Điện, xăng tăng giá không ảnh hưởng tới việc "cứu" doanh nghiệp

Bộ Công thương cho rằng, để giải cứu doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng đã có bộ giải pháp riêng. Còn tăng giá xăng dầu, điện, nước, gas là một vấn đề hoàn toàn khác.

Điện, xăng không vin vào CPI âm để tăng giá.

Trao đổi tại buổi họp báo mới đây của Bộ Công thương về việc điều hành giá điện, xăng dầu cũng như các mặt hàng thiết yếu khác trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, cầu thị trường yếu liệu có gì mâu thuẫn với mục tiêu giải cứu doanh nghiệp và hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền cho rằng, đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
 
Ông Quyền khẳng định, không có mâu thuẫn trong việc vừa điều chỉnh giá xăng dầu, điện, nước, gas, vừa thực hiện những giải pháp khác nhau hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ở đây, đại diện Bộ Công thương tách hai bài toán tăng giá mặt hàng thiết yếu và hỗ trợ doanh nghiệp ra độc lập với nhau.
 
Cụ thể, việc điều chỉnh tăng/giảm giá xăng dầu dựa trên những tín hiệu về giá ở thị trường thế giới. Còn hỗ trợ doanh nghiệp đã có chế độ riêng, chính sách, cơ chế riêng. Tất nhiên, không có chuyện doanh nghiệp thích tăng giá là tăng, thích giảm là giảm.
 
Ông Quyền đồng thời nhấn mạnh, chính sách điều hành giá của Chính phủ với điện, xăng dầu, than, nước cho đến nay vẫn kiên định theo hướng thị trường. Song, do đây là những mặt hàng thiết yếu và mang tính nhạy cảm, tác động đến đời sống kinh tế - xã hội trên diện rộng do đó, việc đi theo lộ trình thị trường hóa cũng đã được thực hiện hết sức cẩn trọng. 
 
Đáp lại quan điểm cho rằng, thời gian vừa rồi, điện, xăng dầu đã "vin" vào cái cớ chỉ số tiêu dùng (CPI) trong hai tháng 6 và 7 âm liên tiếp để thực hiện tăng giá, ông Quyền khẳng định, việc tăng/giảm giá hoàn toàn dựa trên cơ sở thị trường, không phải cứ "CPI âm thì tăng, CPI dương thì giảm".
 
Tăng giá điện 5% đã là kiềm chế
 
Liên quan đến việc tăng giá điện, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, điện thuộc hàng hóa đặc biệt, là đầu vào của nhiều mặt hàng nên việc điều chỉnh được Chính phủ quản lý chặt chẽ. Giá điện đã được liên Bộ Tài chính - Công thương cân nhắc rất kỹ về mức độ và thời điểm. 
 
Trước đó, hồi cuối năm ngoái, Tập đoàn Điên lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất tăng giá điện lên trên 10% song chỉ được Bộ  chấp thuận cho phép tăng 5%. Đến mùng 1/7 vừa rồi, liên Bộ cũng chỉ cho phép tăng 5% với mặt hàng này. Cả hai lần trên, cơ quan điều hành đều đã rất thận trọng.
 
Phát biểu tại chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" của VTV hôm 5/8 vừa rồi, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã cho rằng, việc tăng giá điện vừa qua là "hết sức bình thường". Lập luận của Bộ trưởng Đam dựa trên cơ sở, giá điện hiện được bán dưới giá thành, cũng như giá bán điện của Việt Nam đang thấp hơn với giá thế giới và thấp hơn ngay cả các nước trong khu vực ASEAN (trừ Lào) và Trung Quốc.
 
Do bán dưới giá thành nên hiện EVN vẫn lỗ 10.000 tỷ đồng và lỗ tỉ giá trên 25.000 tỷ đồng. Việc giải quyết số lỗ này sẽ buộc phải phân bổ vào giá thành trong những lần điều chỉnh giá của ngành điện. Việc tăng giá tuyệt nhiên không phải để bù lỗ các khoản đầu tư ngoài ngành của EVN.
 


  • 13/08/2012 11:18
  • Theo dantri.com.vn
  • 3051


Gửi nhận xét