Điện về Đèo Gà

Đèo Gà - một địa danh nổi tiếng của huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) về sự ngoằn ngoèo, hiểm trở, nhưng cũng là nơi có phong cảnh đẹp. Tuy nhiên, vào ban đêm sự thưa vắng nhà cửa khiến con đèo hoang vu, làm rợn gáy không ít người qua lại. Mới đây, huyện đã quyết tâm kéo điện thắp sáng lên đỉnh đèo với chiều dài hơn 4,5 km. Nhờ vậy cuộc sống của người dân ở đây đã có những thay đổi tích cực.

Sự tích về con đèo

Ở Chiêm Hóa có ba con đèo khá nổi tiếng, đó là Đèo Nàng, Đèo Lai và Đèo Gà. Có lẽ Đèo Gà nổi trội và nhiều người biết hơn cả vì nó nằm trên Quốc lộ 3B “án ngữ” cửa ngõ dẫn vào trung tâm huyện lỵ. Khi lưu thông qua đỉnh đèo ai cũng “tò mò” dừng chân, xuống xe phóng tầm mắt xa xa ngắm cánh đồng thôn An Phú, xã Tân Thịnh và thung lũng Làng Đẩu, xã Hòa Phú.

Điện thắp sáng Đèo Gà giúp các phương tiện tham gia giao thông an toàn, thuận lợi

Quanh năm bốn mùa phong cảnh ở đây vẫn đẹp với khách bộ hành và các nhiếp ảnh gia. Nào là mùa con nước đổ, nông dân tập trung mang trâu ra đồng cày bừa, cấy lúa. Mùa lúa chín thì những thửa ruộng xếp hình bậc thang “sóng vàng” chạy dài đến tận chân núi. Mùa đông thì lớp lớp quần thể “họ nhà mây” bay trên đỉnh đèo. Ai cũng có cảm giác thích thú như đi giữa chốn bồng lai, tiên cảnh.

Theo ông Nông Văn Vương, dân tộc Tày, bao đời nay cùng gia đình, dòng họ sống dưới chân Đèo Gà thuộc thôn An Phú, xã Tân Thịnh, trước kia các cụ cao niên trong làng có truyền lại sự tích con đèo. Đèo này trước người Tày gọi là đèo Kéo Khà, tức là Đèo Gianh, rồi bị “biến thể” đọc chệnh là Đèo Gà. Người dân muốn qua lại hai bên phải vượt qua con đường mòn nằm cheo leo bên những vạt cỏ gianh trên sườn núi cao. Do đường đi lại hiểm trở, phương thức dùng ngựa thồ hàng vẫn phát huy hiệu quả nhất. 

Theo ông Vương, sau này chính sự bất tiện đó mà ngành giao thông tỉnh, huyện tập trung huy động nhân công mở thông con đường Đèo Gà. Từ con đường mòn, hình hài một con đường mà ô tô lâm nghiệp có thể lăn bánh đã dần hiện rõ. Hàng nghìn nhân công đã đổ mồ hôi ở đây, hàng trăm nghìn mét khối đất đá được đào, san lấp.

Trải qua nhiều lần mở rộng, hạ độ cao, duy tu, bảo dưỡng, nắn cua, trải nhựa, làm hộ lan, cắm biển báo… làm cho con đèo có một diện mạo mới. Giao thông đi lại thuận lợi hẳn, song hiện nay vào mùa mưa các phương tiện qua đèo vẫn “dè chừng” vì tình trạng sạt lở đất. Năm nào cũng vậy, ngành giao thông huyện luôn vất vả ứng trực cho việc khắc phục hậu quả thiên tai mưa lũ trên tuyến Đèo Gà, bảo đảm huyết mạch giao thông được thông suốt.

Ngày nay, vượt bên kia Đèo Gà thuộc xã Phúc Thịnh đã hình thành Cụm công nghiệp An Thịnh của huyện. Nhà máy mọc lên, xe cộ đi lại nhiều, quán xá hình thành đã xua tan một phần sự “âm u” của Đèo Gà. Nhưng vào đêm khuya, nhiều người “yếu bóng vía” vẫn không dám đi qua con đèo hoang vu dài 5 - 6 km.

