quốc Chính: Các hệ thống sông ở khu vực phía Bắc trong năm 2019 xảy ra khô hạn đặc biệt nghiêm trọng.

Theo thống kê của EVN, trên hệ thống sông Đà năm 2019 không có một trận lũ lớn nào, lưu lượng nước về thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Do đến, đến hết năm 2019, các hồ thủy điện không tích được đến mực nước dâng bình thường.

Ở lưu vực sông Đà có tổng dung tích hữu tích 20 tỷ mét khối nhưng đến ngày 17/1 chỉ tích được gần 12 tỷ mét khối, tức thiếu hụt hơn 8 tỷ mét khối. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cấp điện, cấp nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2020.

PV: Trước tình trạng khô hạn như vậy, EVN sẽ thực hiện nhiệm vụ cấp điện, cấp nước phục vụ đổ ải ra sao?

Ông Nguyễn Quốc Chính: EVN xác định đây là nhiệm vụ chính trị để đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân khu vực Đồng bắc Bắc Bộ. Việc xả nước từ các hồ thủy điện là thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Dù bất cứ trong hoàn cảnh, tình trạng nào, ngành Điện cũng phải đáp ứng đủ nước phục vụ đổ ải.

Nhận định sớm tình hình khó khăn do khô hạn, năm nay EVN có sự chuẩn bị rất kỹ kế hoạch đổ ải khi đã chủ động phối hợp với Tổng cục Thủy lợi chuẩn bị từ tháng 9-10/2019. Đến nay công tác chuẩn bị đã hoàn tất, công tác đổ ải bắt đầu từ ngày 20/1/2020, tuy nhiên Tập đoàn đã tiến hành tăng cường phát điện từ các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà từ ngày 18/1/2020.

Do biến đổi khí hậu, thay đổi lòng dẫn nên đáy sông Hồng bị hạ thấp từ 1-2 mét. Nếu như các hồ thủy điện có tích được đầy nước và xả hết công suất cũng không thể duy trì mực nước tại Hà Nội 2,2m. Từ năm 2019, Bộ NN&PTNT phối hợp với EVN đã giao Viện Quy hoạch Thủy lợi thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học về các giải pháp đảm bảo cấp nước đổ ải và tiết kiệm nước. Năm nay, áp dụng đề tài này, khi các địa phương lấy nước đổ ải khi trạm thủy văn tại Hà Nội để mực nước thấp (1,6m thay vì 2,2m như trước kia).

PV: Bên cạnh nhiệm vụ cấp nước, nhiệm vụ cấp điện cho các trạm bơm cũng có ý nghĩa rất quan trọng. EVN đã chuẩn bị phương án cấp điện như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Chính: Cấp điện cho các trạm bơm là nhiệm vụ chính trị được EVN thực hiện trong cả năm chứ không chỉ mỗi dịp cấp nước đổ ải. Tuy nhiên, do tính chất quan trọng trong đợt đổ ải nên EVN có chỉ đạo từ sớm và sát sao đối với các tổng công ty điện lực/công ty điện lực. Mục tiêu là đảm bảo cấp điện cho các trạm bơm cố định và trạm bơm dã chiến với chất lượng điện năng tốt nhất, không để sự cố không lấy được nước, gây lãng phí nước.

Từ tháng 10/2019, Tập đoàn đã có văn bản chỉ đạo các công ty điện lực phối hợp với các trạm bơm để khảo sát tình trạng thiết bị và tính toán phương án cấp điện, xử lý sự cố nếu có. Công tác chuẩn bị của các công ty điện lực đều đã hoàn tất, sẵn sàng cho các trạm bơm từ ngày bắt đầu cho đến hết tháng 2 chứ không riêng gì trong 3 đợt xả nước.

Công nhân Công ty Điện lực Bắc Ninh kiểm tra hệ thống điện tại trạm bơm đầu mối Trịnh Xá (Từ Sơn, Bắc Ninh)

PV: Hồ Hòa Bình đóng vai trò quan trọng nhất trong cấp nước đổ ải, vừa đồng thời cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, mức nước hồ đang thiếu hụt nghiêm trọng, vấn đề này ảnh hưởng tới hồ Hòa Bình như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Chính: Tính đến nay, hồ Hòa Bình đang thiếu hụt 13 mét so với mực nước dâng bình thường. Sau đợt đổ ải này, dự báo mực nước tiếp tục giảm mạnh về gần mực nước chết.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình cũng đồng thời duy trì cấp nước cho Nhà máy nước sạch Sông Đà ở Hòa Bình để phục vụ nước sinh hoạt của 1/3 số hộ dân tại Hà Nội.

Nhà máy nước sạch sông Đà được xây dựng từ năm 2004. Thời điểm đó, hạ du sông Đà chưa bị biến đổi dòng chảy nên mực nước ở khu vực này rất cao. Trong năm 2019, Nhà máy nước sạch Sông Đà luôn đề xuất cấp nước cao hơn so với quy trình. Để đảm bảo an ninh nguồn nước, EVN đã chỉ đạo các hồ chứa đáp ứng đúng theo yêu cầu, với tổng lưu lượng xả 50 triệu m3/ngày để nhà máy nước sản xuất 300.000 m3/ngày.

Với nhu cầu nước hiện nay, NMTĐ Hòa Bình vẫn đáp ứng được. Tuy nhiên, trong những năm tới, khi nhà máy nước được mở rộng theo kế hoạch và nếu Công ty CP nước sạch Sông Đà không triển khai các giải pháp để lấy nước trong mọi điều kiện tự nhiên thì NMTĐ Hòa Bình gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu cấp nước cho nhà máy. 

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 20/01/2020 10:22
  • Huyền Thương
  • 6942