Điện về bản xa

“Thôn mình có điện nhiều tháng nay rồi nhà báo ạ…” - Trưởng thôn Ly Lai hồ hởi bắt tay và khoe ngay ở câu chào đầu tiên, khi chúng tôi có dịp ghé qua thôn Sín Chải, xã La Pan Tẩn (Mường Khương, Lào Cai). Nghe Trưởng thôn nói vậy, chúng tôi cũng thấy vui lây, bởi đã nhiều lần đến Sín Chải, tôi hiểu lắm những nhọc nhằn của bà con nơi đây khi chưa được hưởng điện lưới quốc gia.

Thuộc diện thôn xa và khó khăn của xã La Pan Tẩn, Sín Chải là nơi định cư của gần 80 hộ dân người Mông. Bao đời nay, bà con ở đây luôn mong được sử dụng điện lưới quốc gia, để cuộc sống bớt khó khăn, việc lao động sản xuất, sinh hoạt được thuận lợi hơn.

Niềm vui lớn đã đến với bà con Sín Chải, khi đầu năm 2017 điện đã về thôn nhờ Dự án điện thôn, bản của Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Cùng Trưởng thôn Ly Lai và ông Đỗ Xuân Thủy, Phó Giám đốc Điện lực Mường Khương (thuộc Công ty Điện lực Lào Cai), chúng tôi đến thăm một số hộ dân trong thôn để cảm nhận rõ niềm vui và sự đổi thay nơi mảnh đất gian khó này.

Đang ngày mùa nên nhiều nhà “cửa đóng then cài”, chỉ có vài hộ thu hoạch lúa, ngô sớm, đang ở nhà tranh thủ ngày nắng để phơi ngô, thóc. Thấy có khách đến chơi nhà, lại có cả cán bộ của Điện lực Mường Khương, anh Giàng Chư phấn khởi lắm. Cất vội cào thóc, anh Chư bắt tay từng người, rồi mời vào uống nước.

Quan sát nhanh cũng có thể thấy, nhà anh Chư thuộc diện khá trong thôn. Ngôi nhà khung gỗ 3 gian có tường xây chắc chắn với đầy đủ tiện nghi là niềm mơ ước của nhiều hộ dân vùng cao, như tủ tường, bộ bàn ghế còn thơm mùi gỗ, ti vi, quạt điện, tủ lạnh, máy xay xát...

Anh Chư chia sẻ: “Thôn mình được sử dụng điện lưới quốc gia hơn nửa năm nay, nguồn điện ổn định, giá thành không cao nên bà con phấn khởi lắm, ai cũng sắm sửa các thiết bị điện để phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình”.

Còn nhớ những lần trước về thăm Sín Chải cách đây chừng 2 - 3 năm, do đường xa nên chúng tôi phải ngủ qua đêm ở thôn. Mặt trời xuống núi, những nếp nhà gỗ của người Mông nhanh chóng chìm trong làn sương mờ. Le lói qua khe cửa, khe vách là ánh lửa bập bùng, ánh đèn dầu leo lét, thi thoảng có ánh sáng lờ mờ của bóng điện compact.

Ngày ấy chưa có điện nên phần lớn người dân dùng đèn dầu để thắp sáng, một số hộ dùng điện nước, nhưng giải pháp này cũng không hiệu quả, bởi ở vùng núi đá này, nguồn nước rất ít, suối thường xuyên khô cạn ngay cả trong mùa mưa.

Cách đây vài năm, gia đình anh Giàng Chư cùng 29 hộ dân khác chung tiền kéo điện từ trung tâm xã cách thôn tới 4 cây số về dùng. Tính cả tiền mua dây điện, công tơ, bóng điện, cột điện và đóng góp ngày công, mỗi gia đình cũng phải mất đến 3 - 4 triệu đồng. Tuy nhiên, do kéo điện một đoạn đường xa nên điện năng bị hao tổn, mỗi số điện cao gấp nhiều lần so với đơn giá của Nhà nước.

Cứ ngày mưa gió là các hộ dân lại lo đường truyền điện bị hư hỏng. Ấy là còn chưa tính nguồn điện yếu, không ổn định nên chỉ đủ thắp sáng, không dùng làm được việc gì khác. Vì vậy, nhiều đồ điện của bà con sắm sửa đành “đắp chiếu” hoặc bán rẻ cho những gia đình ở thôn có điện.

Thiếu điện thắp sáng, nhiều năm ở thôn người Mông này, mọi người vẫn quen với cảnh các em nhỏ học bài dưới ánh đèn dầu tù mù, mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè thì dù ham học lắm cũng đành “gác sách” vì nóng nực, muỗi “tấn công”. Không có điện, người dân phải đi hơn 4 cây số để xát lúa, ngô phục vụ nhu cầu của người và vật nuôi. Anh Giàng Chư trầm ngâm, có lẽ hồi ức về những tháng ngày gian khó đang ùa về trong anh...