Chị Hoàng Thị Hạnh, nhà ở xã Hòa Phú lên làm công nhân cho nhà máy đũa tách xuất khẩu tại Cụm công nghiệp An Thịnh nói, nhiều lần đêm khuya đi về thấy cả một vùng trời tối đen như mực, gió rít bên tai mà hoảng quá nên chị quyết định thuê trọ gần nhà máy. Đèo Gà còn là nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, thương tâm, trở thành “điểm đen” nên ai đi qua đây cũng sợ. Lợi dụng con đèo hiểm trở đã từng có những vụ cướp, xin tiền xảy ra. Đặc biệt, thời gian gần đây, Đèo Gà đang trở thành nơi đổ chất thải của những công dân thiếu ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Bừng sáng một khoảng trời

Từ khi lên làm Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa, anh Nguyễn Việt Lâm đã nhiều lần trực tiếp xuống tỉnh để họp bàn về Chương trình xây dựng nông thôn mới. Mỗi lần tối đi về qua địa bàn hai xã nông thôn mới tiêu biểu là Yên Nguyên và Hòa Phú, Chủ tịch huyện thấy diện mạo nông thôn hai ven quốc lộ đang có những chuyển biến tích cực. Đường giao thông được mở rộng, hè thoáng, người dân phấn khởi tự đóng góp tiền xây dựng tuyến "đường điện cao áp tự tạo” để thắp sáng làng quê, hình hài về một cuộc sống đô thị đang dần hiện rõ.

Tuy nhiên, chỉ cần vượt qua địa danh Hòa Phú sang Tân Thịnh, các phương tiện tham gia giao thông lại có cảm giác lọt thỏm vào vùng “tối om” hoang vắng của Đèo Gà. Trăn trở mãi điều này, sau khi bàn bạc với Thường trực Huyện ủy, UBND huyện đã mời lãnh đạo Điện lực huyện lên bàn chuyện kéo điện thắp sáng Đèo Gà. Câu chuyện là làm sao xây dựng tuyến đường điện bảo đảm chất lượng, nhưng chi phí phải rẻ nhất. Ngoài sự hỗ trợ của huyện, các địa phương có tuyến đường điện đi qua và Điện lực huyện cùng “hợp tác” trên tinh thần xã hội hóa “chung tay thắp sáng đường quê”.

Ông Nguyễn Văn Kiên - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Điện lực huyện dẫn nhà báo đi kiểm tra toàn tuyến khẳng định, sau khi có ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo Điện lực huyện đã giao Đoàn Thanh niên Điện lực huyện phối hợp với UBND xã Hòa Phú, Tân Thịnh tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, cụ thể, sát với tình hình thực tế.

Cuối tháng 12/2017, hơn 20 đoàn viên của Điện lực do Bí thư Đoàn Đỗ Viết Bảo chỉ huy, phối hợp với nhân công của thôn Khuân Hang, Cây La (xã Hòa Phú), An Phong (xã Tân Thịnh) lao động cật lực hơn 10 ngày trên công trường. Tổng cộng tuyến đèo dài trên 4,5 km có 139 vị trí cột điện thắp sáng được lắp đặt và xây dựng mới. Do Đèo Gà thường xuất hiện sương mù nên các kỹ sư điện của huyện lựa chọn phương án lắp đặt đèn màu vàng. 

Theo Điện lực, hiện đã lắp đặt một công tơ tổng ở địa phận xã Hòa Phú và một thuộc địa phận xã Tân Thịnh. Việc đóng điện hàng loạt hoàn toàn dùng rơ le tự động, buổi tối thắp sáng từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau là tự ngắt. Chi phí vật liệu xây dựng, hệ thống chiếu sáng hết trên 200 triệu đồng, UBND huyện chi trả. Còn nhân công do đóng góp tự nguyện của Điện lực huyện và người dân hai xã có đường điện chạy qua.

Sau khi công trình hoàn thành, kiểm tra về tính mỹ quan, an toàn, thông số kỹ thuật, Điện lực huyện đã bàn giao cho UBND xã Hòa Phú và xã Tân Thịnh trực tiếp quản lý. Chủ tịch UBND hai xã này có trách nhiệm phối hợp với Điện lực trong việc duy tu bảo dưỡng công trình, hàng tháng chốt công tơ, nộp hóa đơn tiền điện cho UBND huyện thanh toán. Công trình được đánh giá có chi phí rẻ, phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, được người dân và người tham gia giao thông đồng tình ủng hộ.

Bây giờ, Đèo Gà trong đêm, từng đoàn xe ô tô, xe máy, xe đạp nối đuôi nhau vượt đèo an toàn, tự tin. Anh Ma Văn Tuấn, thôn An Phong, xã Tân Thịnh thường hay đi về đêm trên tuyến đường này chia sẻ, nhân dân sống hai bên Đèo Gà, người tham gia giao thông rất phấn khởi về một chủ trương đúng của huyện. 

Đặc biệt, sắp tới đây huyện đang có chủ trương cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng điểm dừng chân du lịch Đèo Gà, nhằm khai thác cảnh đẹp, tiềm năng du lịch và xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng dưới chân đèo. Vì vậy, ngay từ bây giờ huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền đến người dân cùng chung tay bảo vệ cảnh quan Đèo Gà, biến Đèo Gà trở thành biểu tượng du lịch riêng có của huyện vùng cao Chiêm Hóa.


  • 22/05/2018 09:01
  • Theo Báo Tuyên Quang
  • 9350