Điều chỉnh Quy hoạch điện VII: Phải đảm bảo cân đối nguồn điện giữa các miền

Sau hơn 2 năm thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (QHĐ VII) đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, cần phải nghiên cứu, đánh giá, cân đối lại nguồn điện giữa các vùng miền, phục vụ phát triển kinh tế và đời sống xã hội của đất nước.

Điện tăng trưởng thấp…

Về tình hình phát triển phụ tải hệ thống điện quốc gia giai đoạn 2011-2013 so với số liệu được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII cho thấy: Điện thương phẩm mỗi năm trung bình giảm từ 10-14 tỷ kWh so với Quy hoạch được duyệt. Công suất nguồn điện của hệ thống cũng chỉ đạt từ 85-89% so với Quy hoạch đề ra. Theo Bộ Công Thương dự kiến, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm cả giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 11,8%, giảm 2,58% so với kế hoạch ban đầu.

Tình hình tăng trưởng phụ tải điện hiện nay và dự kiến từ năm 2015 đến năm 2020 cũng thấp hơn so với mục tiêu đề ra từ 194 tỷ kWh – 210 tỷ kWh vào năm 2015 và từ 330 tỷ - 362 tỷ vào năm 2020.

Những khó khăn của nền kinh tế đã tác động mạnh đến các dự án nguồn điện do các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang xây dựng. Đến nay, đã có rất nhiều dự án bị chậm so với tiến độ từ 6 tháng đến 1 năm, có những công trình chậm tiến độ tới  2 năm như Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1, Vũng Áng 1…

Hoàn thành ĐD 500 kV Tân Định - Phú Lâm sẽ đảm bảo cấp điện khu vực miền Nam năm 2014 và những năm tiếp theo - Ảnh: Ngọc Hà

Cân đối nguồn điện giữa các miền

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đa số các nguồn điện chậm tiến độ trong giai đoạn 2015-2020 tập trung ở khu vực miền Nam, trong đó có Nhiệt điện Ô Môn I và II, Vĩnh Tân II và Duyên Hải I, III. Việc chậm tiến độ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo cấp điện cho khu vực miền Nam trong khi ở miền Bắc và miền Trung vẫn đảm bảo có dự phòng. Như vậy, việc không kịp đưa các dự án nguồn ở khu vực phía Nam vào vận hành sẽ dẫn tới khả năng mất cân đối cung cầu điện giữa các miền có thể sẽ xảy ra.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ xem xét giãn tiến độ một số nguồn điện tại khu vực miền Bắc và miền Trung. Cụ thể, có thể lùi thời điểm xây dựng một số dự án chưa khởi công ra sau năm 2020 như dự án nhiệt điện Na Dương II, An Khánh II và Nhiệt điện Vũng Áng II… Đồng thời, bổ sung vào Quy hoạch điện VII các nhà máy nhiệt điện Hiệp Phước 2 (công suất 2x390 MW), nhiệt điện Formosa tổ máy 3 (công suất 150 MW) tại tỉnh Đồng Nai và một số dự án nguồn cấp bách khác để chủ đầu tư có thể triển khai xây dựng và đưa vào vận hành trước năm 2017.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị trong và ngoài EVN đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành đóng điện trước mùa khô năm 2017 Nhiệt điện Long Phú I và Sông Hậu I. Tiếp tục ưu tiên xây dựng các dự án quan trọng khác như: Công Thanh, Vĩnh Tân II, Duyên Hải I và III để tăng công suất và tỷ lệ dự phòng cho khu vực miền Nam ở những năm tiếp theo.

Theo ý kiến của các chuyên gia, nếu như tiến độ các dự án ở phía nam đưa vào vận hành chậm sau năm 2017, khả năng thiếu điện của khu vực miền Nam là rất cao. Vì vậy, công tác hiệu chỉnh Quy hoạch điện VII lần này cần phải lưu ý, không tập trung xây dựng quá nhiều trung tâm nguồn điện ở một khu vực, tận dụng tối đa khả năng chia sẻ công suất nguồn dự trữ, khả năng truyền tải của lưới liên kết giữa các miền không để cơ cấu nguồn chênh lệch nhau quá lớn. Giai đoạn từ sau năm 2020, ngoài việc giãn tiến độ các công trình nguồn điện, cần điều chỉnh cơ cấu nguồn điện theo hướng đa dạng hóa nguồn nhiên liệu, tăng cường tối đa nguồn năng lượng tái tạo, giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào than nhập khẩu.  

Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo: “Các bộ ngành liên quan, nhanh chóng đánh giá, cân đối lại hệ thống điện quốc gia, đề xuất Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch điện VII khớp với dự báo mới về tốc độ phát triển kinh tế -  xã hội của cả nước trong giai đoạn tới”.

 


  • 15/01/2014 09:47
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2949


Gửi nhận xét