Điện mặt trời áp mái ở Ninh Thuận: Vì sao khó nhân rộng?

Những năm gần đây, các dự án phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở tỉnh Ninh Thuận rầm rộ thi công và chiến lược phát triển Ninh Thuận thành một trung tâm năng lượng sạch được xem là chiến lược “chuyển bại thành thắng”, chuyển thiên tai nắng hạn thành lợi thế để phát triển kinh tế địa phương.

Hiệu quả thiết thực

Hơn một năm qua, việc lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà và công tơ hai chiều trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã đạt được hiệu quả nhất định. Sau khi có Quyết định số 11 của Thủ tướng Chính phủ về “Cơ chế hỗ trợ các dự án điện mặt trời tại Việt Nam” có hiệu lực, ngày 26/6/2017, Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Vương Thành Đạt là đơn vị tiên phong của tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện hợp đồng thi công điện mặt trời trên mái nhà cho người dân. Đến nay, Công ty này đã thực hiện thi công cho 14 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hệ thống điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà ở của dân do Công ty Vương Thành Đạt thi công.

Bà Ngô Thị Hoàng Thư - Giám đốc Công ty cho biết: “14 hợp đồng chúng tôi thi công điện mặt trời trên mái đều đã đạt hiệu quả. Tất cả đều nối lưới điện với đồng hồ 2 chiều. Với diện tích lắp đặt 100m2, đầu tư 600 triệu đồng, từ 4-5 năm sẽ hoàn vốn. Sau khi lắp đặt, các gia đình đã tiết kiệm đáng kể chi phí. Tất cả thiết bị, phụ kiện nhập khẩu đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phần lớn là công nghệ của Đức và Nhật Bản hợp tác sản xuất”.

Bà Lương Thị Như Thủy (Phường Thanh Sơn - TP. Phan Rang - Tháp Chàm) chia sẻ: “Nhà tôi đầu tư gần 60m2 với tổng chi phí 170 triệu đồng. Trước đây, chi phí tiền điện của gia đình là 3,4 triệu đồng/tháng, nay chỉ còn trung bình 1,7 triệu đồng/tháng. Sau khi đầu tư thấy hiệu quả, nhiều bạn bè cũng đã đầu tư lắp đặt”.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Ninh Thuận, tính đến cuối tháng 2/2019, toàn tỉnh có 29 dự án điện trên mái nhà đã được lắp đặt, trong đó Công ty Điện lực Ninh Thuận đã lắp đặt 15 dự án cho khách hàng; Tổng sản lượng điện phát trên lưới là 107.087 kWh. Đặc biệt, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũng đã lắp đặt thí điểm như: Công ty Điện lực Ninh Thuận, trụ sở Văn phòng UBND tỉnh, Sở Công Thương...

Trên thực tế, lợi ích của việc đầu tư dự án điện mặt trời trên mái nhà người dân trong thời gian qua đã rất hiệu quả, giúp người dân giảm chi phí sử dụng điện đáng kể; ngành điện cũng giảm được áp lực về nguồn điện. Tuy nhiên, để tạo sự lan tỏa rộng rãi, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.

Vướng mắc từ đâu?

Dù hiệu quả đầu tư điện mặt trời trên mái nhà đã rõ, nhưng vẫn chưa được áp dụng trên diện rộng. Nguyên nhân là nguồn đầu tư ban đầu lớn nên những hộ gia đình có mức thu nhập trung bình không xoay sở được. Tuy nhiên những hộ gia đình có điều kiện để làm thì gặp khó khăn vướng mắc trong khâu thỏa thuận đấu nối, thêm vào đó chưa có hướng dẫn cụ thể về thanh toán mua bán điện, thuế...

Ông Nguyễn Hữu Tiên - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận cho biết: “Hiện nay, Công ty chưa thể ký hợp đồng mua bán điện với các khách hàng mà chỉ có thỏa thuận ghi nhận sản lượng điện của khách hàng phát lên lưới và đợi Thông tư hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tài Chính. Tính từ tháng 6/2018 đến nay, sản lượng điện của khách hàng phát lên lưới điện là hơn 100.000 kWh (bình quân 18.000 kWh/tháng)”.

Trong cuộc họp ngày 4/3/2019 do UBND tỉnh chủ trì, hầu hết lãnh đạo các ngân hàng đóng chân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được mời đến tham dự đều trả lời chưa có kế hoạch hay chính sách cho vay ưu đãi gì cho khách hàng đầu tư điện mặt trời trên mái nhà, kể cả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Ninh Thuận. Họ gần như chưa hiểu, chưa tin vào hiệu quả của dự án này. Chỉ duy nhất Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt - CN Ninh Thuận là có kế hoạch hỗ trợ.

Tại cuộc họp, nhiều nhà đầu tư lắp đặt công nghệ cũng đã trình bày chi tiết, thuyết phục hiệu quả thiết thực của việc đầu tư điện mặt trời trên mái nhà. Khách hàng chỉ cần đầu tư diện tích 60m2 trên mái nhà, mỗi năm có thể tiết kiệm chi phí sử dụng điện hơn 36 triệu đồng (chỉ tính 10 tháng/năm), trong 6 năm hoàn vốn đầu tư, tuổi thọ của dự án hơn 35 năm, có thể bán điện cho EVN trong 20 năm. Với chi phí đầu tư như trên, người dân lãi 15%/năm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho rằng, hiệu quả đầu tư điện mặt trời áp mái là rất lớn, doanh nghiệp, người dân không chỉ giảm chi phí tiền điện mà còn mang lại lợi ích cho ngành Điện. Vì vậy, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - CN Ninh Thuận và các đơn vị cung cấp thiết bị lắp đặt… làm rõ lợi ích cũng như hiệu quả mang lại của dự án, sớm có chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư. Tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện giá mua, bán điện….

Với địa phương có đặc thù nắng hạn kéo dài trong năm, chiến lược khuyến khích mở rộng đầu tư điện mặt trời trên mái nhà sẽ góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Thuận nói riêng và khu vực nói chung.


  • 08/03/2019 05:01
  • Nguồn: Báo Công Thương
  • 42181