Điện về thắp sáng Pa Cheo

Ðúng vào thời điểm chuyển giao giữa năm 2023 và năm 2024, người dân trên đỉnh núi thuộc thôn Bản Giàng, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát đã được đón nhận niềm vui lớn khi có điện lưới quốc gia. Ðiện về không chỉ góp phần xóa tình trạng “trắng điện” cho những bản làng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn mà còn là bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và xây dựng nông thôn mới ở vùng cao tỉnh Lào Cai…

Nằm ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, thôn Bản Giàng không có đường xe chạy, không có sóng điện thoại. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông, sống nhờ vào trồng lúa và chăn nuôi, đời sống còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn…

Khoảnh khắc đóng điện cho thôn Bản Giàng, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. 

Xóa dần những bản làng “trắng điện”

Việc đưa điện lưới quốc gia về thôn Bản Giàng là kết quả của sự nỗ lực và quyết tâm của chính quyền, ngành Điện và bà con nhân dân trong việc triển khai công trình xây dựng mới gồm một trạm biến áp công suất 160 kVA-35/0,4kV; 6,8 km đường dây 35kV (2,7 km đường dây trần và 4,1 km cáp ngầm); 1,4 km đường dây 0,4kV, với tổng giá trị đầu tư là 10,9 tỷ đồng. Nhân “Tháng tri ân khách hàng”, Ðiện lực Bát Xát còn lắp đặt miễn phí toàn bộ dây dẫn sau công-tơ về nhà cho toàn bộ 54 hộ dân thôn Bản Giàng.

Trưởng thôn Bản Giàng Sùng A Sáng vui mừng chia sẻ, từ khi có chủ trương đầu tư xây dựng trạm biến áp ở thôn, người dân mong ngóng từng ngày, vậy mà cũng phải mất gần bốn năm, giấc mơ có điện mới thành hiện thực. Bà con rất vui mừng và biết ơn Ðảng, Nhà nước, ngành Điện và các cấp chính quyền đã quan tâm, hỗ trợ cho thôn mình có điện.

Có điện, điều kiện sống của người dân sẽ dần dần được cải thiện, con, cháu học hành thuận lợi hơn. Ánh sáng điện về thôn, lại thêm đường giao thông hoàn thành sẽ giúp người dân có thêm động lực thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới…

Ông Hầu A Chư, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Cheo

Xã Bản Liền cheo leo trên núi đá cách thị trấn Bắc Hà 25 cây số, có bảy thôn với 504 hộ, 2.562 nhân khẩu. Phó Chủ tịch UBND xã Vàng A Sự cho biết hiện đã có 487 trên tổng số 504 hộ có điện. Ðiện lưới quốc gia về đã góp phần thay đổi diện mạo kinh tế của địa phương.

Anh Phạm Quang Thận, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên đầu tư, phát triển Bắc Hà, chuyên sản xuất chè hữu cơ cho biết: mỗi năm công ty bao tiêu khoảng 800 tấn chè tươi cho bà con, sản xuất 380 tấn chè khô thành phẩm và có đến 95% sản phẩm chè của đơn vị xuất sang các thị trường cao cấp như Pháp, Mỹ, Italia… Trước đây, điện luôn là vấn đề lớn của công ty, gần chục năm phải vận hành bằng máy nổ diezel, rất tốn kém. Từ năm 2015, điện lưới quốc gia mới vào được vùng này, nhờ đó đơn vị đã tiết kiệm được đến 70% chi phí đầu vào.

Ải Nam cũng là thôn đặc biệt khó khăn ở thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, với khoảng 90% dân số là người H’Mông nhưng từ cuối năm 2016, 100% hộ dân ở đây đã được dùng điện lưới quốc gia. Theo Phó Giám đốc Chi nhánh điện Bảo Thắng Vũ Nghĩa Hưng, do dân trong vùng rất nghèo nên khi lưới điện quốc gia phủ sóng về vùng này, ngành Điện đã hỗ trợ cho dân bằng cách kéo dây về từng nhà, tùy theo khoảng cách có thể từ vài chục mét đến 200-300m, lắp công-tơ, bóng điện miễn phí cho từng hộ…

Nỗ lực thắp sáng đường thôn

Trước khi đưa điện về Pa Cheo, vào tháng 5/2020, Ðiện lực Lào Cai đã đưa điện lưới quốc gia về hai thôn là Trát 1, Trát 2 tại thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng. Trước đó, cuối tháng 8/2019, bà con nhân dân các thôn Mo 1, 2, 3 thuộc xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã vui mừng được đón nguồn sáng của dòng điện lưới quốc gia vào đúng dịp Tết Ðộc lập mùng 2/9...

Ba công trình nói trên tiêu biểu cho những dự án phát triển lưới điện nông thôn mà ngành Điện lực nói riêng và tỉnh Lào Cai đã làm được cho vùng sâu, vùng xa. Cả ba dự án này đều nằm ở địa bàn đặc biệt khó khăn, suất đầu tư lớn, hiệu quả kinh doanh không cao, thậm chí lỗ lớn. Ðơn cử, đối với dự án đưa điện về các thôn Trát 1, 2 với tổng mức đầu tư 10,4 tỷ đồng cấp điện cho 128 hộ thì suất đầu tư là 81,25 triệu đồng/hộ; hay như dự án điện về thôn Bản Giàng, chi phí đầu tư lên đến 10,9 tỷ đồng chỉ để cung cấp điện cho 54 hộ dân, bình quân mức đầu tư là 200 triệu đồng/hộ. Bài toán đặt ra là bao nhiêu năm ngành điện mới thu hồi được vốn chứ chưa nói đến việc có lãi và sẽ không thể có lời giải nếu chỉ phân tích về mặt kinh tế mà không đề cập đến những hiệu quả về xã hội của dự án.

Khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện nông thôn do địa bàn rộng lớn, nhiều khu vực vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, có những nơi chưa có đường giao thông đi lại, có những nơi phải đi qua rừng tự nhiên, rừng phòng hộ..., dẫn đến suất đầu tư lớn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Ðiện lực Lào Cai

Ðánh giá tổng quan chương trình đưa điện về nông thôn ở Lào Cai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết: Ðến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia với tỷ lệ số tổ, thôn, bản có điện lưới quốc gia đạt 99,87%; tỷ lệ số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97,6%. Kết quả tỷ lệ số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt được năm 2023 sẽ là động lực để tỉnh Lào Cai thực hiện thành công Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ 16, phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ lệ số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%.

Gần nửa tháng cuối cùng của năm 2023, theo chân những người thợ điện đến các bản làng xa xôi của đất Lào Cai, từ Bát Xát, Bảo Thắng đến Bắc Hà…, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, thậm chí thán phục trước sự thay đổi của những vùng đồi núi, cao nguyên xa xôi này. Ðồng bào các dân tộc từ người H’Mông, người Dao, người Xa Phó… giờ đây đã không còn xa lạ với những cột điện cao vút trên núi đá nữa; ánh sáng của những dòng điện đã theo chân người thợ điện tràn ngập vào tận cửa và xua đi cái lạnh giá, lạc hậu của bản làng trên những đỉnh núi xa xăm…

Link gốc


  • 11/01/2024 09:51
  • Theo Báo Nhân dân điện tử
  • 4084