Điện làm giàu làng bún Ngãi Chánh

Với việc nghiên cứu và sản xuất thành công máy ép bún liên hợp của anh Nguyễn Xuân Thọ, điện về Ngãi Chánh (Bình Ðịnh) như “thổi hồn” vào làng bún sản xuất thủ công, giúp cho thương hiệu bún và máy ép bún Ngãi Chánh nổi tiếng trên thị trường

Nếu nói An Nhơn là đất vua, đất nghề thì xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn) đã có đến 5 nghề truyền thống: Nghề đúc, nghề rèn, nghề tiện mộc mỹ nghệ, nghề làm đồ gốm và nghề làm bún. Riêng thôn Ngãi Chánh của xã Nhơn Hậu có khoảng 420 hộ dân thì đã có hơn 50 lò bún đang hoạt động.

An Nhơn vốn là đất lúa với giống lúa cho năng suất lên đến 7 tấn/ha/vụ. Mỗi năm 2 vụ lúa, hộ làm bún ở đây có dư gạo để  ăn, dư gạo để làm bún. Chỉ có loại gạo khô của An Nhơn làm bún mới ngon, không dính, lại dai. Hằng ngày, bún tươi từ thôn Ngãi Chánh được tiêu thụ hầu khắp thành phố Quy Nhơn, ra các huyện phía Bắc tỉnh Bình Định, theo đường 19 lên Tây Nguyên.

Thế nhưng, trước đây đa phần người làm bún không giàu lên từ bún, mà phất lên từ công việc chăn nuôi heo. Nước gạo - phụ phẩm của dây chuyền sản xuất bún lại là nguồn dinh dưỡng chủ yếu trong chăn nuôi. Riêng gia đình anh Nguyễn Xuân Thọ lại làm giàu nhờ máy sản xuất bún liên hợp. Từ một nông dân sinh ra và lớn lên tại làng nghề truyền thống Ngãi Chánh, anh chứng kiến cảnh làm bún thủ công truyền thống của thế hệ trước: Năng suất không cao, lại phải lao động khá nặng nhọc qua nhiều công đoạn, từ xay bột, giáo bột cho đến nén bột và bắt bún. Anh đã mơ một ngày quê hương có điện là có thể đổi đời từ những chiếc máy làm bún tự động.

Lò bún ở An Nhơn với năng suất 2,5 tấn bún tươi/ngày

Điện về Ngãi Chánh cũng là lúc anh Thọ chế tạo thành công máy ép bún liên hợp đầu tiên với 4 mô tơ truyền động cho 4 chức năng công tác chính: Đánh bột, ép bún, băng chuyền và bơm nước xả… Công suất máy dần được tăng lên qua hiệu chỉnh hợp lý các công đoạn. Chiếc máy sản xuất bún liên hợp hoàn chỉnh đầu tiên của anh đã đạt đến 2,5 tấn bún/ngày. Cứ mỗi ký gạo làm ra được 2,5 kg bún tươi thì lượng gạo tiêu thụ cho cả thôn Chánh Ngãi vào lò bún lên đến trên 4-5 tấn/ngày.

Tiếng lành đồn xa, không chỉ sản xuất và lắp đặt theo nhu cầu trong thôn Ngãi Chánh mà chiếc máy liên hợp ép bún của Nguyễn Xuân Thọ nổi tiếng khắp thị xã  An Nhơn, vượt ra ngoài tỉnh Bình Định, ra tận Quảng Ngãi, Quảng Nam, theo bà con Bình Định lên tận Tây Nguyên lập nghiệp.

Anh Thọ tâm sự: “Xã Nhơn Hậu chúng tôi đang phấn đấu hoàn thiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhờ có tiêu chí điện khí hóa nông thôn, mà nghề làm bún cổ truyền của thôn Ngãi Chánh mới giữ được nghề của cha ông và vươn lên làm giàu”.

 


  • 05/07/2012 11:59
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 8908


Gửi nhận xét