Điều tiết xả lũ trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn: Tuân thủ nghiêm quy trình xả lũ, điều tiết linh hoạt, hợp lý

Địa hình và dòng chảy phức tạp trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn tỉnh Quảng Nam đòi hỏi các nhà máy thủy điện ở đây phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xả lũ, điều tiết một cách linh hoạt, hợp lý, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Vai trò của thủy điện trong phát triển kinh tế

Không thể phủ nhận rằng thủy điện đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Việc tận dụng nguồn thủy năng bằng cách xây dựng các con đập ngăn nước ngoài việc cung cấp năng lượng, các hồ thủy điện còn góp phần  cắt lũ, điều tiết dòng chảy khô hạn vào mùa khô để đảm bảo cho các nhu cầu dùng nước ở hạ du như: cấp nước tưới, giao thông thủy, phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch. Chính vì những vai trò quan trọng đó mà trong những thập niên gần đây, việc xây dựng các đập thủy điện ở Việt Nam là một phần của chiến lược quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng và phát triển kinh tế ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện ở những vùng điều kiện tự nhiên phức tạp mà không tính hết được những hệ lụy là điều đáng lo ngại và đang cần những nỗ lực cải thiện tình hình để hướng đến một sự phát triển bền vững. Thủy điện miền Trung, mà cụ thể là các dự án thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam là một ví dụ điển hình.

Ảnh minh họa

Thách thức do điều kiện tự nhiên mang lại

Lưu vực sông  Vu Gia - Thu Bồn có địa hình biến đổi khá phức tạp và chia cắt mạnh. Địa hình có xu hướng nghiêng dần từ Tây sang Đông tạo cho lưu vực có độ dốc rất lớn và đồi núi ăn sát ra biển. Vùng núi là thượng nguồn các dòng sông nằm ở sườn phía Đông dãy Trường Sơn Nam. Độ cao địa hình của vùng này  từ 1000 m trở lên. Vùng trung du của lưu vực có độ cao từ 100 m đến dưới 800 m, đây là nơi hợp lưu của của các nhánh sông tương đối lớn của dòng chính Thu Bồn như: sông Tranh, sông Trường, sông Tiên, sông Lân,…Tiếp đến là vùng đồng bằng hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn với độ cao dưới 30 m, địa hình tương đối phẳng và ít biến đổi. Vùng đồng bằng này nhỏ hẹp và có các dãy cát chạy dọc theo bờ biển với độ cao dưới 5m.

Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có địa hình dốc và đồng bằng hẹp. Vì vậy, lượng mưa hàng năm ở đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy của hệ thống sông này. Lượng mưa trung bình hàng năm của Quảng Nam dao động từ 1690 mm đến 4000 mm. Thượng lưu các các con sông khu vực miền núi phía Tây và Tây Nam có lượng mưa lớn nhất, trên 3000 mm/ năm. Vùng đồng bằng ven biển có lượng mưa trung bình khoảng 2000 – 2400 mm/năm. Đặc biệt, lượng mưa phân bố không đồng đều. Mùa mưa (tháng 9 – 12 hàng năm) chiếm 60 - 80% tổng lượng mưa. Mùa mưa cũng là thời điểm các loại hình thời tiết như: bão, áp thấp nhiệt  đới, không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và các nhiễu động nhiệt đới khác hoạt động khá mạnh. Các loại hình thời tiết này có thể “đơn phương” hoặc kết hợp tương tác với nhau. Đặc biệt, một số trường hợp, bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ liên tiếp vào khu vực này gây mưa trên diện rộng, tạo thành lũ lớn ở miền Trung.

Với địa hình như vậy, cộng với lượng mưa lớn tập trung vào mùa mưa làm cho dòng chảy lũ trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn dồn về hạ lưu nhanh và khó kiểm soát. Đây là thách thức rất lớn cho công tác vận hành các đập thủy điện vào mùa lũ, đảm bảo an toàn đập cũng như vùng hạ du.

Những điểm cần khắc phục trong việc điều tiết xả lũ

Xả lũ các công trình thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là vấn đề “nóng” trong những năm gần đây. Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, trong quá trình vận hành xả lũ, căn cứ vào tình hình cụ thể, việc thông báo một cách cụ thể, chi tiết đến từng địa phương bị ảnh hưởng là vô cùng cần thiết, giúp người dân ở đó có các giải pháp chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại về người và của. Trong điều kiện cho phép có thể thông báo việc xả lũ trước 2 - 3 ngày về thời gian và mức nước dự kiến xả. Bên cạnh đó, nhà máy thủy điện có thể trang bị thêm một số thiết bị phòng chống lụt cho người dân như phao cứu sinh, ghe, thuyền…

Tháng 5/2014, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) phối hợp với Tổ chức Điều phối mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã tiến hành điều tra xã hội học tại các vùng hạ du sông Vu Gia. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, cần có sự tham khảo ý kiến của người dân trong khu vực khi tiến hành xây dựng quy trình xả lũ và cảnh báo lũ của thủy điện. Thực tế, người dân vùng hạ du sông Vu Gia chưa được tham vấn trong quá trình dựng quy trình xả lũ cũng như cơ chế truyền đạt thông tin cảnh báo lũ. Người dân mới chỉ đơn thuần được nhắc nhở tinh thần đề phòng lũ lụt khi thủy điện xả nước. Theo một số người dân, đến năm 2013, họ mới được biết quy định thời gian báo động trước khi xả lũ cho vùng hạ du. Trong khi đó, một số công trình thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được vận hành từ năm 2006. Do đó, quy trình xả lũ và cảnh báo phải được tham khảo ý kiến người dân và chính quyền địa phương, từ đó, lựa chọn những phương án xả lũ hiệu quả nhất.

Có thể khẳng định rằng, việc phát triển các công trình thủy điện đã góp phần giải quyết nhu cầu năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích luôn song hành những bất lợi, cụ thể là việc xây dựng nhà máy thủy điện ở những vùng có điều kiện địa hình và dòng chảy phức tạp mà chưa “tính đúng, tính đủ” những thiệt hại có thể gây ra cho vùng hạ du sẽ dẫn tới phát triển không bền vững và thiếu hiệu quả, việc này các cơ quan quản lý cần cân nhắc, tính toán. Đối với những công trình thủy điện đã và đang vận hành, việc khắc phục những hệ lụy do xả lũ là việc làm cấp bách. Cụ thể đối với thủy điện ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam, cần phải tiến hành điều chỉnh quy trình xả lũ và thông tin cảnh báo đến người dân hạ du một cách kịp thời, tránh thiệt hại. Trong trường hợp gây thiệt hại thì phải có cơ chế hỗ trợ, đền bù hợp lý đảm bảo không gây thiệt thòi cho người dân.

Nói cách khác, bên cạnh việc tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, các nhà máy thủy điện khu vực này cần có sự điều tiết linh hoạt, hợp lý, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, đảm bảo an toàn cao nhất cho vùng  hạ du.
 


  • 09/09/2014 09:30
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3131


Gửi nhận xét