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng, khi có người mang ngô đến nhờ anh Chư xay giúp. Vợ chồng anh Chư mỗi người “một chân, một tay” nhanh chóng làm việc. Chiếc máy xay xát được nối điện, bật công tắc kêu ro ro, rồi kèng kẹc, rào rào... Những âm thanh này chỉ mới được vang lên ở thôn vùng cao Sín Chải khi có điện lưới quốc gia.

Tạm biệt vợ chồng anh Giàng Chư, theo chân cán bộ thôn nhiệt tình, chúng tôi tới nhà anh Sùng Chư. Theo lời giới thiệu của Trưởng thôn Ly Lai, gần 1 năm nay, cuộc sống của gia đình anh Chư khá hơn nhờ làm dịch vụ xay xát gạo. Lúc chúng tôi đến, anh Sùng Chư đang xát gạo cho mấy hộ trong thôn. Ngắt điện chiếc máy xát gạo còn "mới coong”, anh Chư đưa tay lau mồ hôi, cười tươi rói: “Cán bộ điện về thăm bà con đấy à? Điện khỏe lắm cán bộ ạ! Từ ngày đóng điện lưới, điện không sụt bao giờ. Nhà tôi sử dụng máy xay xát nên lắp đường điện 3 pha cho ổn định, vừa để phục vụ gia đình, vừa phục vụ bà con trong thôn”.

Có điện, hầu hết các hộ dân trong thôn đều mua sắm ti vi. Ngoài xem các chương trình truyền hình để thư giãn, giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc, đây còn là phương tiện cung cấp thông tin chính thống, giúp người dân hiểu hơn đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thêm vào đó, những kinh nghiệm, cách làm hay về chăn nuôi, trồng trọt, thông tin về bình đẳng giới, cũng như các thủ đoạn mua bán phụ nữ và trẻ em của bọn xấu... được phát trên truyền hình giúp người dân thêm kiến thức, hiểu biết để vận dụng và phòng tránh.

Trưởng thôn Ly Lai cho biết: Thời gian trước, xem truyền hình, tôi thấy một vài nơi trong tỉnh thực hiện nhiều biện pháp giữ gìn an ninh, trật tự hiệu quả, trong đó có việc xã hội hóa thắp sáng đường giao thông. Tôi dự định, vài tháng tới sẽ vận động bà con đóng góp tiền để thắp sáng tuyến đường trục thôn. Được như vậy, việc đi lại của bà con vào buổi tối sẽ thuận lợi hơn, vừa đảm bảo toàn giao thông, vừa góp phần thực hiện tốt an ninh khu vực.

Trưởng thôn Ly Lai cũng kỳ vọng, có điện, truyền thông đến gần hơn với người dân, nhận thức được nâng lên, bà con sẽ thực hiện tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua ở địa phương, hăng hái lao động, sản xuất để thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Ông Đỗ Xuân Thủy, Phó Giám đốc Điện lực Mường Khương cho biết: Công trình cấp điện cho thôn Sín Chải, xã La Pan Tẩn thuộc Dự án điện thôn, bản do Tổng công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư. Theo đó, người dân được trợ cấp hoàn toàn các vật tư như công tơ, bảng điện, cầu dao, dây dẫn và hai bóng điện thắp sáng. Thôn Sín Chải có thời tiết khắc nghiệt, mưa mù, gió lạnh về mùa đông, thêm vào đó, đường đến thôn lại chưa được "cứng hóa" hoàn toàn nên trong quá trình thi công, các nhà thầu cũng như Điện lực Mường Khương đã khắc phục khó khăn, tăng cường nhân lực đẩy nhanh tiến độ để thực hiện công trình, với mong muốn: “Thêm một hộ dân có điện là thêm nhiều niềm vui”.

Có tiếng nổ giòn giã từ phía dưới chân dốc, một đoàn 3 - 4 chiếc xe máy chở thóc lặc lè đi lên. Trưởng thôn Ly Lai cười vui vẻ bảo: “Năm nay, thôn được mùa đấy! Lương thực, thực phẩm bà con làm ra không chỉ đủ sinh hoạt tại chỗ, mà còn dư giả mang đi bán lấy tiền mua sắm đồ dùng sinh hoạt và đầu tư cho con cái học hành. Hy vọng, thời gian tới, thôn sẽ có nhiều người học hành đỗ đạt, trở về dựng xây quê hương”.

Chúng tôi chia tay Sín Chải trong tiếng cười vui của người cán bộ thôn và hiểu rằng, ánh sáng của điện lưới quốc gia đang thắp lên niềm tin về ngày mai tươi sáng trên vùng đất này.


  • 10/10/2017 02:11
  • Theo Báo Lào Cai điện tử
  • 10933