Điện khí hoá thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới

Việc phát triển hệ thống lưới điện nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được xem là động thực thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

Nỗ lực đưa điện lưới quốc gia về nông thôn, miền núi, hải đảo

Đưa điện về nông thôn miền núi, hải đảo là chủ trương được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm, tạo bước phát triển quan trọng trong công cuộc điện khí hóa. Thời gian qua, chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo của Việt Nam không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020, sau đó là Quyết định số 1740/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 có thể được xem là chặng đường cuối cùng cho Chương trình điện khí hóa nông thôn của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2016 - 2020, huy động vốn ngân sách trung ương cho chương trình là 4.743 tỷ đồng cùng với vốn đối ứng của các chủ đầu tư. Chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: 17/17 xã được cấp điện đạt 100% kế hoạch đề ra; cấp điện cho các đảo: Lý Sơn (Quảng Ngãi), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Nhơn Châu (Bình Định), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), đảo Trần và Cái Chiên (Quảng Ninh). Số hộ dân được cấp điện từ các nguồn trong giai đoạn vừa qua là 204.737/1.076.000, đạt 19% trên địa bàn 3.079 thôn, bản thuộc 1.107 xã.

Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện tính đến 31/12/2019 đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận điện. Tới hết năm 2023, 100% số xã trên cả nước đã có điện, số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 99,6%.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay, mức độ phủ điện của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực. EVN đã cấp điện đến 100% số xã. Số hộ dân có điện, sử dụng điện tăng từ 97,31%, tương ứng 19 triệu hộ (năm 2010) lên 99,47%, tương ứng 27,41 triệu hộ (tháng 6/2019). Trong đó, số hộ dân nông thôn có điện sử dụng tăng từ 96,29%, tương ứng 13,26 triệu hộ (năm 2010) lên 99,18%, tương ứng 16,98 triệu hộ (tháng 6/2019).

Có thể nói, Việt Nam đã thành công trong việc cung cấp điện những hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Kết quả này đạt được dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, giám sát chặt chẽ của Quốc hội; sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, cùng sự nỗ lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp, cá nhân liên quan.

Việc đưa điện lưới quốc gia đến với các vùng nông thôn đã thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương

Điện về làm thay đổi diện mạo làng quê

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, việc phát triển hệ thống lưới điện nông thôn đã làm "thay da đổi thịt" bộ mặt nông thôn Việt Nam. Điện lưới nông thôn đã xóa nhòa khoảng cách địa lý, người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo đã tiếp cận với những thông tin, tiếp cận được với khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế địa phương.

Tại tỉnh Sơn La, địa phương này đã đưa nhiệm vụ cấp điện nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, là chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2020, dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Sơn La đã đầu tư cấp mới cho 16.528 hộ dân; nâng cấp điện an toàn cho 1.012 hộ dân; nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn từ 86,7% năm 2015 lên 97,5% năm 2020.

Những kết quả này đã đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kinh tế 5,46% của tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020, trong đó riêng năm 2020 đạt 6,08%, xếp thứ 3/14 tỉnh, thành vùng trung du và miền núi phía Bắc và xếp thứ 12 cả nước.

Đối với Phú Thọ từ chỗ là tỉnh có tỷ lệ số hộ nông thôn sử dụng điện thấp, tính đến nay, 100% số khu dân cư có điện và hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia là kết quả từ chương trình điện khí hóa nông thôn được Công ty Điện lực Phú Thọ triển khai trong nhiều năm nay.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Lâm - Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết: “Điện là một trong 19 tiêu chí của xã nông thôn mới, đồng thời cũng là cơ sở hạ tầng quan trọng, hỗ trợ và thúc đẩy các tiêu chí khác hoàn thiện. Chính vì vậy, việc phát triển hệ thống lưới điện nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đề ra và tập trung triển khai nhằm để thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Có thể thấy rất rõ hiệu quả của việc đưa điện về nông thôn qua sự thay đổi sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày của người nông dân; từ việc giúp người dân thay đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi quy mô và tập quán canh tác, chăn nuôi, tăng năng suất trồng trọt, và chế biến nông lâm sản, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Việc đưa điện lưới về vùng khó khăn góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, cải thiện đời sống người dân, đồng thời động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nhờ có chương trình đưa điện về nông thôn, người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, đã vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Điều kiện kinh tế ổn định, có điện lưới người dân mua sắm và sử dụng nhiều các thiết bị điện phục vụ đời sống sinh hoạt.

Còn tại tỉnh Lạng Sơn, những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, ngành điện lực Lạng Sơn đã tập trung đầu tư cho các dự án điện, trong đó, nổi bật là dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 100% số xã có điện; số thôn bản đã có điện là 1.662/1.662 đạt 100%. Số hộ dân đã có điện toàn tỉnh là 202.600/203.134 hộ, đạt tỷ lệ 99,74%, trong đó tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia là 99,65%; số hộ dân nông thôn chưa có điện là 530 hộ bằng 0,35%.

Việc đưa điện lưới quốc gia đến với các vùng nông thôn đã thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tính đến 31/12/2023 trên toàn tỉnh Lạng Sơn có 154/181 xã đạt tiêu chí số 4 nông thôn mới về điện bằng 85%, tăng 32 xã so với năm 2022, còn lại 27 xã chưa đạt tiêu chí 4. (trong đó chỉ đạt tiêu chí 4.1 là 02 xã; chỉ đạt tiêu chí 4.2 là 24 xã và chưa đạt cả 2 tiêu chí là 01 xã).

Năm 2023, tổng số 10/10 xã theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã thực hiện xong và 5 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao đều đã đạt tiêu chí 4, tiêu chí 4 nâng cao về điện.

Từ những kết quả trên, có thể thấy Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi, và hải đảo không chỉ góp phần xoá đói giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo.

Điện khí hoá nông thôn giúp người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi quy mô và tập quán canh tác, nuôi trồng, tăng năng suất trồng trọt và chế biến nông lâm sản, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Điện cũng giúp cho các làng nghề truyền thống sử dụng máy móc thay thế sức người, phát huy sản phẩm cổ truyền và mở rộng ngành nghề mới. Các phương tiện nghe nhìn được sử dụng ngày càng phổ biến trong các gia đình nông dân, đã cải thiện đời sống văn hoá, nâng cao dân trí, đem lại những lợi ích cơ bản và lâu dài cho các địa phương, làm cơ sở để xây dựng nông thôn mới.

Link gốc


  • 23/04/2024 08:16
  • Theo congthuong.vn
  • 6007