Điện mặt trời: Liệu cơ chế, chính sách có khơi dậy được tiềm năng?

Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển điện mặt trời, song liệu cơ chế có đủ sức khơi dậy được tiềm năng? PV ghi lại ý kiến của một số chuyên gia, đơn vị xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Viết Ngãi

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: 

Cần sớm ban hành quy hoạch quốc gia

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, để phát huy được tiềm năng đó, cần sớm nghiên cứu xây dựng Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng. Từ quy hoạch tổng thể, các nhà đầu tư mới có định hướng đầu tư cụ thể.

Hiện nay đã có một số dự án điện mặt trời công suất nhỏ đang được triển khai ở giai đoạn tiền khả thi. Chính vì vậy, để thu hút đầu tư, Bộ Công Thương cần sớm xây dựng và ban hành Quy hoạch điện mặt trời Việt Nam. 

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, dù phát triển ở mức độ nào thì điện mặt trời cũng không thể là nguồn năng lượng chủ đạo trong hệ thống điện quốc gia mà chỉ hỗ trợ phủ đỉnh công suất vào giờ cao điểm.

Bà Ngụy Thị Khanh

Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID):

Cần có chính sách đột phá cho thị trường điện mặt trời

Trong một thời gian dài, quy hoạch năng lượng nói chung và năng lượng điện nói riêng chưa coi trọng nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện, vì suất đầu tư cho 1 kW công suất điện mặt trời quá cao. Dự báo xu thế công nghệ NLMT cũng chưa được xem xét thỏa đáng, nên chưa cập nhật kịp thời và chưa theo kịp được xu thế suất đầu tư giảm rất nhanh trên thế giới trong những năm trở lại đây. 

Ngoài ra, việc thiếu cơ chế đấu nối, bù trừ, mua điện trực tiếp từ năng lượng tái tạo nói chung và NLMT nói riêng cũng là rào cản dẫn đến khó thu hút được các nhà đầu tư cũng như huy động sự tham gia của các hộ gia đình, các doanh nghiệp và toàn xã hội. 

Hơn bao giờ hết, Việt Nam đang thực sự cần những chính sách đột phá trong phát triển thị trường điện mặt trời. Nhà nước cần ban hành cơ chế đấu nối (Grid code), huy động “xã hội hóa” đầu tư điện mặt trời nối lưới quy mô nhỏ từ các hộ gia đình, xí nghiệp, công xưởng quy mô nhỏ. Nông dân thay vì chỉ có thu nhập từ cây trồng, vật nuôi, cũng có thể tham gia vào đầu tư hệ thống điện mặt trời, từ đó có thêm thu nhập… 

Để đạt được mục tiêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh về điện mặt trời, Nhà nước cần ban hành chính sách và hướng dẫn chi tiết thủ tục mua bán điện mặt trời. Đặc biệt, việc cần làm ngay là ưu tiên hỗ trợ thực hiện các giải pháp phát triển điện mặt trời độc lập hoặc lai ghép với các nguồn năng lượng khác ở những khu vực chưa có điện lưới. Điều này có thể thu được nhiều lợi ích: Tăng số hộ gia đình được tiếp cận với nguồn năng lượng sạch; tăng cường năng lực chuyên môn, kỹ thuật cho nhân sự trong nước về lĩnh vực điện mặt trời; thiết lập các chuỗi giá trị nội địa cho ngành công nghiệp mới này…

Ông Nguyễn Thanh Đạt - Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPCCREB): 

Doanh nghiệp cần tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất điện mặt trời

Bước sang năm 2017, thị trường điện mặt trời tại Việt Nam đã có nhiều khởi sắc và bắt đầu hấp dẫn các nhà đầu tư. Tính riêng tại khu vực miền Trung và miền Nam, tổng công suất nguồn điện mặt trời được đăng ký đã lên tới vài chục nghìn MW. 

Hiện nay, CPCCREB cũng đang chuẩn bị các thủ tục triển khai Dự án Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung, công suất 50 MW, diện tích khoảng 70 ha tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Dự kiến, sau khi được phê duyệt, Dự án sẽ được triển khai trong vòng 15 tháng, thời gian hoạt động 50 năm.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ giá điện mặt trời với mức giá ưu đãi 2.086 đồng/ kWh (QĐ số 11/4/2017/ QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

Như vậy, về cơ bản điện mặt trời tại Việt Nam đã đủ các cơ chế, chính sách để phát triển. Vấn đề còn lại là ở các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Họ cần phải tính đúng, tính đủ chi phí để đầu tư các dự án điện mặt trời, không chỉ bổ sung thêm nguồn điện sạch cho đất nước mà còn mang lại lợi nhuận cho chính các doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần ủng hộ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là bồi thường giải phóng mặt bằng, ưu tiên đất thực hiện dự án. 


  • 22/05/2017 11:25
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 36262